Thứ Tư ngày 27 tháng 11 năm 2024

Mạng 5G còn phập phù ở Việt Nam

Do tình trạng và chất lượng mạng 5G ban đầu chưa ổn  định, người dùng có thể gặp những phiền toái khi kết nối với mạng 5G.

Cũng giống như các thế hệ di động trước, mạng 5G bao gồm nhiều băng tần (như 1, 2, 3, 5, 7, 8, 12, 20, 25, 26, 28, 38, 40, 41, 66, 77, 78 SA/NSA/Sub6). Vì thế, không phải bất cứ thiết bị nào hỗ trợ 5G cũng có thể sử dụng được sóng 5G nếu như chúng không hỗ trợ đúng các băng tần mà từng nhà mạng cụ thể cung cấp. Có những trường hợp do máy 5G đời cũ hay hàng xách tay từ thị trường khác không hỗ trợ những chuẩn 5G tương thích với mạng 5G ở Việt Nam, nên sẽ không hoạt động được. Chẳng hạn, iPhone 16 Pro Max năm 2024 hỗ trợ nhiều băng tần 5G hơn iPhone 12 Pro Max ra đời năm 2020, và thậm chí có những băng tần 5G khác nhau.

Nếu không muốn thử nghiệm 5G mà cần có kết nối mạng ổn định, người dùng thiết bị nên tắt tùy chọn tự động kết nối mạng (auto connect) có liên quan 5G trong phần thiết đặt mạng di động của thiết bị. Cụ thể, thiết bị có những tùy chọn như “5G/LTE/3G/2G (tự động kết nối)” hay “LTE/3G/2G (tự động kết nối)”… Nếu chọn mục đầu tiên, thiết bị sẽ tự động chuyển sang kết nối mạng 5G khi vào vùng có sóng 5G.

Cũng cần lưu ý, mạng 5G cung cấp tốc độ nhanh hơn và truyền tải lưu lượng dữ liệu gấp cả chục lần mạng 4G, nên cũng sẽ tiêu thụ pin nhiều hơn so với mạng 4G.

Cho đến nay, chỉ mới có nhà mạng Viettel công bố thương mại hóa mạng 5G từ ngày 15-10-2024. Mạng VinaPhone chỉ mới cho thuê bao sử dụng thử. Trong giai đoạn ban đầu này, các nhà mạng cũng chỉ mới có thể phủ sóng 5G ở những khu vực trọng điểm, tạo một hệ thống mạng 5G “da beo”. Chất lượng hạ tầng cũng chưa hoàn chỉnh với thông số cần phải tinh chỉnh dần qua quá trình vận hành. Về lý thuyết, chất lượng hoạt động của mạng di động bị ảnh hưởng bởi những yếu tố chính, như: khoảng cách đến trạm phát sóng, vật cản, số lượng thiết bị cùng lúc kết nối vào một trạm. Do sóng 5G có khả năng xuyên thấu vật cản (như các bức tường, tòa nhà,…) kém hơn, cũng như phạm vi phủ sóng hẹp hơn so với 4G, mạng 5G cần nhiều trạm thu phát sóng hơn. Đó là lý do nhà mạng đầu tư cho 5G sẽ tốn kém hơn và mất nhiều thời gian để phát triển hạ tầng hơn.

Các nhà mạng hiện nay mới chỉ có thể phủ sóng 5G ở những vùng trọng điểm.

Mạng di động chỉ có thể hoạt động tối ưu khi có được một cấu trúc tổ ong, trạm này tiếp nối trạm khác, tạo sự phủ sóng rộng đều và ổn định. Trong khi đó, thực tế hiện nay, vào thời điểm 10 ngày sau khi Viettel bắt đầu cung cấp dịch vụ, theo lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu (Tổng Công ty Mạng lưới Viettel), số trạm BTS 5G còn hạn chế, mới có khoảng 6.500 trạm, rất nhỏ so với số lượng trạm BTS 4G (42.000 trạm BTS vào năm 2021). Chính vì không có đủ trạm BTS, mạng 5G chưa thể hoạt động tốt được.

Có nhiều người dùng những ứng dụng, dịch vụ đo tốc độ để kiểm tra tình trạng mạng 5G đã thu được những thông số khác nhau, có khi không như kỳ vọng. Thực tế là mạng 5G ban đầu vẫn chưa thể ổn định và phát huy tối đa công suất. Nhưng bên cạnh đó còn do những bất cập trong thao tác đo tốc độ (ứng dụng, khoảng cách tới trạm BTS, máy chủ tham chiếu, mạng kết nối,…) Tất cả sẽ ảnh hưởng đến chỉ số tốc độ đo được.

Dù sao, mạng 5G ở Việt Nam giờ đang trong giai đoạn sơ sinh. Người dùng phải chấp nhận những bất cập, chưa hài lòng. Còn chừng nào 5G mới “trưởng thành”, thì chỉ biết chờ các nhà mạng, nhưng chắc chắn câu trả lời sẽ khó hơn với 4G.

HOÀI XUÂN