Thứ Ba ngày 21 tháng 1 năm 2025

Sao cứ để lên mạng muốn nói gì thì nói…

Thời gian gần đây, nhiều người đã không còn kiên nhẫn nên phản ứng trước việc một số người có đông người theo dõi thường xuyên lên mạng xã hội livestream muốn nói gì thì nói.

Nếu họ nói chuyện tầm phào, tào lao, vô thưởng vô phạt thì chẳng nói làm gì. Đằng này, những người có ảnh hưởng công chúng này nói năng bạt mạng, tự coi mình như cái đinh của vũ trụ, có những lời lẽ và thái độ bất chấp và kích động đám đông. Họ trắng trợn bươi móc quá khứ, đời tư cá nhân của người khác. Đáng chú ý là họ dùng mạng xã hội để công kích, tấn công, thậm chí xúc phạm hay chửi bới người khác. Càng tệ hại hơn và khó chấp nhận hơn khi có người tấn công cả những người đang được nhiều người tôn kính.

Người ta bức xúc trước việc một số người từng bị pháp luật xử lý, nhưng vẫn “chứng nào tật nấy”. Điều này làm cho người ta băn khoăn: phải chăng “thuốc chưa đủ đô”, thuốc chưa đủ đắng nên chưa dã tật?

Một tài khoản phát tán nội dung mê tín dị đoan trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Rồi còn cả chuyện lợi dụng mạng xã hội để truyền bá mê tín dị đoan. Như trường hợp người phụ nữ được gọi là “cô đồng bát nước” ở Hà Nội. Cô này tự xưng mình có khả năng nhìn thấu cả một đời người từ nước trong chén mà người mê tín mang tới đổ vào. Theo phóng sự điều tra của VTV phát hồi cuối tháng 10-2024, cô đồng này xem bói, phán vận hạn, chuyện gia đình, đất cát, cơ đày… cho người tới coi. Trung bình 1 ngày, “cô đồng bát nước” xem cho khoảng 30-40 khách. Như vậy, với mỗi khách đặt lễ 500.000 đồng, cô này có thể thu nhập khoảng 20 triệu đồng một ngày. Nhưng khoản tiền đặt lễ mới chỉ là chào sân. Cái chính là cô ta thường phán cho người xem khiếp vía, hù dọa họ để họ sợ phải chịu làm hầu đồng mở phủ với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, cô đồng này có tài khoản trên một mạng xã hội có hơn 11 triệu lượt thích, và gần 460.000 lượt theo dõi. Trên đó, cô ta thường xuyên đăng tải các video nói về chuyện nhân duyên, hôn nhân, âm dương, sự nghiệp, căn số,… mang tính mê tín dị đoan.

Có một thực tế đáng ngẫm nghĩ. “Cô đồng bát nước” này hồi cuối tháng 5-2024 từng bị đội an ninh công an quận xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan. Phải chăng mức phạt này quá nhỏ nhoi so với nguồn lợi thu được nên cô đồng vẫn hoạt động như chưa hề có gì.

Trước đó, hồi năm 2022, một phụ nữ ở Hải Dương với biệt danh “cô đồng bổ cau” đã làm nóng mạng xã hội với những video, livestream hầu đồng, xem bói. Người đến xem sẽ đưa lá trầu và quả cau cho cô đồng, sau đó cô đồng bổ quả cau rồi nhìn vào đó rồi phán về tình duyên, tài vận, sức khỏe, vận hạn của người xem. Cô ta được biết đến rộng rãi với câu nói “đúng nhận, sai cãi”, Hồi giữa tháng 9-2024, cô đồng này đã bị tòa án địa phương tuyên án 7 năm 3 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cô ta nói rằng các video này là do những người đến làm lễ tự ý quay rồi phát tán lên mạng xã hội.

Cũng giống như “cô đồng bát nước” sau này, “cô đồng bổ cau” hồi thượng tuần tháng 2-2023 từng bị công an thị xã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”. Tài khoản mạng xã hội của cô đồng này đã đăng tải những video có nội dung cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan. Bị phạt hành chính rồi, cô đồng vẫn cứ  “hành nghề”, cho tới khi bị bắt giam hồi đầu tháng 8-2023.

Công chúng thắc mắc vì sao cho đến nay trên các mạng xã hội vẫn đầy những nội dung xấu xí, độc hại, và vi phạm pháp luật? Phải chăng công chúng đã buông xuôi nên không báo cáo vi phạm với mạng xã hội? Phải chăng các mạng xã hội buông lơi, không xử lý để có thể thu hút nhiều người dùng? Và phải chăng các mức xử phạt không đủ hiệu quả hay có những khi cơ quan chức năng cũng làm ngơ?

Không thể cứ để cho ai muốn lên mạng xã hội nói gì thì nói, làm vẩn đục không khí mạng. Chơi mạng xã hội phải có văn hóa mạng đi đôi với trách nhiệm với cộng đồng.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 6-11-2024 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN