Thứ Ba ngày 17 tháng 9 năm 2024

Việt Nam triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân

Bộ Y tế đang khẩn trương chuẩn bị triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn quốc. Đây là một trong những công việc cụ thể hóa Đề án 06 về chuyển đổi số của ngành Y tế.

Một hồ sơ sức khỏe điện tử tập trung, toàn diện, thống nhất, được cập nhật và có thể liên thông chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các người bệnh lẫn cơ sở chữa trị. Nó giúp giải thoát cho các bên gánh nặng phải tự giữ, lưu trữ các hồ sơ bệnh án vật lý (in giấy, phim ảnh) tồn tại suốt nhiều năm, vừa phân tán, vừa dễ hư hỏng, thất thoát. Nếu có được hồ sơ sức khỏe điện tử toàn diện, khi khám chữa bệnh, bác sĩ có thể nhanh chóng truy xuất các hồ sơ, bệnh sử của người bệnh, cùng các kết quả xét nghiệm cần thiết, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và bảo đảm tốt hơn nữa sức khỏe, thậm chí tính mạng, cho người bệnh.

Hiện nay, trên quy mô quốc gia, người ta đã có những ứng dụng quản lý hồ sơ sức khỏe như VssID của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hay tính năng Hồ sơ sức khỏe, Thẻ BHYT được tích hợp ngay trên ứng dụng tổng VNeID. Tuy nhiên, trong khi hồ sơ khám chữa bệnh trên VssID được cập nhật tự động hầu như tức thời và có thông tin chi tiết nhờ liên thông với các cơ sở khám chữa bệnh, các thông tin y tế của VNeID còn đơn giản và chậm được cập nhật.

Thật là tiện dụng khi hiện nay người bệnh có thể tham khảo sổ sức khỏe trên ứng dụng VssID là biết được bác sĩ chẩn đoán bệnh tình mình ra sao, được kê đơn các loại thuốc nào, số lượng bao nhiêu, cũng như hiển thị rõ ràng các khoản chi phí tổng cộng và chi tiết, khoản được BHYT thanh toán, thậm chí biết được giá tiền từng viên thuốc. Tiếc là chưa có chi tiết liều dùng mà bác sĩ chỉ định cho từng loại thuốc, cũng như kết quả các xét nghiệm. Và điều hạn chế lớn nhất là sổ sức khỏe điện tử này chỉ phục vụ cho các đối tượng có bảo hiểm y tế.

Phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử VNPT HSSK.

Vì thế, người ta kỳ vọng vào những nỗ lực của Bộ Y tế để cung cấp sổ sức khỏe điện tử cho mỗi công dân. Và đây phải là hồ sơ sức khỏe đầy đủ (tất nhiên có những chi tiết được phân cấp để chỉ các bác sĩ tại các cơ sở y tế chính thức mới có quyền truy xuất). Làm sao để người bệnh sớm được giải thoát khỏi cái phiền phức là phải cất giữ sổ khám bệnh giấy và mỗi bệnh viện có một loại sổ riêng mà họ bắt buộc phải mang theo mỗi khi đi khám bệnh.

Bên cạnh đó, mỗi công dân giờ đây đã có một số định danh cá nhân riêng và duy nhất. Vì thế, thay vì mỗi bệnh viện có một mã số bệnh nhân riêng, người bệnh sẽ được quản lý thống nhất trên cả nước chỉ với mã số định danh cá nhân.

Từ quá trình thử nghiệm thành công tại TP Hà Nội, ngày 21-5-2024, Bộ Y tế đã ban hành Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID, tạo hành lang pháp lý để triển khai rộng rãi trên toàn quốc.

Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Công an (nơi quản lý hồ sơ công dân) và các địa phương, đơn vị liên quan mở rộng hỗ trợ triển khai thiết lập và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID trong chuyển tuyến khám chữa bệnh, dự kiến liên thông dữ liệu chẩn đoán hình ảnh trong chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT.

Riêng tại TP.HCM, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời bổ sung và xây dựng phương án kỹ thuật để triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm bảo đảm dữ liệu sức khỏe của người dân “đúng – đủ – sạch – sống” và được liên thông trong toàn bộ các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến trung ương. Dữ liệu sức khỏe của người dân thành phố sẽ được tích hợp vào sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, khởi đầu là nguồn dữ liệu sức khỏe của người cao tuổi (hiện đã có trên 100.000 dữ liệu người cao tuổi). Trong kế hoạch chuyển đổi số của TP.HCM, dự kiến sẽ tạo lập dữ liệu ban đầu của hồ sơ sức khỏe điện tử cho 90% người dân TP.HCM.

HOÀI XUÂN