Những cuộc gọi lừa đảo ngày càng tinh vi và thách thức
Bất chấp những nỗ lực của các cơ quan chức năng, những cuộc “gọi rác và độc hại” tuy có giảm phần nào, nhưng vẫn còn gây nhiều phiền hà và nguy hiểm cho người dùng điện thoại. Thực tế, nỗi phiền toái đó vẫn tồn tại ở mức độ nguy hiểm và nhất là chúng càng tinh vi, thậm chí thách thức hơn.
Cái gì cũng lừa được và vẫn có người bị lừa
Hồi chưa có quy định nhà mạng phải cập nhật thông tin cá nhân thuê bao, quản lý chặt việc bán SIM, người dân khổ sở với các cuộc gọi lừa đảo mạo danh công an, tòa án, nhà mạng (nợ cước), … Chúng nhiều tới mức kinh hoàng, ám ảnh. Còn giờ đây, bọn tội phạm tinh ma hơn và cũng cho thấy mình “giàu trí sáng tạo” khi “thời sự hóa” chiêu trò lừa đảo. Khi công an cả nước tiến hành định danh điện tử cá nhân thì lập tức xuất hiện trò mạo danh công an lừa bổ sung, chỉnh sửa thông tin chưa đầy đủ, chính xác hay trợ giúp làm thủ tục. Rồi các chiêu trò khi đổi thẻ căn cước mới, gần đây là lừa tuyển sinh đại học.
Vào hạ tuần tháng 8-2024, hàng loạt trường đại học đã phải cảnh báo các tân sinh viên và phụ huynh về những cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo. Lợi dụng thời điểm các trường tổ chức nhập học và đánh đúng tâm lý háo hức của các sinh viên năm đầu tiên, bọn lừa đảo gọi điện, nhắn tin thúc giục các em nhập học sớm để được ưu đãi (phổ biến là giảm học phí nhiều triệu đồng), kèm theo đường link và các số liên lạc để liên hệ. Như ngày 22-8-2024, Trường Đại học Sài Gòn đã thông tin về việc một số thí sinh trúng tuyển nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học năm 2024. Số tiền lên đến 6.953.000 đồng và được kẻ lừa đảo hướng dẫn chuyển vào số tài khoản ngân hàng trong tin nhắn.
Có thể nói rằng cuộc chiến chống bọn tội phạm qua điện thoại là một cuộc chạy đua đuổi bắt kiểu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Cơ quan chức năng luôn phải ứng biến để đối phó với những chiêu trò mới của bọn tội phạm. Khi không còn lợi dụng được SIM rác, bọn tội phạm có tổ chức trang bị những loại thiết bị có thể “cướp” trạm phát sóng BTS. Bọn chúng cũng dùng thiết bị để tạo ra những số máy ảo, thậm chí giả danh đầu số của các nhà mạng lớn.
Đơn cử một vụ xảy ra ngay tại TP HCM. Chiều 31-10-2023, lực lượng chức năng đã xác định vị trí có nguồn phát sóng BTS giả và theo dõi, cuối cùng bắt quả tang một thanh niên người Việt đang sử dụng bộ thiết bị BTS giả đặt trên xe ô tô liên tục di chuyển, để xâm nhập mạng viễn thông bất hợp pháp, phát tán tin nhắn quảng cáo, lừa đảo. Mở rộng điều tra, trong đêm hôm đó, các lực lượng phối hợp đã phục kích, bắt giữ thêm 2 đối tượng khác có quốc tịch nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thiết lập trạm BTS giả nói trên.
Và quy mô hơn là chuyện xây dụng những hệ thống lừa đảo từ nước ngoài, đặc biệt là các nước giáp biên giới, tại các khu vực tiếp giáp có thể dùng chung sóng của nhà mạng Việt Nam. Ngày 2-8-2024, lực lượng công an hai nước Việt Nam và Lào đã phối hợp triệt phá được tổ chức tội phạm mua bán người, lừa đảo qua mạng với quy mô đặc biệt lớn, bắt giữ 155 đối tượng đang hoạt động tại tỉnh Bokeo (Bắc Lào) trong Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng. Điều đáng nói ở đây là 155 đối tượng bị bắt lại là người Việt Nam, được bọn chủ mưu sử dụng theo kiểu “dùng người Việt để lừa người Việt”. Mục tiêu của chúng là các phụ nữ có điều kiện về kinh tế hoặc có nhiều mối quan hệ xã hội. Trong 2 năm hoạt động, tổ chức tội phạm quốc tế này đã thực hiện lừa đảo hàng chục nghìn người, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Chỉ từ lời khai ban đầu của một nghi phạm cho biết đã lừa đảo 200 người Việt Nam, trong đó có nạn nhân bị lừa đến 5 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 12-8-2024, lực lượng an ninh Đặc khu Kinh tế Tam giác Vàng thuộc tỉnh Bokeo (Bắc Lào) đã phối hợp với các cơ quan chức năng phá được một băng nhóm lừa đảo qua mạng (Call Center) xuyên biên giới, bắt giữ 771 đối tượng nam và nữ thuộc 15 quốc gia Châu Á và Châu Phi.
