Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

ChatGPT có thể giúp gì cho các doanh nghiệp?

Với khả năng ứng dụng công nghệ Máy học sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), ChatGPT có thể sắp xếp các từ thành các câu có ý nghĩa liên quan nối tiếp nhau.  Mặc dù được xây dựng trên mô hình ngôn ngữ xác suất (transformer), do đó không hiểu nghĩa câu trả lời mà nó cung cấp, nhưng ChatGPT có sức mạnh kiến thức khủng khiếp từ nguồn dữ liệu khổng lồ mà nó được nhà phát triển OpenAI huấn luyện (nguồn dữ liệu thu thập từ kho Internet). Vào thời điểm này, ChatGPT được huấn luyện trên dữ liệu lớn Big data với 175 tỷ tham số và 300 tỷ từ, thông tin đa lĩnh vực, đa ngôn ngữ, đa trường hợp sử dụng.

(Nguồn: Internet. Thanks.)

Theo Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng CMC, ChatGPT có khả năng áp dụng cho hầu hết các ngành nghề, bởi lẽ công việc nào cũng cần thông tin và tạo thông tin. Trong đó, ChatGPT có 4 điểm ứng dụng chính: tra cứu thông tin qua câu hỏi (trả lời thẳng vào câu hỏi, ngắn gọn); tạo nội dung (ý tưởng, kịch bản phim, truyện, khóa luận, viết bình luận, làm thơ, viết mã công nghệ dạng code, trả lời email); dịch thuật và tóm tắt văn bản.

Phóng sự truyền hình do ChatGPT viết kịch bản được phát trên Kênh HTV9 ngày 12-2-2023.

Ngày 12-2-2023, phóng sự truyền hình đầu tiên thực hiện dựa theo kịch bản do ChatGPT viết đã được phát trong chương trình công nghệ CafeTek của đài truyền hình HTV (TP.HCM). Giữa cơn sốt nóng ChatGPT trong cộng đồng, êkíp CafeTek đã nảy ra ý định thực hiện phóng sự “Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam” với sự tham gia của chính ChatGPT thay vì phải do biên tập viên viết kịch bản. Với câu hỏi: “Thực hiện một phóng sự về chatbot và AI ở Việt Nam hiện nay cần mấy phần chính?”, ChatGPT đã đề xuất chia thành 5 phần chính với các nội dung cụ thể. Sau đó, chính nó có thể viết được cho mỗi phần đó nội dung tới 500 chữ.   

Ngoài ra, ChatGPT còn đề xuất được những chuyên gia có thể phỏng vấn để bổ sung vào bài phóng sự. Sau khi có được bài viết từ AI, êkip tiến hành đưa đi đọc và lồng tiếng, hậu kỳ và dựng clip trên nền văn bản mà ChatGPT đã viết. Khi hoàn thành các công đoạn, phóng sự mà ChatGPT viết kịch bản được đánh giá là thật sự dễ nghe, đủ thông tin và đúng bố cục từng phần đối với một phóng sự cơ bản. Vậy là nó được thông qua kiểm duyệt nội dung để chính thức phát sóng.

Anh Ngô Trần Thịnh, người phụ trách sản xuất chương trình CafeTek – HTV, cho biết, văn bản mà AI có thể tự tổng hợp, bố cục và viết bài gần với kết quả của một biên tập viên có 1 đến 2 năm tuổi nghề. Không quá hay nhưng đầy đủ thông tin và góc nhìn, đủ để phục vụ thông tin cho khán giả. Thời gian để có được một kịch bản như vậy chỉ khoảng 8 phút so với gần 1 tiếng đồng hồ nếu do một biên tập viên bình thường làm.

Sau khi phát sóng chính thức trên Kênh HTV9, phóng sự truyền hình được viết bởi ChatGPT được khán giả rất quan tâm với hàng trăm lượt bình luận thích thú trên các diễn đàn về khả năng của AI trong ngành làm nội dung. Cả những chuyên gia công nghệ cũng đánh giá sự khó lường với khả năng mà công nghệ AI mang lại.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh nhận định: “Có thể thấy được năng lực khó tin của AI hiện nay và chắc chắn là trong tương lai, công nghệ này sẽ còn phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, xét cho cùng, tiến bộ công nghệ vẫn phải nhằm phục vụ con người, chứ không phải ngược lại. Do đó, hãy tận dụng sức mạnh và lợi thế từ công nghệ AI như CafeTek đã làm trong phóng sự ngày hôm nay thay vì lo sợ AI sẽ cướp mất công việc từ tay mình.” Anh cho chúng tôi biết là sắp tới đây, các chương trình truyền hình do anh thực hiện sẽ tiếp tục khai thác sự hỗ trợ tích cực từ AI, chẳng hạn như ChatGPT. Và là một người tham gia giảng dạy về khoa báo chí và truyền thông tại một số trường đại học, anh sẽ bổ sung thêm kiến thức về AI trong các giáo trình của mình, giúp các sinh viên có thể tận dụng hữu hiệu công cụ AI cho công việc của mình sau khi tốt nghiệp.

