Chủ nhật ngày 28 tháng 4 năm 2024

Đưa AI vào cuộc sống an toàn và hữu ích

Năm 2024 được giới công nghệ nói là năm của trí tuệ nhân tạo (AI). AI bây giờ không còn là chuyện xa vời, chỉ là chuyện học thuật, ở những “ông lớn” công nghệ. AI 2024 đã đến gần hơn với cuộc sống mọi người và nằm ngay trên những thiết bị bỏ trong túi quần.

Có thể nói rằng, việc công ty khởi nghiệp công nghệ OpenAI tung ra thị trường ứng dụng chatbot AI ChatGPT hồi cuối năm 2022 rồi nhanh chóng gây “bão toàn cầu” đã bật công tắc cho làn sóng ứng dụng AI rộng khắp thế giới. Từ các công trình bao năm nay nằm trong vòng nghiên cứu hay “trùm mền” chờ thời, đến vô số dự án mới, AI đang ngày càng được ứng dụng sâu rộng hơn trong mọi khía cạnh và lĩnh vực cuộc đời sống xã hội và con người.

Đặc biệt, xu hướng thời thượng hiện nay khi nói tới AI là nói về AI tạo sinh (generative AI). Công nghệ AI đã vượt qua mức độ tổng hợp, phân tích và xử lý dữ liệu rồi dưa ra dự đoán ban đầu để giờ có thể suy luận, sáng tạo và tự học theo con người để ngày càng gần với con người hơn.

(Ảnh từ Internet. Thanks.)

Đại học York (Anh) nhận định: “Trong những năm gần đây, AI đã len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta theo những cách mà chúng ta thậm chí có thể không nhận thức được. Nó đã trở nên phổ biến đến mức nhiều người vẫn không nhận thức được tác động của nó cũng như sự phụ thuộc của chúng ta vào nó. Từ sáng đến tối, trong các hoạt động thường ngày của chúng ta, công nghệ AI thúc đẩy phần lớn những việc chúng ta làm. Khi thức dậy, nhiều người trong chúng ta với lấy điện thoại di động hoặc máy tính xách tay để bắt đầu ngày mới. Làm như vậy đã trở nên tự động và không thể thiếu trong cách chúng ta thực hiện chức năng ra quyết định, lập kế hoạch và tìm kiếm thông tin. Sau khi bật thiết bị của mình, chúng ta sẽ ngay lập tức sử dụng chức năng AI như: Face ID và nhận dạng hình ảnh, email, ứng dụng, truyền thông xã hội, tìm kiếm của Google, trợ lý giọng nói kỹ thuật số như Siri của Apple và Alexa của Amazon, ngân hàng trực tuyến, hỗ trợ lái xe – lập bản đồ tuyến đường, cập nhật giao thông, điều kiện thời tiết, mua sắm, giải trí – chẳng hạn như Netflix và Amazon. AI chạm đến mọi khía cạnh của cuộc sống trực tuyến cá nhân và nghề nghiệp của chúng ta ngày nay. Truyền thông toàn cầu và kết nối trong kinh doanh đang và tiếp tục là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng. Tận dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu là điều cần thiết và quỹ đạo tăng trưởng tiềm năng của nó là vô hạn”.

Ngay ở Việt Nam, AI hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, y tế, giáo dục, thương mại điện tử,… Đáng chú ý là hầu hết các sản phẩm, giải pháp AI đó đều do các công ty công nghệ Việt Nam phát triển.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang ngày càng tăng tốc trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia. Việt Nam đã xác định công thức của chuyển đổi số là dữ liệu + điện toán đám mây + trí tuệ nhân tạo AI. AI đã được tích hợp trong nhiều hoạt động của chính quyền điện tử tiến đến chính quyền số. Một ứng dụng của AI là trợ lý ảo cững được quan tâm “tuyển mộ” làm “nhân viên” phục vụ trong các hoạt động của Nhà nước, đặc biệt là trong giao tiếp với người dân. Còn nhớ, trong cuộc họp giao ban lãnh đạo chủ chốt của Bộ Thông tin và Truyền thông giữa năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có nói rằng: “Từ ngày 1-9-2021, trợ lý ảo sẽ bắt đầu ngày làm việc đầu tiên ở Bộ TT&TT. Đây là một sự thay đổi mang tính cách mạng trong hoạt động nhà nước. Với một rừng các qui định thì không thể có một chuyên viên, một chuyên gia nào có thể nắm vững. Và trợ lý ảo xuất hiện trong từng lĩnh vực chuyên môn sẽ là lời giải giúp cho công chức, viên chức nhà nước làm việc tốt hơn, phục vụ người dân tốt hơn mà lại đỡ vất vả hơn.”

Hôm 10-10-2023, trong Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “2023 là năm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam.” Thậm chí, ông còn đưa ra viễn cảnh: “Ước mơ mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, viên chức một trợ lý riêng, ước mơ trao thêm quyền năng tri thức cho con người, cho gần ba triệu công viên chức, cho hàng trăm triệu người dân đã trở thành hiện thực.”

Trong việc ứng dụng AI tạo sinh, nền tảng quan trọng là xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, LLM là vấn đề mới, không chỉ đối với cơ quan nhà nước, mà cả đối với các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam và LLM tiếng Việt, trợ lý ảo phục vụ người Việt phải do các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra.

Giáo sư Vũ Hà Văn, Giáo sư Toán học tại Đại học Yale (Mỹ) và Giám đốc Khoa học của Công ty VinBigdata (thuộc Tập đoàn Vingroup), cho biết: Hiện nay chúng ta có nhiều mô hình AI tạo sinh, nhưng hầu hết đó là những mô hình có sẵn do các công ty như OpenAI, cha đẻ của ChatGPT, tạo ra. Người ta có để đem chúng về chỉnh sửa lại cho phù hợp với thực tế sử dụng của mình. GS Vũ Hà Văn giải thích lý do vì sao chúng ta cần một mô hình AI tạo sinh riêng như vậy? Đứng về phương diện quốc gia nói chung và một công ty nói riêng, có 3 vấn đề cần quan tâm: bảo đảm tính bảo mật an toàn dữ liệu – không ai muốn dữ liệu của mình chạy qua một phần mềm bên ngoài; cung cấp thông tin chính xác hơn liên quan đến tính bản địa; tập trung vào nội dung mang tính đặc thù (văn hóa, quốc gia, ngành nghề, công ty,…).

Để đáp ứng nhu cầu thực tế của mình, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp cần có trợ ý ảo AI riêng cho mình, giống như một nhân viên trực lễ tân hay một người phụ trách về dữ liệu nội bộ. Trợ lý AI này sẽ giúp làm những công việc mang tính chất dữ liệu và trả lời người có yêu cầu, đặc biệt là nhanh, chính xác và thay cho rất nhiều người. Nó sẽ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, trải nghiệm khách hàng và hiệu suất làm việc của nhân viên.

Vì thế, mỗi trợ lý ảo AI riêng này phải có đặc thù riêng của tổ chức, thông hiểu các dữ liệu và hoạt động của tổ chức. Chỉ có điều, khả năng sẽ xảy ra một tình trạng hỗn loạn các trợ lý ảo, vừa rối rắm, vừa lãng phí nguồn tài nguyên.

Giải pháp tối ưu là các doanh nghiệp lớn có đủ điều kiện xây dựng những nền tảng trợ lý AI có khả năng tùy biến theo nhu cầu khách hàng.

Bất luận là “siêu việt” đến đâu, AI cũng chỉ là một công nghệ do con người phát triển để phục vụ con người. Mà việc ứng dụng AI như một công cụ thì lợi hay hại cũng là do con người.

Việc ứng dụng AI vào cuộc sống cũng với mục đích tối hậu là phục vụ con người, tăng khả năng và hiệu suất cho con người để phục vụ con người. Vì thế, phải xác định mục đích cụ thể của việc ứng dụng AI trong từng trường hợp cụ thể, đồng thời bảo đảm xây dựng AI tuân thủ những nguyên tắc AI an toàn và có trách nhiệm.

Chẳng hạn, Tập đoàn Công nghệ CMC có Giải pháp quản lý hồ sơ công chứng GC-Notary đồng hành cùng hơn 1.500 tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam giúp đơn giản hóa thao tác nghiệp vụ công chứng và giảm thiểu rủi ro trong nghiệp vụ. Tập đoàn Viettel cũng đã thử nghiệm thành công trợ lý ảo pháp luật phục vụ hệ thống tòa án. Tập đoàn VNPT có Giải pháp Quản lý toàn trình Cán bộ Công chức viên chức được xây dựng để triển khai cho các cơ quan Nhà nước, và các đơn vị sự nghiệp.

Trong hành trình đưa AI vào cuộc sống dưới sự cầm trịch của Bộ TT&TT, Tập đoàn Viettel có dự án xây dựng và triển khai nền tảng LLM tiếng Việt phục vụ khối cơ quan hành chính và tư pháp; triển khai trợ lý ảo phục vụ cán bộ công chức, viên chức. Tập đoàn CMC xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ rà soát công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Công ty VNG thực hiện dự án nền tảng LLM tiếng Việt và trợ lý ảo phục vụ người dân cũng như các vấn đề về dịch vụ công, về quyền lợi, trách nhiệm của người dân.

Để bảo đảm cho việc ứng dụng AI vào cuộc sống an toàn và có hiệu quả, việc nhà nước nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý, quy định quản lý AI là rất bức thiết. Điển hình là Châu Âu đã tiến tới ban hành đạo luật AI đầu tiên trên thế giới. Ngày 9-12-2023, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí về một bộ quy tắc quản lý các mô hình AI như ChatGPT. Trước đó, ngày 14-5-2023, Nghị viện Châu Âu đã thông qua quan điểm đàm phán về Luật Trí tuệ nhân tạo (AI) với các quy định nhằm khuyến khích việc áp dụng AI đáng tin cậy và lấy con người làm trung tâm, đồng thời bảo vệ “sức khỏe, sự an toàn, các quyền cơ bản và nền dân chủ khỏi những tác động có hại của AI”. Hiện nay, các nước lớn như Mỹ, Anh, Trung Quốc và các liên minh toàn cầu như G7 cũng đã đưa ra các đề xuất để quản lý AI. Ngày 30-10-2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký một sắc lệnh về AI. Cùng ngày, các nhà lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển G7 đã ký Tuyên bố về Tiến trình AI Hiroshima, trong đó đưa ra Quy tắc ứng xử dành cho các nhà phát triển AI, một hướng dẫn tự nguyện cho các công ty trong việc phát triển AI có trách nhiệm. Hồi đầu tháng 11-2023, Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn AI (UK AI Safety Summit) lần đầu tiên đã được tổ chức tại London (Anh), do Chính phủ Anh chủ trì với sự tham dự của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và đại diện của chính quyền 28 nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

AI không chỉ là một xu hướng toàn cầu mà chính là một thành tố nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói chung, và công cuộc chuyển đổi số nói riêng. Về mặt kinh tế, AI là một yếu tố cạnh tranh và một thị trường tiềm năng. Vì thế, việc tích cực tham gia cuộc chơi AI là không thể tranh cãi, vấn đề nằm ở chỗ cần chơi AI một cách an toàn và có lợi tối đa. Chậm trễ ứng dụng AI là bỏ lỡ thời cơ và đứng bên ngoài đoàn tàu đang tăng tốc. Mọi sự lợi dụng hay lạm dụng AI đều gây nhiều nguy hại khôn lường.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 13-12-2023 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC