Những tin vui “thời thượng” từ “ông lớn” bán dẫn “tỷ đô” Marvell ở Việt Nam
Sau hơn 10 năm (2013-2024) hoạt động tại Việt Nam, “ông lớn” bán dẫn Mỹ Marvell đã gặt hái được nhiều hoa quả tốt đẹp. Vị thế và triển vọng của Marvell Việt Nam giờ đây càng cao hơn trong bối cảnh Việt Nam đang nóng sốt về chuyện bán dẫn mang tầm quốc sách.
Bản thân Marvell Việt Nam từ vài chục người thuở ban đầu (2013) đến nay (2024) đã có gần 400 nhân sự, trong đó có tới 97% là kỹ sư. Ngoại trừ công đoạn phát triển kiến trúc hệ thống, hầu hết các công đoạn còn lại trong quy trình phát triển chip của Marvell trên toàn cầu đều có sự tham gia của “chất xám Việt Nam”, thậm chí có những dự án hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam thực hiện. Cụ thể hơn, các kỹ sư của Marvell Việt Nam đã tham gia các công đoạn như thiết kế, kiểm tra thiết kế, giai đoạn GDSII (chuyển đổi từ định dạng thiết kế sang sản xuất), kiểm định sau gia công, phần mềm điều khiển,… Marvell Việt Nam đã tham gia phát triển vi mạch với các công nghệ mới nhất, cũng như các tiến trình sản xuất từ 28 nanometre (nm), 14nm, 7nm, 5nm, và tới đây sẽ là 3nm, 2nm,… Điển hình mới nhất là các kỹ sư Việt Nam đã tham gia thiết kế, mô phỏng, kiểm thử và phần mềm cho sản phẩm Marvell Nova 2, chip xử lý tín hiệu số (Digital Signal Processor, DSP) hiện đại nhất và đầu tiên trên thế giới cung cấp kết nối tốc độ cao 1,6 Terabit/giây (125 Gigabyte/giây). Ngày 25-3-2024, Marvell đã công bố 1.6Tbps PAM4 optical DSP đầu tiên trong ngành có các giao diện điện và quang (electrical and optical interfaces) 200Gbps để đáp ứng nhu cầu về hiệu năng ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng được tăng tốc, AI tạo sinh (generative AI), và điện toán hiệu năng cao.
TS Lợi Nguyễn trong buộc gặp gỡ báo chí Việt Nam tại văn phòng của Marvell Việt Nam trong Khu Chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) sáng 17-5-2024. (Ảnh: MEDIAONLINE).
Trong buổi gặp gỡ báo chí Việt Nam tại văn phòng của Marvell Việt Nam trong Khu Chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) sáng 17-5-2024, Tiến sĩ Lợi Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt hiện là Phó Chủ tịch Cấp cao của Tập đoàn Marvell phụ trách Cloud Optics Group, thông báo 2 tin vui: Một là, thêm một trung tâm thiết kế vi mạch mới của Marvell ở Việt Nam đã được khai trương cách đây 1 tháng tại Đà Nẵng, ban đầu có khoảng 50 nhân sự. Trung tâm thiết kế vi mạch này sẽ chuyên về lĩnh vực công nghệ tín hiệu Tương tự (Analog signal). Đây là trung tâm thiết kế vi mạch thứ ba cho đến nay của Marvell tại Việt Nam (sau 2 trung tâm tại TP.HCM). Hai là, trung tâm thiết kế vi mạch đẳng cấp thế giới tại TP.HCM (khai trương hồi tháng 5-2023) sẽ được mở rộng với nhiều chức năng hơn. Không chỉ có thêm nhân sự mà trung tâm tại TP.HCM còn có cả phòng Lab để hầu như tất cả hoạt động của các kỹ sư Việt Nam đều diễn ra tại Việt Nam.