Còn ở nước ngoài, nhà báo Anh Henry Williams đã đặt ChatGPT viết một bài về cổng thanh toán. Chỉ 30 giây sau, ông đã nhận được một bài viết với chất lượng nội dung đạt yêu cầu của ông, mà nếu ông viết được như vậy thì cũng phải mất hàng giờ. Sau khi kiểm chứng và chỉnh sửa lại cho hoàn thiện, nhà báo Henry Williams đã gửi bài báo tới tòa soạn và được xuất bản với mức nhuận bút 615 USD.

Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Nhân sự, Ngân hàng HSBC Việt Nam, chia sẻ: Phóng sự về AI ở Việt Nam do ChatGPT viết kịch bản vừa được phát trên HTV cho thấy khả năng tổng hợp và dùng từ ngữ của AI đã tốt lên rất nhiều theo thời gian. Tuy nhiên, bà cũng đánh giá, công nghệ này chỉ dừng ở mức hỗ trợ công việc nhanh hơn chứ chưa thể thay thế hoàn toàn và có được sự sáng tạo của con người. Nếu ứng dụng công nghệ AI đúng cách, người làm nội dung có thể hoàn thành công việc nhanh hơn, có được nhiều tác phẩm hơn.

Qua những ý kiến trên mạng, không ít người làm trong ngành kinh doanh và dich vụ cho biết họ háo hức được ứng dụng AI để hỗ trợ cho doanh nghiêp của mình.

Để nghe chính “người trong cuộc” nói, chúng tôi đã “phỏng vấn” ChatGPT về vấn đề này:

– ChatGPT có thể giúp gì cho các doanh nghiệp?

“ChatGPT có thể giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa các quy trình công việc, tối ưu hóa các quy trình của khách hàng, cải thiện hiệu suất của các nhân viên và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Nó cũng có thể giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa các chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.”

– Có thể dẫn chứng vài ví dụ về việc ChatGPT giúp doanh nghiệp không?

“Ví dụ, ChatGPT có thể giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa các quy trình của khách hàng bằng cách cung cấp các câu trả lời tự động và tự động hóa các quy trình của khách hàng. Nó cũng có thể giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa các chi phí bằng cách giảm thời gian cần thiết để xử lý các yêu cầu của khách hàng. Nó cũng có thể giúp các doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh bằng cách cung cấp các câu trả lời chính xác và nhanh chóng cho các khách hàng.”

– ChatGPT có thể giúp doanh nghiệp quảng bá rộng rãi tới cộng đồng không? Bằng cách nào?

“Vâng, ChatGPT có thể giúp doanh nghiệp quảng bá rộng rãi tới cộng đồng bằng cách sử dụng các công cụ trực tuyến như các trang web, các trang mạng xã hội, các trang web cộng đồng, các trang web tổ chức, các trang web cộng đồng của các công ty và các trang web cộng đồng của các nhà tài trợ. ChatGPT cũng có thể giúp doanh nghiệp tạo ra các cuộc trò chuyện trực tuyến với các khách hàng và cộng đồng, để giúp họ tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.”

– Để có thể đạt hiệu quả tối ưu, doanh nghiệp cần sử dụng ChatGPT như thế nào?

“Để có thể đạt hiệu quả tối ưu, doanh nghiệp cần sử dụng ChatGPT để tối ưu hóa các quy trình của khách hàng, cải thiện hiệu suất của các nhân viên và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp cũng cần sử dụng ChatGPT để tối ưu hóa các chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp cũng cần sử dụng ChatGPT để quảng bá rộng rãi tới cộng đồng bằng cách sử dụng các công cụ trực tuyến như các trang web, các trang mạng xã hội, các trang web cộng đồng, các trang web tổ chức, các trang web cộng đồng của các công ty và các trang web cộng đồng của các nhà tài trợ.”

– ChatGPT có thể làm thay công việc của nhân viên PR và marketing không?

“Vâng, ChatGPT có thể làm thay công việc của nhân viên PR và marketing bằng cách tự động hóa các quy trình của khách hàng, cải thiện hiệu suất của các nhân viên và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Nó cũng có thể giúp các doanh nghiệp quảng bá rộng rãi tới cộng đồng bằng cách sử dụng các công cụ trực tuyến.”

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 18-2-2023 và trên báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