Điều báo động khi bọn tội phạm lừa đảo không chỉ ngày càng có thêm những chiêu trò tinh vi hơn, bám sát “thời sự” hơn, mà còn “phổ cập” hơn. Chúng không cần phải là những tay giỏi về công nghệ mà là bất cứ ai có khả năng lừa đảo. “Định danh” cho chính xác thì bọn mạo danh, lừa đảo giờ đây không cần phải là “tôi phạm công nghệ” mà là “tôi phạm lợi dụng công nghệ”.
Ảnh do AI Microsoft Copilot DALL-E 3 tạo. Thanks.
Vấn nạn toàn cầu
Nỗi khổ về những cuộc gọi lừa đảo là vấn nạn toàn cầu đã diễn ra từ rất lâu và người ta buộc phải chấp nhận sự tồn tại của chúng mà thường xuyên có những biện pháp phòng, tránh tội phạm hay giảm nhẹ phiền toái.
Có những trường hợp xử phạt chính nhà mạng để xảy ra cuộc gọi lừa đảo. Hồi tháng 7-2024, Tòa án quận Petrodvortsovy (thành phố St. Petersburg, Nga) đã xử phạt nhà cung cấp dịch vụ di động Megafon 600.000 rúp (gần 7.000 USD) vì đã cho phép thực hiện cuộc gọi từ số điện thoại giả mạo. Trước đó, nhà mạng di động này đã bị cơ quan công tố quận Lomonosov (tỉnh Leningrad), chiếu theo điều 159 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga về tội lừa đảo qua điện thoại, cáo buộc không thực hiện nghĩa vụ chấm dứt cung cấp dịch vụ liên lạc và truyền tải lưu lượng vào mạng của mình trong các trường hợp được pháp luật Nga quy định.
Trong năm 2023, Nga đã chặn 575.000 số điện thoại được bọn lừa đảo qua điện thoại dùng để gọi. Sau đó, bọn tội phạm đã chuyển sang gọi bằng các phần mềm nhắn tin (WhatsApp, Viber, Telegram). Theo Ngân hàng Trung ương Nga, phần lớn nạn nhân của các vụ lừa đảo qua điện thoại là các phụ nữ đang đi làm từ 25-44 tuổi, có trình độ học vấn trung học và mức thu nhập trung bình, sống ở thành phố. Trong năm 2023, dù nhà chức trách có nhiều biện pháp, cũng chỉ có 8,7% số nạn nhân lấy lại được tiền bị lừa đảo (khoảng 1,38 tỷ rúp).
Tại sao các vụ lừa đảo qua điện thoại lại sống dai đến như vậy? Rosemary E Williams, tác giả của loạt sách về Phá sản (the Williams on Bankruptcy series), từng viết: Nhiều kẻ lừa đảo chỉ gọi đến số điện thoại riêng vì hầu hết mọi người không có phần mềm ghi âm trên điện thoại gia đình hoặc điện thoại cá nhân. Không giống như thư hoặc email, bằng chứng khách quan về những gì đã nói qua điện thoại có thể khó có được.
Các chuyên gia trên thế giới đều khuyến cáo: Bên cạnh trách nhiệm của nhà nước (cụ thể là các cơ quan chức năng), các nhà cung cấp dịch vụ, ý thức trách nhiệm của người dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống các nguy cơ trên điện thoại. Cụ thể là chính người dùng phải có ý thức tự bảo vệ mình trước tiên. Một phần không nhỏ nạn nhân là những người dễ tin và thiếu hiểu biết, thiếu thông tin; nhưng đa số là những thuê bao có tính hám lợi, bị nhử mồi kiểu “một vốn, bốn lời”. Ở đây không phải là chuyện trút trách nhiệm cho người dùng cuối (vì trách nhiệm cần được phân định rạch ròi cho tất cả các bên có liên quan), mà chủ yếu là người dùng cuối chính là người trực tiếp liên lạc với kẻ xấu và là nạn nhân tiềm năng.
ANH PHÚC