Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

“Cứu nước” thời nắng hạn, mặn xâm nhập đồng bằng

Nhiều tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã phát báo động khẩn cấp về tình hình hạn hán và nước mặn xâm nhập. Đồng bào ở nhiều địa phương đang lâm vào tình cảnh khổ sở vì thiếu nước sạch để uống và nước cho sinh hoạt hằng ngày.

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trong Bản tin dự báo nguồn nước (tuần từ 19-4-2024 đến 25-4-2024) cho biết: “Nguồn nước về Đồng bằng thuộc nhóm năm ít nước, ảnh hưởng của El Niño, mặn xâm nhập năm 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Trong điều kiện nắng nóng, dòng chảy thượng nguồn về thấp, dự báo mặn còn lên cao và chân mặn cao ở nửa cuối tháng 4 này.”

Cũng theo báo cáo của Viện này, trong tuần từ ngày 10-4 đến ngày 17-4-2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không xuất hiện mưa trái mùa.

Rất nhiều hoạt động “cứu nước” đã diễn ra ở các địa phương hạn hán để tiếp nước cho đồng bào. Công tư chung tay. Trong công điện ngày 8-4-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chính quyền các địa phương ở miền Tây tổ chức rà soát từng khu vực, từng ấp, xóm, từng hộ dân để có các phương án cụ thể phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt. Nhiều tổ chức và cá nhân cũng đã kịp thời có những hành động thiết thực để “tiếp nước” cho đồng bào mình.

Xe nước nghĩa tình của Anh Đạt ở Gò Công Đông. (Ảnh báo Ấp Bắc. Thanks).

Sáng nay, A Phủ đọc trên Báo Ấp Bắc của Tỉnh Tiền Giang bài viết về hành động “cứu nước” của anh Nguyễn Phát Đạt (Ấp 4, Xã Tân Tây, Huyện Gò Công Đông, Tỉnh Tiền Giang). Gần 1 tháng nay, đều đặn mỗi ngày, anh Đạt chạy chiếc xe gắn máy “cà tàng” kéo cái thùng ba gác chở bồn nước to đùng với dòng chữ “xe nước nghĩa tình” (nông dân chân chất sơn trên xe chữ “nghĩa” thành “ngĩa” thấy càng thêm thương) len lỏi vào những con đường nhỏ, vô những xóm nhà hẻo lánh, chở nước sinh hoạt đến nhà người già neo đơn tại các xã Gia Thuận, Tân Phước trong huyện. Tất nhiên là anh phát nước miễn phí.

Tác giả Minh Thành viết: Anh Đạt bắt đầu với công việc chở nước sinh hoạt cho người già neo đơn ở vùng sâu, vùng xa từ hơn nửa tháng nay. Mọi chi phí và công sức đều do anh tự bỏ ra với mong muốn chia sẻ khó khăn với người yếu thế trong mùa hạn, mặn. Anh Đạt chia sẻ: “Đợt hạn, mặn ‘lịch sử’ năm 2020, chiếc xe này cũng đồng hành cùng tôi đi chở nước từ thiện. Đợt đó tôi dùng can nhựa 30 lít để chở nước, mỗi chuyến 15 can. Tuy nhiên, năm nay, mới chở được 6 ngày đầu bằng can nhựa, xương sống bị đau, xách nước không nổi nên mới mua bồn nhựa 1 mét khối để chở”.

A Phủ đọc xong đâm ra chạnh nghĩ: Hỗng biết các hãng, các cơ sở sản xuất nước uống bao năm nay làm giàu “vì nước” có cách gì tham gia “cứu nước” phen này không. Còn nếu như có tổ chức nào đứng ra vận động cộng đồng tham gia đóng góp mỗi người vài chai nước, liệu các cơ sở sản xuất nước có chung tay bằng cách bán giá gốc phi lợi nhuận phục vụ đồng bào hay không? Chớ cái kiểu lợi dụng tình trạng khốn khổ của đồng bào mà kiếm lời thì thấy ghét tới tận… mì tôm thời bão lũ.

Xin mời đọc bài trên báo Ấp Bắc.

NGÔ LÊ