Ông Lợi Nguyễn, một người sinh ra và lớn lên tại Saigon, từng học 2 năm tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM trước khi sang Mỹ học tập và sinh sống, đã rất vui khi chỉ trong vòng 8 tháng, số nhân sự của Marvell tại Việt Nam đã tăng đươc 33%, từ gần 300 người (năm 2023) lên gần 400 người. Tiến độ này vượt mục tiêu tăng trưởng 50% trong vòng 3 năm của Marvell tại Việt Nam đã được ông Matt Murphy, Chủ tịch & CEO Marvell, cam kết tại Hội nghị Cấp cao Việt Nam – Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9-2023 nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm chính thức Việt Nam. Tiến sĩ Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, cho biết: “Trong 3 năm tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 20% một năm về quy mô nhân sự, hướng tới cột mốc 500 kỹ sư trong tương lai không xa.”
TS Lợi Nguyễn (bên trái) và TS Lê Quang Đạm giới thiệu con chip điều khiển thiết bị lưu trữ trong buộc gặp gỡ báo chí Việt Nam tại văn phòng của Marvell Việt Nam trong Khu Chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) sáng 17-5-2024. (Ảnh: MEDIAONLINE).
Tiến sĩ Lọi Nguyễn và Tiến sĩ Lê Quang Đạm đã hào hứng “khoe” với giới media một con chip mới của Marvell nằm trong Dự án Titana 3. Đó là con chip điều khiển lưu trữ (storage controller) thuộc loại tiên tiến nhất hiện nay dùng cho các thiết bị lưu trữ tốc độ cao như SSD. Con chip tiến trình 7nm có kích thước nhỏ xíu khoảng 0,2cm vuông, nhưng có tới gần 200 triệu transistor và có 300 cổng kết nối (chân). Chip này hỗ trợ giao diện kết nối bus hệ thống nhanh nhất hiện nay là PCIe 5.0 dành cho các thiết bị lưu trữ chuẩn mới nhất có tốc độ nhanh nhất hiện nay. TS Lê Quang Đạm cho biết: “Tôi rất tự hào nói rằng các kỹ sư Việt Nam tại Marvell Việt Nam đã tham gia tới 50% trong việc phát triển con chip điều khiển SSD này.”
Theo TS Lợi Nguyễn, hiện nay, trung tâm thiết kế vi mạch của Marvell Việt Nam được xếp thứ 4 (sau Mỹ, Ấn Độ và Singapore) trong hệ thống thiết kế vi mạch toàn cầu của Marvell. Và ông tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa, vị trí này sẽ được nâng lên số 3 (chỉ sau Mỹ và Ấn Độ).
Hiện nay, nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam đã sử dụng các loại chip của Marvell trong sản phẩm của mình. Chẳng hạn như nhà sản xuất xe Vinfast sử dụng con chip Ethernet on car của Marvell kết nối các thiết bị trong xe ôtô, các bộ phận cảm ứng, các bộ phận điều khiển CPU trong xe ôtô. Chip điều khiển và kết nối cho ôtô là một trong những thế mạnh của Marvell, hiện có 17/20 hãng ôtô lớn trên thế giới đang sử dụng. Hiện nay, có thêm khoảng 5 doanh nghiệp Việt Nam – chủ yêu trong lĩnh vực truyền thông – đang làm việc để tiến tới ký kết sử dụng chip Marvell cho sản phẩm của mình.
TS Lê Quang Đạm tại văn phòng của Marvell Việt Nam trong Khu Chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) sáng 17-5-2024. (Ảnh: MEDIAONLINE).
Trong những năm qua, Marvell luôn chú trọng đến việc đào lạo nguồn nhân lực bán dẫn ở Việt Nam. TS Lê Quang Đạm cho biết: Khi so sánh với các công ty tại các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Phillipnes, nguồn nhân lực ở Việt Nam có thuận lợi lớn, đó là cơ sở kiến thức cơ bản vững chắc của các kỹ sư. Điều này trái ngược với một số nước khác, ví dụ như Thái Lan – ngành thiết kế vi mạch Thái Lan rất ít phát triển vì nguồn nhân lực chưa mạnh, và thiết kế vi mạch không phải là sở trường của họ.
Tại Trung tâm Thiết kế Vi mạch của Marvell Việt Nam trong Khu Chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) sáng 17-5-2024. (Ảnh: MEDIAONLINE).
Chia sẻ về việc tuyển dụng nhân lực tại Việt Nam, TS Lê Quang Đạm nói rằng: “Thuận lợi và thách thức luôn song hành cùng nhau. Khi tuyển dụng, chúng tôi hướng tới 2 nhóm đối tượng: (1) sinh viên kỹ thuật mới ra trường và (2) các kỹ sư giàu kinh nghiệm. Các bạn sinh viên mới tốt nghiệp ở Việt Nam có nền tảng kỹ thuật (STEM) rất tốt, nên sau khi được tuyển vào Marvell và được đào tạo khoảng 6-9-12 tháng là các bạn đã có thể hoàn thành tốt công việc được giao. Tuy nhiên, thách thức của phần lớn các bạn kỹ sư trẻ Việt Nam là khả năng giao tiếp, đặc biệt giao tiếp bằng tiếng Anh, cũng như khả năng làm việc theo nhóm, khả năng trình bày và quản lý dự án. Đây là những hạn chế mà chúng ta cần chú trọng cải thiện nhiều để phát triển đội ngũ nhân lực dồi dào. Đối với nhóm các kỹ sư có kinh nghiệm (5-10-15 năm kinh nghiệm), đặc biệt các bạn có tầm nhìn và tiềm năng lớn, có thể quản lý được dự án, đảm nhiệm được khâu kiến trúc là khâu rất quan trọng trong ngành vi mạch bán dẫn, hiện là một khó khăn chung ở Việt Nam vì nguồn lực kỹ sư đám ứng được tiêu chí này ở Việt Nam tương đối hạn chế, vì công nghiệp bán dẫn vi mạch ở Việt Nam còn khá non trẻ. Để khắc phục được điều này, chúng ta sẽ cần nhiều thời gian, và cần phải làm việc với các trường đại học, các viện nghiên cứu và Chính phủ Việt Nam để đẩy mạnh việc đào tạo ở các trường đại học, từ đó xây dựng được một nguồn cung cấp nhân lực kỹ sư có kinh nghiệm trong những năm sau này.”
Tại Trung tâm Thiết kế Vi mạch của Marvell Việt Nam trong Khu Chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) sáng 17-5-2024. (Ảnh: MEDIAONLINE).
Ngay từ nhiều năm trước, Marvell đã hợp tác với các nguồn đào tạo ở Việt Nam để tìm kiếm nhân lực và đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn. Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, Marvell tăng cường kết nối với hệ sinh thái vi mạch bán dẫn, như kết nối với doanh nghiệp, các trường đại học, khu công nghệ cao để cùng đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực. Hiện Marvell là thành viên trong hội đồng thẩm định chương trình đào tạo của các trường đại học hàng đầu như Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM để hỗ trợ, góp ý cho công tác đào tạo của các trường.
Tại Trung tâm Thiết kế Vi mạch của Marvell Việt Nam trong Khu Chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) sáng 17-5-2024. (Ảnh: MEDIAONLINE).
Còn về những khó khăn, theo TS Lê Quang Đạm, thực sự quy mô các trường đại học ở Việt Nam còn nhỏ, và chất lượng còn hạn chế so với các trường ở những nước Đông Nam Á khác và trên thế giới. Ví dụ, khó có thể so sánh với Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nơi có chất lượng và quy mô vượt trội hơn so với các trường đại học Việt Nam.
Ban lãnh đạo Marvell Việt Nam cho biết: Marvell đang cố gắng làm việc với chính phủ, các trường đại học để cải thiện chất lượng đào tạo sinh viên, đào tạo thêm các môn chuyên ngành để khi sinh viên ra trường có thể rút ngắn thời gian thực tập tại doanh nghiệp và bắt tay làm việc tại các dự án càng sớm càng tốt.
Hồi tháng 5-2023, ngay trong sự kiện ra mắt Trung tâm Thiết kế Vi mạch tại TP.HCM, Marvell Việt Nam đã công bố Chương trình Học bổng Ưu tú Marvell Việt Nam dành cho các sinh viên tài năng của Việt Nam. Thông qua chương trình học bổng này, công ty mong muốn phát triển năng lực kỹ thuật, khuyến khích sự hiện diện của lao động nữ ở mọi cấp độ và ưu tiên tuyển dụng lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Trong lần đầu tiên, Chương trình Học bổng Ưu tú Marvell Việt Nam đã được trao cho 10 sinh viên Việt Nam với giá trị 2.000 USD/năm cho một người. Đặc biệt, sinh viên nhận học bổng của Marvell sẽ không chịu một sự ràng buộc nào với Marvell mà họ toàn quyền sử dụng nguồn học bổng phục vụ cho việc học tập của mình.
Tại cuộc gặp gỡ giới truyền thông Việt Nam ngày 17-5-2024, TS Lợi Nguyễn thông báo: Chương trình Học bổng dành cho các sinh viên tài năng năm nay đã được mở rộng, từ 10 suất học bổng vào năm 2023 lên thành 30 suất học bổng trong năm 2024. Đặc biệt, chương trình học bổng này không chỉ giới hạn cho các bạn sinh viên ở TP.HCM, mà còn được mở rộng ra cả nước, như Đà Nẵng và Hà Nội. Ngoài việc trao tặng học bổng, Marvell cũng đã tạo điều kiện cho các bạn sinh viên tới thực tập ở công ty. Trong năm 2023-2024, công ty đã dành 60 vị trí cho các bạn sinh viên đến thực tập tại Marvell Việt Nam, giúp các em phát triển nghề nghiệp tương lai của mình. Trong năm 2023, khoảng 90% sinh viên hoàn thành khóa thực tập đã được Marvell mời làm việc chính thức tại công ty sau khi tốt nghiệp.
Các nhà lãnh đạo Marvell trao đổi với giới truyền thông Việt Nam tại Trung tâm Thiết kế Vi mạch Marvell ở TP.HCM ngày 17-5-2024. Từ trái sang, ông Bùi Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Bộ phận Kết nối dữ liệu Marvell Việt Nam; TS Lợi Nguyễn – Phó Chủ tịch Cấp cao của Tập đoàn Marvell, phụ trách về Cloud Optics; và TS Lê Quang Đạm – Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam. (Ảnh: MEDIAONLINE).
Marvell Technology, Inc. có trụ sở chính tại Wilmington (bang Delaware) được thành lập vào năm 1995 chuyên về phát triển và sản xuất về bán dẫn và công nghệ có liên quan. Cho đến nay, đây là một công ty công nghệ “tỷ đô”, đạt thu nhập 5,5 tỷ USD trong năm tài chính 2024. Công ty có hơn 6.800 nhân sự trên toàn cầu và sở hữu hơn 10.000 bằng phát minh, sáng chế. Hiện Marvell đang đi đầu trong hạ tầng cơ sở tăng tốc cho AI và Cloud.
TS Lợi Nguyễn (bên trai) và TS Lê Quang Đạm trong buộc gặp gỡ báo chí Việt Nam tại văn phòng của Marvell Việt Nam trong Khu Chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) sáng 17-5-2024. (Ảnh: MEDIAONLINE).
Khi được hỏi Marvell như thế nào trong xu hướng AI hiện nay, TS Lợi Nguyễn nói rằng: Nói tới xu hướng AI thì một trong những cái tên nổi bật nhất là NVIDIA. Điều thú vị là sản phẩm của Marvell giúp kết nối các GPU của NVIDIA lại với nhau. Chip của NVIDIA là chip thuần túy với kiến trúc xử lý điện toán, sau khi xử lý với tốc độ cao thì sẽ cần cần truyền tải dữ liệu ra vào, và lúc đó họ cần có chip của Marvell. Marvell gần như là công ty duy nhất với công nghệ mới nhất nhằm bảo đảm kết nối được cáp quang, kết nối từ những thiết bị từ bộ vi xử lý cho tới những thiết bị ngoại vi với tốc độ cao nhất có thể 1,6Tbps, giúp nâng cao hiệu quả ứng dụng AI. Trong đợt bùng nổ AI, nếu NVIDIA thành công ở các bộ xử lý ở bên trong, thì Marvell thành công trong việc kết nối các bộ xử lý đó với nhau. Do đó, có thể nói là NVIDIA và Marvell cùng đồng hành và phát triển trong kỷ nguyên AI mới này.
ANH PHÚC