Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Chia tay anh bạn AnandTech, một website công nghệ 27 năm tuổi

Xin nói ngay, giới đam mê công nghệ cũng như những cây bút công nghệ trên toàn cầu chắc chắn khó mà xa lạ với cái tên AnandTech. Đây là một tạp chí phần cứng máy tính online, hay nói cho đơn giản là một website công nghệ, thuộc hàng Top toàn cầu, nổi tiếng và có uy tín lâu năm. Trên AnandTech (xin viết đầy đủ địa chỉ để ngộ nhỡ mai này nó không còn được duy trì nữa: https://www.anandtech.com/), người ta có thể tìm đọc được những bài giới thiệu và review phần cứng máy tính được giới công nghệ đánh giá cao. Tất nhiên bên cạnh đó là những thông tin về PC rất phong phú.

Và cũng xin nói ngay, tạp chí công nghệ đình đám này đã được thành lập vào năm 1997 bởi Anand Lal Shimpi, một người Mỹ có gốc gác Ấn Độ – Iran sinh ngày 26-6-1982. Khi lập website này, Anand chỉ là một cậu bé… 15 tuổi. Anand là con nhà nòi, có cha là giáo sư khoa học máy tính người Mỹ sinh ở Ấn Độ Lalchand Shimpi, dạy tại Đại học St Augustine’s University (bang North Carolina, Mỹ), và mẹ là Razieh, một cô giáo sinh ở Iran dạy học tại bang North Carolina. Năm học lớp 3, Anand đã được cha cho học một khóa máy tính và đã tự ráp chiếc PC đầu tiên của mình vào năm lớp 6, rồi sau đó ráp PC cho những người khác. Anand đã tốt nghiệp Trung tâm William G. Enloe GT/IB về Nhân văn, Khoa học và Nghệ thuật và Đại học bang North Carolina với bằng Kỹ thuật Máy tính chuyên ngành thiết kế và kiến ​​trúc vi xử lý.

Phòng làm việc của AnandTech trong những ngày đầu tiên. (Ảnh từ AnandTech. Thanks).

Khi thành lập website, Anand gọi nó là Anand’s Hardware Tech Page (Trang công nghệ phần cứng của Anand). Ban đầu, website AnandTech chuyên review motherboard. Và trong hơn 17 năm, website đã phát triển trở thành một trong những website review phần cứng máy tính uy tín nhất thế giới. Từ một website nhỏ đặt trên dịch vụ hosting trang web GeoCities, vào tháng 7-2005, AnandTech đã có được số lượng 50 triệu lượt xem trang (page view) mỗi tháng. Anand là nhà sáng lập kiêm CEO và Tổng biên tập của AnandTech cho đến tháng 8-2014, khi anh gia nhập bộ phận công nghệ phần cứng của hãng Apple. Anand đã chỉ định Ryan Smith, một biên tập viên lâu năm của AnandTech, thay mình làm Tổng biên tập của AnandTech từ năm 2014 trở đi.

Khi mới 16 tuổi, Anand đã chủ trì (hosting) chương trình  The AGN Hardware Show trên truyền hình. Ảnh chụp tháng 6-1998. (Nguồn ảnh: AnandTech. Thanks).

AnandTech đã được bán cho tập đoàn truyền thông số Purch (tên cũ trước năm 2014 là TechMedia Network) vào tháng 12-2014 (năm mà nhà sáng lập rời khỏi ghế Tổng biên tập). Trước đó, vào tháng 7-2013, TechMedia Network đã mua lại Bestofmedia Group, nhà xuất bản của các website công nghệ đình đám như Tom’s Hardware, Tom’s Guide, Tom’s IT Pro. Và rồi, năm 2018, Purch tuyên bố bán các thương hiệu người tiêu dùng của mình cho công ty truyền thông Anh Future PLC với giá 132,5 triệu USD, chỉ giữ lại các hoạt động B2B dưới thương hiệu Business.com mà nó đã mua lại vào năm 2016. Từ đó, AnandTech có chủ mới là Future PLC.

Vào ngày 30-8-2024, trên trang chủ của website AnandTech xuất hiện bài viết của Ryan Smith, Tổng biên tập AnandTech, với tựa đề: “End of the Road: An AnandTech Farewe” (Kết thúc một con đường: Lời tạm biệt AnandTech).

Anh viết: “Thật buồn khi tôi thấy mình đang viết bài đăng tin tức khó khăn nhất mà tôi từng phải viết ở đây tại AnandTech. Sau hơn 27 năm đưa tin về thế giới rộng lớn và hoang dã của phần cứng máy tính, hôm nay là ngày xuất bản cuối cùng của AnandTech.”

Ryan Smith viết: “Dù tốt hay xấu, chúng tôi đã đi đến hồi kết của một hành trình dài – hành trình bắt đầu bằng bài đánh giá bộ xử lý AMD và kết thúc bằng bài đánh giá bộ xử lý AMD. Thật là thơ mộng, nhưng cũng là minh chứng cho thực tế rằng chúng tôi đã dành 27 năm qua để làm những gì chúng tôi yêu thích, đưa tin về các con chip là mạch sống của ngành công nghiệp máy tính. Rất nhiều thứ đã thay đổi trong một phần tư thế kỷ qua – vào năm 1997, NVIDIA thậm chí còn chưa nghĩ ra thuật ngữ ‘GPU’ – và chúng tôi rất may mắn khi được chứng kiến ​​thế giới phần cứng tiếp tục phát triển theo thời gian.”

Theo anh Ryan Smith, nhà xuất bản Future PLC sẽ tiếp tục giữ lại website và các nội dung của nó, nhưng sau ngày 30-8-2024 sẽ không có bài mới nào được xuất bản. Website AnandTech từ đây là một kho tham khảo thông tin về phần cứng máy tính. Trong khi đó, “đối thủ đáng gờm và cũng là anh em một nhà” là website Tom’s Hardware vẫn tiếp tục viết về phần cứng máy tính. Một số cây bút quen thuộc của AnandTech giờ đây gia nhập Tom’s Hardware. Ngoài ra, trong khi kết thúc website AnandTech, Diễn đàn AnandTech Forums (từ năm 1999) với hơn 350.000 thành viên đăng ký và hơn 35 triệu post vẫn tiếp tục hoạt động, do đội ngũ phụ trách cộng đồng của Future quản lý.

Bản thân tôi biết ơn AnandTech vì ngay từ khi AnandTech nổi tiếng trên Internet, tôi đã nhanh chóng tham khảo những thông tin từ website này phục vụ cho nghề viết bài công nghệ của mình. Trong nhiều năm, tôi đã được gặp nhiều người của AnandTech khi cùng tham dự những sự kiện công nghệ máy tính lớn trên thế giới.

Cuộc vui nào mà chẳng có lúc tàn. Quy luật và thực tế thị trường luôn thiệt khắc nghiệt, dù ở bất cứ lĩnh vực nào. Đặc biệt nghiệt ngã là ở lĩnh vực truyền thông công nghệ, khi công nghệ là thế mạnh nhưng cũng dễ dàng trở thành cửa tử của mình. Báo công nghệ dưới dạng in truyền thống chết trước. Rồi tiếp theo là những website công nghệ cũng lần lượt ra đi khi không thể linh hoạt làm chủ được các nền tảng truyền thông mới, cũng như không thể đáp ứng được yêu cầu và cái gu mới của các đối tác doanh nghiệp lẫn người đọc, người xem. Truyền thông công nghệ mà cứ theo những nếp cũ thì AnandTech là một cái gương nóng hôi hổi. (Tất nhiên, AnandTech chắc chắn có những nỗi niềm riêng khi buộc phải từ bỏ cuộc chơi dài 27 năm). Thôi thì, truyền thông công nghệ như tôi là “làm vì đam mê” mà thôi. Nhưng chắc chắn một tương lai tùy thuộc vào tình thương mến thương của các bạn đọc và đối tác. Ăn thua cách ăn nếp ở thôi há.

PHẠM HỒNG PHƯỚC