Tiễn biệt nữ văn sĩ Quỳnh Dao rời cõi hồng trần
Xin tiễn biệt bà rời khỏi cõi hồng trần này, thưa nữ văn sĩ Quỳnh Dao. Lời tiễn biệt với tâm trạng ngổn ngang từ một độc giả của bà ngay từ thời còn là một cậu thiếu niên 12-13 tuổi.
Hồi đó, ở tỉnh lẻ biên giới Kiến Tường, A Phủ vốn là một kẻ say mê đọc sách báo (có ngoại hiệu tự phong “Con Mọt Sách”) đã được đọc rất nhiều tiểu thuyết của nữ văn sĩ Đài Loan Quỳnh Dao, chủ yếu do dịch giả Liêu Quốc Nhĩ chuyển sang Việt ngữ. Hầu hết sách của bà – cũng như của các tác giả khác – được A Phủ đọc từ các tiệm cho mướn truyện. A Phủ thường xuyên lui tới nhà sách Rạng Đông ở đầu chợ Kiến Tường và nhà sách Tinh Hoa ở cuối nhà lồng chợ để nhìn ngắm các bìa sách trưng trên kệ cho đỡ ghiền. Mỗi khi có sách mới được chuyển bằng xe đò từ Sài Gòn, cách đó hơn 110km, về bán, A Phủ lại nôn nóng chờ tới lúc các tiệm cho mướn truyện bắt đầu cho thuê nó để đọc. A Phủ đã đọc tất cả các cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Dao bán tại Kiến Tường, nhưng chưa hề sở hữu được một cuốn nào.
Nữ văn sĩ Quỳnh Dao trong một lần ra mắt sách mới. (Ảnh từ Internet. Thanks.)
Lúc đó, A Phủ mê mẩn với những câu chuyện tình lãng mạn nhưng đầy cảm tính, luôn nhuốm màu ảm đạm bởi những éo le, trắc trở trong tiểu thuyết diễm tình của bà Quỳnh Dao. Vốn nhạy cảm, đa cảm và tâm hồn văn chương, A Phủ đã sống với những tiểu thuyết của bà Quỳnh Dao thời gian rất dài, có khi nhập mình lồng ghép vào một nhân vật nam nào đó. Tội lắm!
Sau này, trong những lần tới Đài Loan, nhất là vào mùa mưa, ngồi nhìn mưa mù mịt với phong cảnh từng được mô tả trong tiểu thuyết Quỳnh Dao, A Phủ vẫn luôn nghĩ và nhớ tới bà Quỳnh Dao. Và lúc này qua những trải nghiệm cuộc đời kết hợp với không gian đang hiện diện, A Phủ càng thấm thía hơn những thiên tình sử của Quỳnh Dao.
Báo chí Taiwan đưa tin: Bà Chiung Yao (Qiong Yao 瓊瑤), dịch ra tiếng Việt là Quỳnh Dao, (tên thật là Chen Che 陳喆 Trần Triết) đã từ trần tại nhà riêng ở Tamsui District, New Taipei City, vào lúc 13:22 ngày 4-12-2024, hưởng thọ 86 tuổi (bà sinh ngày 20-4-1938 tại Chengdu, Sichuan – Thành Đô, Tứ Xuyên, nay thuộc Trung Quốc). Tiểu thuyết đầu tay “Song Ngoại” (Outside the Window) của bà được xuất bản năm 1963, khi bà 25 tuổi. Trước đó, vào năm 1962, bà đã xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên “Lover’s Dale”. Theo tư liệu, vào năm 16 tuổi, bà Quỳnh Dao đã sáng tác cuốn tiểu thuyết đầu tiên là “Vân Ảnh”. Bà đã sáng tác 65 cuốn tiểu thuyết và một số tác phẩm của bà đã được dựng thành khoảng 100 phim điện ảnh và truyền hình.
Các tiểu thuyết của bà Quỳnh Dao đã được xuất bản ở Sài Gòn từ cuối thập niên 1960. Vào năm 1997, bộ phim truyền hình nhiều tập “Hoàn Châu Cách Cách” (Princess Pearl hay My Fair Princess) do bà viết kịch bản đã làm say mê khán giả truyền hình ở Việt Nam. Bộ phim 3 phần kéo dài tới năm 2003.
Người con trai 63 tuổi của bà Quỳnh Dao cho biết mẹ mình đã để lại một lá thư tuyệt mệnh và trước đó đã dặn thư ký của bà kiểm tra tình hình của bà vào khoảng trưa ngày định mệnh. Cũng có tin nói rằng trong bữa ăn tối cùng con trai và con dâu tối 3-12-2024, bà đã yêu cầu 2 con đến nhà thăm bà vào trưa hôm sau. Lá thư tuyệt mệnh dài 950 chữ đề ngày 3-12-2024 kèm theo một clip video quay bà Quỳnh Dao trong trang phục màu đỏ với những bông hoa hồng làm nền.
Nữ văn sĩ Quỳnh Dao. (Ảnh từ Facebook của bà).
Bà Quỳnh Dao trong cuộc đời mình đã để lại cho đời mợt kho tàng văn học đồ sộ với danh hiệu “bà hoàng tiểu thuyết diễm tình Đài Loan”. Người ta nói “văn chương vận vào người”, hay nói ít màu sắc mê tín hơn là “văn là người”. Cuộc đời bà Quỳnh Dao cũng đầy éo le, bi kịch như trong tiểu thuyết của mình (thậm chí cuộc đời thật của chính bà đã được nữ sĩ Quỳnh Dao đưa vào một số cuốn tiểu thuyết của bà). Và rồi bà lại tạo “dấu ấn riêng” khi tự quyết định lìa đời.
Trong bản di chúc được công bố hồi năm 2017, bà Quỳnh Dao muốn con cháu để mình thực hiện “quyền được chết”. Bà không yêu cầu bất kỳ hình thức tang lễ tôn giáo nào, mong muốn mình được trở về cát bụi, không có lễ tưởng niệm, không truy điệu, cúng bái, giỗ quải,… Đêm 4-12-2024, sau khi tiến hành khám nghiệm thi thể bà Quỳnh Dao tại trung tâm khám nghiệm tử thi, cảnh sát đã xác định không có sự can thiệp từ bên ngoài và gia đình không phản đối nguyên nhân cái chết của bà.
Trong thư tuyệt mệnh, nữ văn sĩ Quỳnh Dao viết: “Đây chính là ước nguyện của tôi. ‘Cái chết’ là điều ai cũng phải trải qua, nó là bước đi ‘vĩ đại’ cuối cùng của đời người. Tôi không muốn phó mặc bước đi này cho số phận, cũng không muốn héo mòn và tàn lụi theo thời gian. Tôi muốn tự mình kiểm soát bước cuối cùng này.”
Đáng chú ý, bà cẩn trọng viết: “Hãy nhớ rằng cách tôi chọn để ‘ra đi’ chỉ được thực hiện ở giai đoạn cuối đời. Những người trẻ tuổi, xin đừng từ bỏ cuộc sống một cách dễ dàng. Những khó khăn và thử thách chỉ là những phép thử trong hành trình tuyệt đẹp của cuộc sống. Tôi hy vọng các bạn sẽ vượt qua tất cả những thử thách đó, sống như tôi đã sống, đến khi đạt tuổi 86 hay 87 và khi sức lực cạn kiệt, hãy chọn cách đối mặt với cái chết. Hy vọng đến lúc đó, nhân loại sẽ tìm được cách nhân văn hơn để giúp những người già ‘ra đi’ một cách vui vẻ. Các bạn thân yêu, hãy can đảm, sống thật với chính mình, và đừng phụ lòng chuyến hành trình của mình trên thế gian này! Dù cuộc sống không hoàn hảo, dù có những niềm vui, nỗi buồn, cảm xúc bất ngờ, đừng bỏ lỡ những khoảnh khắc tuyệt vời thuộc về bạn.”
Phía dưới những bài viết về sự từ bỏ cuộc đời của nữ văn sĩ Quỳnh Dao, nhiều tờ báo Taiwan và nước ngoài đã cẩn thận chạy thêm dòng lưu ý, như “If you are experiencing suicidal thoughts, please call the 1925, 1995 or 1980 hotlines for help.” trên Focus Taiwan.
Chắc chắn một điều, “sự tự quyết định rời cõi đời” của nữ văn sĩ Quỳnh Dao sẽ gióng lên một tiếng chuông về sự quan tâm cần phải sâu sát và thực tế hơn đối với những vấn đề rất riêng của những người cao tuổi. Nhưng cũng chắc chắn rằng, khi còn sống, bà Quỳnh Dao – một phụ nữ khát khao và sống hết mình vì tình yêu đã phải chịu nhiều thị phi, cách “rời cõi tạm” của bà sẽ gây nhiều tranh cãi bởi nó “rất là Quỳnh Dao”.
Tham khảo:
- Thư tuyệt mệnh của nữ văn sĩ Quỳnh Dao
- Suicide letter and farewell video left behind by renowned author Qiong Yao made public
PHẠM HỒNG PHƯỚC