Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Ứng dụng AI giúp tăng độ chính xác cho xác thực danh tính eKYC

Từ khá lâu nay, trong các giao dịch điện tử, bao gồm thực hiện các thủ tục, dịch vụ hành chính công và đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng số, người ta phải trải qua bước xác thực danh tính bằng phương thức điện tử eKYC.

Gần đây hơn và cũng phổ biến hơn là khi cài đặt ứng dụng VNeID phục vụ cho việc định danh điện tử công dân trên đường xây dựng chính quyền số, người dân phải cho ứng dụng quét hình ảnh khuôn mặt thật cùng giấy tờ tùy thân. Quy trình xác thực “sâu” này nhằm bảo đảm chức năng của VNeID với giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ tùy thân truyền thống trong các giao dịch. VNeID do Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư thuộc Bộ Công an vận hành là siêu ứng dụng bao trùm các ứng dụng quản lý nhà nước về công dân, vì thế, nó cần có quy trình xác thực ở cấp cao nhất có thể được.

Và khi đi vào một văn phòng, cơ sở nào đó, khách hay nhân viên giờ đây không chỉ trình giấy tờ mà có thể phải đứng trước camera cho quy trình nhận diện khuôn mặt để xác thực từ cơ sở dữ liệu. Việc quản lý nhân sự bằng  eKYC chặt chẽ và chính xác hơn là quét thẻ.

Hệ thống xác thực eKYC được cơ quan dùng để quản lý nhân sự ra vào văn phòng. (Ảnh: Viettel AI).

Phương thức eKYC (Electronic Know Your Customer) là xác minh danh tính của khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ điện tử. eKYC định danh dựa trên các dữ liệu thu thập được như hình ảnh, video chân dung khách hàng và giấy tờ tùy thân của khách hàng, sau đó được đối chiếu với các cơ sở dữ liệu có sẵn. Cốt lõi của công nghệ eKYC này là phải bao gồm cả xác minh và đối sánh danh tính (Identity Authentication & Matching). Ví dụ: nhận diện khuôn mặt, xác định thực thể sống (không phải với hình ảnh tĩnh). Cho đến nay, người ta vẫn ứng dụng eKYC với những cách chính là thông qua mã OTP gửi đến thiết bị khách hàng và bằng sinh trắc học (khuôn mặt, dầu vân tay, mống mắt, giọng nói,…)

Sau này, hình thức xác minh qua cuộc gọi video thật sự đã giúp các tổ chức tài chính ngăn chặn một số hình thức đánh cắp danh tính có khả năng vượt qua quy trình eKYC, như Deepfake và Spoofing. Hình thức này cũng giúp tiến hành xác thực từ xa, qua kết nối Internet. Chỉ có điều, trong giai đoạn đầu, việc xác minh qua cuộc gọi video vẫn chủ yếu dựa vào lao động thủ công, cần có nhân viên trực tiếp tham gia.

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực đầu tiên ứng dụng thành công xác thực eKYC trong giao dịch điện tử đem lại lợi ích và sự thuận tiện cho cả đôi bên. Ngân hàng thì tăng thêm sự bảo mật, bảo đảm an toàn hơn trong nghiệp vụ; còn khách hàng được phục vụ nhanh chóng và tiện dụng hơn. Tại Việt Nam, sau hơn nửa năm thí điểm, vào tháng 3-2021, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cho phép áp dụng giải pháp eKYC để định danh khách hàng trực tuyến. Các ngân hàng có thể chủ động tìm hướng triển khai chi tiết và công nghệ phù hợp. Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản đang hoạt động.

Chẳng hạn như giờ đây, khách hàng có thể mở một tài khoản ngân hàng hoàn toàn online từ xa, không cần phải trực tiếp đến quầy giao dịch của ngân hàng. Với hình thức video call eKYC, ngân hàng sẽ định danh xác thực thông tin cá nhân khách hàng 100% online thông qua cuộc gọi video. Ngay cả việc rút tiền, chuyển tiền online cũng được xác thực thông qua video call eKYC, và sau khi xác minh giấy tờ tùy thân, kiểm tra tính chân thực của hình ảnh, nhân viên tiến hành hỗ trợ khách hàng hoàn thành các yêu cầu của mình.

Techcombank cho biết khách hàng có thể mở tài khoản ngân hàng và thẻ thanh toán chỉ mất 1 phút đăng ký online. Trước tiên, khách hàng phải cài đặt ứng dụng di động Techcombank Mobile trên thiết bị của mình rồi tiến hành các bước đăng ký và xác thực.

Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam VNPT đã phát triển giải pháp định danh điện tử VNPT eKYC để ứng dụng trong chuyển đổi số nền kinh tế tại Việt Nam. Đối với khu vực công, eKYC có thể được ứng dụng để cải thiện các thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian chờ đợi, tăng chất lượng phục vụ trong các hoạt động, dịch vụ công của chính quyền; cũng như trong các hoạt động y tế, bảo hiểm, giáo dục,… Còn với các ngành kinh tế, chủ yếu tập trung vào nhóm ngành ngân hàng, fintech, bảo hiểm, du lịch, eKYC giúp xác thực khách hàng, tăng cường nhận diện, mở rộng các phạm vụ phục vụ thông qua các giải pháp, phương tiện hỗ trợ như ứng dụng tài chính, ngân hàng trên Internet, ứng dụng trên mobile, các kios tự phục vụ,…

Việt Nam đang trong giai đoạn tăng tốc triển khai công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các hoạt động giao dịch, thủ tục hành chính bắt buộc phải tiến tới thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số online. UBND TP.HCM hồi trung tuần tháng 3-2024 đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của TP.HCM” và Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh” năm 2024, trong đó có mục tiêu 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP, kết nối Cổng Dịch vụ Công Quốc gia. Vì thế, cùng với chữ ký số, nhu cầu xác thực danh tính điện tử càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Các giải pháp eKYC ngày nay càng trở nên tiện lợi và an toàn hơn khi ứng dụng những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big data), Chuỗi khối (Blockchain),… giúp tăng sức mạnh xử lý thông tin dữ liệu, đặc biệt là chống giả mạo, đánh cắp danh tính.

Việt Nam có những thế mạnh nhất định về khai thác AI nên hiện hầu như các giải pháp eKYC, đặc biệt là từ các công ty công nghệ lớn, đều được ứng dụng AI. Ví dụ như FPT AI eKYC của FPT được giới thiệu là với thời gian định danh chỉ mất vài giây giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tối đa hóa nguồn lực và giảm thiểu sai sót, đáp ứng các yêu cầu cao về nghiệp vụ và bảo mật.

Chẳng hạn, với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, các tổ chức không cần phải sử dụng đến nhân viên trong một số tác vụ. Như với mô hình ngân hàng tự động ACB lite của Ngân hàng ACB phục vụ xuyên suốt 24/7, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch như gửi, rút tiền, mở tài khoản thanh toán, phát hành nhanh thẻ Visa Debit bất cứ lúc nào hoàn toàn số hóa.

Trên cơ sở hợp tác với TrueID, một giải pháp eKYC “Make-in-Vietnam” có Công ty VNG xây dựng, Ngân hàng ACB đã ứng dụng tính năng eKYC Video Call Face Identity cho phép khách hàng có thể gia tăng hạn mức giao dịch lên 500 triệu đồng mỗi lần sau khi thực hiện xác thực danh tính qua cuộc gọi video. Trong khi đó, với eKYC thông thường (định danh điện tử dựa trên giấy tờ tùy thân), khách hàng chỉ có thể mở thẻ với hạn mức giao dịch tối đa là 100 triệu đồng/ngày. Bà Nguyễn Ngọc Như Uyên, thời điểm đó là Phó Tổng Giám đốc ACB, chia sẻ: “Khách hàng có được trải nghiệm tốt nhất khi họ cảm thấy an toàn trong giao dịch với ngân hàng. Giải pháp Video Call Face Identity (TrueID) do ACB sử dụng đã đạt được các tiêu chuẩn uy tín về bảo mật thông tin và phòng chống gian lận giả mạo như ISO 27001, ISO 30107, chuẩn quốc tế Beta level 2 về nhận diện gương mặt, giúp bảo vệ tối đa khách hàng trên không gian số.”

Xác thực danh tính eKYC ngày càng tiện dụng và an toàn hơn. (Ảnh: CMC Global).

Ở Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng eKYC thế hệ mới có nhiều thuận lợi. Hành lang pháp lý đã có. Công nghệ đã được làm chủ bởi chính những người Việt Nam với hàng loạt ứng dụng eKYC của các tập đoàn, công ty lớn như VNPT, Viettel, FPT, CMC, VNG,… Viettel cho biết: Theo kết quả bài đánh giá FRTE (Face Recognition Technology Evaluation, Đánh giá công nghệ nhận diện khuôn mặt) 1:N Identification công bố hồi tháng 2-2024 do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) thực hiện, với thời gian chỉ mất dưới 1,5 giây để tìm kiếm và nhận diện một khuôn mặt ở góc nghiêng trong 12 triệu người, công nghệ tìm kiếm và nhận diện khuôn mặt của Viettel AI đạt Top 4 thế giới tại hạng mục Mugshot Profile 90 (nhận diện khuôn mặt ở góc nghiêng).

Đặc biệt, kể từ tháng 2-2021, Việt Nam đã khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và từ ngày 19-12-2022, các thông tin được chia sẻ cho hệ thống CSDL quốc gia về dân cư bao gồm: CSDL hộ tịch điện tử dùng chung, CSDL về cư trú, CSDL căn cước công dân, CSDL về y tế và CSDL chuyên ngành. Cùng với đó là việc tiến hành định danh điện tử công dân mà đến giữa năm 2023 đã cấp được tài khoản định danh cho hơn 44 triệu công dân trên cả nước. Đây chính là nền tảng mà khi được kết nối, các giải pháp eKYC càng tăng thêm sự an toàn và chính xác. Chẳng hạn, sau khi trở thành một đối tác chính thức của Bộ Công an cung cấp dịch vụ xác thực thông tin công dân trong chip của căn cước công dân, Viettel eKYC ứng dụng AI có thể kết nối với CSDL quốc gia về CCCD ngay trong quá trình định danh.

Bài đã in trên báo Người Lao Động thứ Tư 27-3-2024 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN