Thứ Hai ngày 30 tháng 12 năm 2024

Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho ôtô thông minh

“Việt Nam có cần làm chủ AI tạo sinh?” Đó là một câu hỏi mà Giáo sư Vũ Hà Văn, Giáo sư Toán học tại Đại học Yale (Mỹ) và Giám đốc Khoa học của Công ty VinBigdata (thuộc Tập đoàn Vingroup) đặt ra tại Triển lãm VinFast – Vì tương lai Xanh” tại TP.HCM ngày 18-8-2023.

Trong bài thuyết trình về AI tạo sinh (Generative AI) và tương lai di chuyển, GS Vũ Hà Văn cho biết công ty chuyên nghiên cứu về Dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) này đã trải qua một quá trình nghiên cứu để biến những chiếc xe điện của VinFast thành những chiếc xe thông minh. Khái niệm thông minh ở đây là tìm kiếm và nắm bắt được tất cả các thành tựu khoa học mới nhất của thế giới và biến chúng thành hiện thực trên xe của VinFast. Hiện nay chúng ta có nhiều mô hình AI tạo sinh, nhưng hầu hết đó là những mô hình có sẵn do các công ty như OpenAI, cha đẻ của ChatGPT, tạo ra. Người ta có để đem chúng về chỉnh sửa lại cho phù hợp với thực tế sử dụng của mình. VinBigdata chọn một cách tiếp cận khác, đó là phát triển một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của Việt Nam do chính người Việt tạo ra. GS Vũ Hà Văn giải thích lý do vì sao chúng ta cần một mô hình AI tạo sinh riêng như vậy? Đứng về phương diện quốc gia nói chung và một công ty nói riêng, có 3 vấn đề cần quan tâm: bảo đảm tính bảo mật an toàn dữ liệu – không ai muốn dữ liệu của mình chạy qua một phần mềm bên ngoài; cung cấp thông tin chính xác hơn liên quan đến tính bản địa; tập trung vào nội dung mang tính đặc thù (văn hóa, quốc gia, ngành nghề, công ty,…). GS Vũ Hà Văn cho biết sau hơn nửa năm, VinBigdata đã xây dựng thành công một mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt để làm nền tảng phát triển các ứng dụng cho người Việt, thỏa mãn 3 yêu cầu nói trên.

Nền tảng AI tạo sinh do VinBigdata phát triển có thể ứng dụng đa ngành như ôtô thông minh, kinh doanh – vận hành thông minh, y tế thông minh, du lịch – khách sạn thông minh, đô thị thông minh – nhà thông minh. Riêng trong lĩnh vực ôtô thông minh, VinFast đã ứng dụng AI tạo sinh tiếng Việt vào các dòng xe điện của mình, như tích hợp trong hệ thống điều khiển bằng giọng nói, cá nhân hóa trải nghiệm lái,… Trên thế giới, một số hãng xe lớn cũng đã ứng dụng AI tạo sinh. Hãng Mercedes-Benz (Đức) cá nhân hóa trải nghiệm lái xe bằng việc tích hợp AI tạo sinh vào trợ lý ảo trên xe nhằm gia tăng trải nghiệm lái. Hãng Toyota (Nhật Bản) ứng dụng AI tạo sinh nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm, như giúp chuyển văn bản thành hình ảnh, tối ưu hóa thông số thiết kế giúp nâng cao hiệu suất làm việc.

Ông Stuart Iain Taylor, Phó Tổng Giám đốc VinFast, Giám đốc Khối Điện – Điện tử và Dịch vụ Thông minh tại VinFast, cho biết trợ lý ảo tiếng Việt ViVi do VinBigdata phát triển ứng dụng nhiều nền tảng công nghệ như AI, phân tích dữ liệu lớn, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, sinh trắc học giọng nói, có khả năng nhận diện ngôn ngữ tiếng Việt chính xác tới hơn 98% (nhóm từ phổ thông) và nghe hiểu được tiếng vùng miền ở nhiều ngữ cảnh khác nhau. ViVi đã được huấn luyện với hơn 30.000 giờ dữ liệu giọng nói chất lượng cao. GS Vũ Hà Văn nói rằng việc bổ sung thêm mô hình AI tạo sinh tiếng Việt sẽ giúp ViVi hoạt động tốt hơn rất nhiều, dễ thương hơn, giống người thật hơn, tương tác tốt hơn với người lái xe. Hiện nay, với AI, trợ lý ảo ViVi trên xe còn có thể phục vụ theo sự điều khiển của những hành khách đang ngồi trên xe; tất nhiên để bảo đảm an toàn, có những tác vụ chỉ thực hiện theo lệnh của người lái. VinFast ViVi đã được giới thiệu lần đầu cùng mẫu xe VF e34 vào tháng 10-2021.

Tại triển lãm VinFast Xanh, khách tham quan có thể trực tiếp trải nghiệm những tính năng thông minh dựa trên công nghệ AI đã và sắp được tích hợp trên xe điện VinFast. Chẳng hạn, trên một chiếc xe VF 8, Kỹ sư Trung thuộc nhóm nghiên cứu phát triển tính năng đậu xe tự động trình diễn tính năng sau 2 năm nghiên cứu phát triển và sắp tới giai đoạn giới thiệu cho người dùng. Đây là một tính năng thuộc hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao ADAS (Advanced Driver Assistance Systems). Với hệ thống camera và cảm biến 360 độ, thuật toán AI sẽ nhận diện môi trường chung quanh xe và tiến hành tự động đậu xe vào ô đậu xe cũng như đánh xe ra khỏi ô đậu xe. Mặc dù xe hoàn toàn thao tác tự động, nhưng để bảo đảm an toàn tối đa, người lái có thể can thiệp để dừng thao tác tự động bất cứ lúc nào. Hiện nay, tính năng này có thể đậu xe theo phương thức ghép ngang, ghép dọc và ghép chéo tùy theo thực tế ô đậu xe. Người lái có thể chọn ngay trên màn hình việc rời khỏi vị trí đậu sang bên phải hoặc bên trái với 3 tùy chọn vị trí xe song song, vuông góc hoặc chéo so với vị trí đậu. Theo kỹ sư Trung, sắp tới, tính năng đậu xe tự động còn có thể điều khiển từ xa thông qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Hệ thống hỗ trợ lái xe năng cao ADAS do người Việt phát triển được tích hợp trên xe điện VinFast VF 8. (Nguồn: VinFast).

Trong khi đó, Công ty Zalo AI chuyên nghiên cứu về AI đã phát triển được trợ lý ảo AI tiếng Việt Kiki phục vụ cho những người Việt lái xe ôtô. Trợ lý thông minh đầu tiên của người Việt này đã được ra mắt hồi tháng 12-2020. Tính đến tháng 3-2023, trợ lý ảo Kiki đã vượt mốc 300.000 lượt cài đặt. Thế mạnh lớn nhất của Kiki là khả năng xử lý tiếng Việt tốt, nghe hiểu tốt giọng nói theo các vùng miền và đặc trưng ngôn ngữ của từng địa phương. Tính năng điều khiển bằng giọng nói mang lại sự tiện dụng và an toàn khi lái xe. Chỉ bằng một câu nói đơn giản, người dùng có thể nhờ trợ lý Kiki chỉ đường, bật nhạc, gọi điện thoại, và nhiều tác vụ hữu ích khác.

Trợ lý ảo AI tiếng Việt Kiki trên ôtô. (Ảnh: Zalo).

Các hãng màn hình lớn như Zestech, Gotech, Oled, Safeview, Bravigo,… đang tận dụng lợi thế AI của người Việt cho người Việt, tích hợp mặc định trợ lý Kiki lên tất cả các dòng sản phẩm bán tại Việt Nam. Đến nay, đã có gần 30 hãng màn hình thông minh tích hợp sẵn trợ lý giọng nói “Made in Việt Nam” này. Sau cú bắt tay giữa TCMS – Motrex Hàn Quốc – Zalo AI hồi đầu năm 2023, các bên cho biết sẽ đưa trợ lý Kiki tích hợp sẵn vào hệ thống thông tin giải trí (IVI) trên những dòng xe Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam.

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ tại Tập đoàn FPT, cho biết: công nghệ AI đã được ứng dụng trong rất nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Điều đặc biệt đó là hầu hết các sản phẩm, giải pháp AI đang được ứng dụng ở Việt Nam đều do các công ty công nghệ Việt Nam phát triển, từ sự nỗ lực và đầu tư mạnh mẽ của các công ty vào AI.

Trong báo cáo đánh giá thị trường của RationalStat, thị trường trợ lý giọng nói trên ôtô toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ đáng kể trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030. Quy mô thị trường đạt con số nhiều triệu USD vào năm 2029.

Một báo cáo khác của Navigant Research dự báo, trợ lý giọng nói trên ôtô sẽ được tích hợp trên khoảng 90% phương tiện mới, được bán ra trên toàn cầu vào năm 2028.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 23-8-2023 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC