Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Nông nghiệp xanh: Nông nghiệp tuần hoàn và chính xác trên hành trình đến Net-zero

Một dự án trồng cây trung hòa carbon (cacbon) hướng đến Net-zero đã được khởi động tại thủ đô Hà Nội hồi tháng 2-2023. Dự án có vốn đầu tư 15 tỷ đồng này do Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk và Bộ Tài nguyên – Môi trường triển khai kéo dài 5 năm (2023-2027). Đây cũng là dự án hưởng ứng mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) vào năm 2021.

Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo. Thanks.

Tại lễ khởi động dự án, Vinamilk và Bộ TN-MT đã trao tặng hơn 1.000 cây xanh trưởng thành trị giá gần 1,5 tỷ đồng để trồng tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Những giống cây thân gỗ có thời gian sống lâu dài này có thể sản sinh ra lượng carbon tích lũy tăng dần từng năm theo tuổi thọ của cây. Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất của Vinamilk, chia sẻ: “Vinamilk tiên phong trong các dự án trồng cây, giảm phát thải. Đây là trách nhiệm của Vinamilk đối với xã hội, với cộng đồng. Nó cũng thể hiện sự cam kết của Vinamilk với Chính phủ trong việc hướng tới Net-zero vào năm 2050.” Trước đó, từ năm 2012 đến năm 2020, Vinamilk và Bộ TN-MT đã phối hợp triển khai Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố với tổng trị giá 12,5 tỷ đồng.   

Hành trình tiến tới Net-zero trong nông nghiệp ở Việt Nam thực tế đã bắt đầu từ nhiều năm qua, đồng hành cùng công cuộc phát triển kinh tế xanh, bền vững của cả nước. Hồi đầu năm 2024, Chính phủ Việt Nam tái xác định việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra mục tiêu “Nông nghiệp tuần hoàn” (circular agriculture) chính là giải pháp giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp bền vững và thực hiện cam kết trở thành quốc gia có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022 ngành Nông nghiệp đã đóng góp khoảng 14% tổng giá trị sản phẩm trong nước và 38% việc làm. Tuy nhiên đây cũng là ngành đứng thứ 2 về phát thải của Việt Nam, chỉ sau sắt thép và xi măng.

Nông nghiệp tuần hoàn là sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín. Trong đó, các chất thải, phế phẩm, phụ phẩm sẽ được thu hồi để tái chế có thể quay trở lại thành nguyên liệu đầu vào cho nuôi trồng tạo ra sản phẩm an toàn, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.

Theo Hành trình Net Zero, ước tính phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam mỗi năm khoảng 160 triệu tấn, trong đó hơn một nửa là phụ phẩm sau thu hoạch cây trồng, gần 40% là chất thải gia súc, gia cầm; còn lại là từ lâm nghiệp và thủy sản.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định nông nghiệp công nghệ cao là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế. Vì thế, tỉnh đã tập trung triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Tỉnh đã hình thành được 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao với sự tham gia của các chủ doanh nghiệp, hợp tác xả và nông dân. UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành các quy định, chính sách để phục vụ cho nông nghiệp tuần hoàn phát triển.

Một điển hình là Công ty Trang Linh ở xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc), nơi có 40.000 con heo được nuôi theo quy trình khép kín ứng dụng công nghệ cao và tự động. Nhờ vậy, đàn heo tăng trưởng tốt, an toàn và không gây ô nhiễm môi trường. Chuồng heo được lót lớp đệm lót sinh học. Sau 4 tháng, lớp đệm lót sinh học có tích tụ các chất thải của đàn heo trở thành phụ phẩm được thu gom để xử lý làm phân bón hữu cơ cho trồng trọt. Mỗi tháng có tới 500 tấn phân bón được sản xuất từ phụ phẩm chăn nuôi đã được bán cho nông dân chăm bón cây trồng theo mô hình trồng trọt hữu cơ. Theo phản hồi từ nông dân, việc sử dụng phân bón hữu cơ này đã giúp tăng năng suất cây trồng.

Một điểm mới trong nông nghiệp tuần hoàn tại Bà Rịa – Vũng Tàu là hình thành được mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và nông dân để tận dụng thế mạnh của nhau cùng nhau phát triển. Chẳng hạn như chủ doanh nghiệp chăn nuôi có thể bán phân bón chế biến từ phụ phẩm chăn nuôi cho nông dân với giá hợp lý và những phương thức thanh toán linh hoạt (như cho trả chậm, trả góp).

Tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Trách nhiệm của chúng ta – Hành động của chúng ta” do báo Đầu Tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 11-2023, ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ: “Vai trò của Lộc Trời cũng như người nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long là phải hành động, vì chúng tôi biết rằng mình sẽ đóng góp rất nhiều vào phát thải khí nhà kính của Việt Nam.” Ước tính sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam mỗi năm thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải carbon quy đổi CO2e, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2e (chiếm 50%); chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e (chiếm 19%); quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e (chiếm 13%). Theo dự báo, vào năm 2030, Việt Nam sẽ tạo ra 120 triệu tấn khí thải carbon quy đổi, trong đó trồng lúa vẫn chiếm đến một nửa.

Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo. Thanks

Các chuyên gia cho biết: Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, như sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách,…

Với quy mô hiện nay, Lộc Trời là một doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp lớn hàng đầu ở Việt Nam. Công ty hiện đang triển khai trồng lúa trên 2 triệu hecta với sự tham gia của 1 triệu hộ nông dân. CEO Lộc Trời cho biết: “Để có thể giảm phát thải khí nhà kính, chúng tôi dựa vào 3 hoạt động chính: Cải tiến các sản phẩm sinh học, áp dụng kinh tế tuần hoàn, và phát triển xanh. Mục tiêu của Lộc Trời là tạo ra 10 triệu chứng chỉ carbon ở Đồng bằng Sông Cửu Long.”

Cách làm cụ thể của Lộc Trời là: Về sinh học, công ty sẽ cân bằng được 3 yếu tố hóa học, sinh học và hữu cơ trong bộ sản phẩm chăm sóc mùa vụ. Về áp dụng kinh tế tuần hoàn, công ty có thể tạo ra nguyên liệu tro trấu, là đầu vào cho sản xuất các sản phẩm hạt nhựa sinh học, hoặc tro trấu trộn xi măng để làm thành nguyên liệu nhẹ cho các nhà cao tầng. Về phát triển xanh, công ty tập trung nhiều hoạt động giảm khí thải nhà kính, trong đó có giảm nitrogen (nitơ) và methane (mêtan), các loại khí thường phát sinh trong sản xuất nông nghiệp.

Kinh nghiệm của Lộc Trời là phải thuyết phục được người nông dân theo mình, gắn bó với mình khi họ nhận được những lợi ích thực tế. Điểm mấu chốt là các chương trình của Lộc Trời phải bảo đảm cho người nông dân là đối tượng đầu tiên nhận được các lợi ích tài chính khi tham gia.

Kinh nghiệm của Lộc Trời trong phát triển nông nghiệp bền vững cũng tương đồng với hãng Nestlé Việt Nam. Bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Đối ngoại cấp cao Nestlé Việt Nam, chia sẻ tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023: “Là nhà thu mua cà phê lớn nhất tại Việt Nam, chúng tôi đã phối hợp với nhà quản lý, các trung tâm khuyến nông và người nông dân để thực hiện chương trình nông nghiệp, trong đó người nông dân là trọng tâm.”

Cụ thể Nestlé Việt Nam đã kết nối với 21.000 hộ nông dân giúp họ có thể tái canh được hơn 63 triệu cây cà phê tại Tây Nguyên theo mô hình canh tác với phát thải thấp. Cũng theo bà Thương, nguồn cung ứng chiếm hơn 70% lượng phát thải của Tập đoàn trên toàn cầu. Vì vậy, Nestlé  đã tập trung vào công đoạn này, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quy trình canh tác và kiểm soát chặt chẽ nguồn phát thải.

Một nguyên nhân khác khiến sản xuất nông nghiệp phát thải khí nhà kính cao ngất là sản xuất chưa chính xác, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân và suy nghĩ chủ quan của người nông dân.

Trong nghiên cứu khoa học “Nông nghiệp chính xác và khả năng triển khai tại Việt Nam”, Tiến sĩ Hoa Hữu Cường, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ghi nhận: “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang làm thay đổi mô hình phát triển nông nghiệp trên thế giới. Xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay tại các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đang chuyển dịch dần sang mô hình mới là ‘nông nghiệp chính xác’ (precision agriculture, PA) hay ‘canh tác chính xác’ (precision farming). Mục đích của nông nghiệp chính xác là tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm tác động môi trường và sản xuất ra nhiều sản phẩm nông nghiệp tốt hơn.” Ông cũng cho biết: “Nền tảng công nghệ để triển khai nông nghiệp chính xác chủ yếu dựa trên những thành tựu công nghệ của CMCN 4.0, đó là sự kết hợp của công nghệ cảm biến mới, công nghệ định vị vệ tinh, cũng như Internet vạn vật (IoT).”

Một điển hình cho việc ứng dụng mô hình nông nghiệp chính xác là Công ty Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS). Nằm trong mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp được triển khai từ năm 2020, mô hình canh tác chính xác, lên men chính xác đã giúp TTC AgriS có thể sử dụng vừa đủ các yếu tố nguyên liệu, vật tư đầu vào trong quá trình sản xuất, loại bỏ tồn dư không cần thiết, từ đó có thể giảm phát thải mà vẫn tăng được năng suất.

Tất nhiên, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp chính xác là một thành phần trong chuyển đổi số ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Vì thế, để triển khai chúng cần có nguồn tài chính không hề nhỏ. Bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó Tổng Giám đốc TTC AgriS, nói rằng: “Nền tảng công nghệ tốn chi phí nhưng lợi ích mang lại về lâu dài. Để thực hiện mục tiêu số hóa công nghệ, chi phí là rất lớn. Nếu có sự đồng hành của các bên, nó sẽ giúp doanh nghiệp vững tin hơn trên con đường chuyển đổi số.”

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chia sẻ: Các doanh nghiệp nên nhìn nhận đây không phải là khoản chi phí, mà là đầu tư cho tương lai.

Rõ ràng hiện nay, trong công cuộc đẩy mạnh chuyển đổi số để giúp giảm phát thải khí nhà kính tiến tới mục tiêu Net-zero trong sản xuất nông nghiệp, sự hỗ trợ chặt chẽ và hữu hiệu của Nhà nước, kết hợp với sự chung tay hợp sức giữa các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và người nông dân là cách làm thiết thực và mang ý nghĩa sống còn.

Giảm phát thải có hại cho môi trường nhưng vẫn phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo đảm được an toàn lương thực chính là kế sách bền vững cho tương lai.

Bài đã in trên Tạp chí Nông Thôn Việt số 98 (3-2024).

PHẠM HỒNG PHƯỚC