Thứ Hai ngày 27 tháng 1 năm 2025

Giải những bài toán trước mắt cho tương lai AI và bán dẫn

Trong tháng cuối năm 2024, một số sự kiện công nghệ đã gây được nhiều chú ý. Tập đoàn công nghệ và bán dẫn NVIDIA (Mỹ) đã ký kết với cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI nhằm thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), mở rộng việc làm cho nhân lực trong nước. Cũng trong dịp này, ông Jensen Huang, nhà sáng lập và CEO của NVIDA, đã công bố thương vụ NVIDIA mua lại VinBrain – công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo của Vingroup – để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.

Rồi thông tin Tập đoàn công nghệ Google (cũng của Mỹ) thông báo Công ty TNHH Google Việt Nam (đăng ký thành lập vào tháng 3-2023) sẽ chính thức hoạt động từ năm 2025, đảm trách các phần việc mà trước nay do Google Asia Pacific có trụ sở tại Singapore quản lý.

Sinh viên ngành vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học CMC. (Ảnh do CMC cung cấp).

Đó là những nét chấm phá mới trên bức tranh toàn cảnh tương lai số của Việt Nam, khi nước ta đang tăng tốc phát triển thành một cứ điểm công nghệ, một trung tâm công nghệ số ở khu vực và trên tầm thế giới.

Chuyện về Google thì trước mắt có liên quan tới nội dung số và những dịch vụ số trên nền Internet. Việc các công ty dịch vụ xuyên biên giới có pháp nhân chính thức tại Việt Nam không chỉ tuân thủ luật pháp Việt Nam mà còn bảo đảm cho việc thực thi Internet có chủ quyền của Việt Nam.

Câu chuyện với NVIDIA thì ở tầm vóc và lĩnh vực khác. Nó bao gồm cả 2 xu hướng công nghệ thời thượng là AI và bán dẫn.

Trong năm 2024, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ về ứng dụng AI, ngày càng có thêm nhiều đơn vị, từ những tập đoàn lớn đến những công ty khởi nghiệp, đua nhau làm về AI. Ngày càng có thêm nhiều ứng dụng AI, đặc biệt là những ứng dụng AI tạo sinh được “đo ni đóng giày” cho từng nhà sử dụng, được triển khai. Mặt tích cực là nhiều ứng dụng AI đã đem lại nhiều lợi ích, kết quả tốt cho nhiều lĩnh vực của cuộc sống số. Nhưng ở khía cạnh khác, Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ loạn ứng dụng AI, và nếu thiếu sự kiểm soát cần thiết sẽ phải chịu những hậu quả khôn lường với những ứng dụng AI vô trách nhiệm.

Nhìn chung, trong làn sóng ứng dụng AI hiện nay, chủ yếu là các nhà phát triển sử dụng các công cụ, nền tảng, mô hình AI từ các “ông lớn” quốc tế đế “bào chế” ra những ứng dụng cụ thể. Cái mà Việt Nam cần mang tính bền vững là làm chủ được công nghệ AI, đóng góp chất xám Việt trong việc phát triển các mô hình AI mà toàn cầu có thể sử dụng. Vì thế, việc hợp tác cùng NVIDIA là một tín hiệu tốt, đáp ứng yêu cầu này. Việc kết hợp giữa công nghệ, kinh nghiệm và thiết bị cùng những nguồn lực khác của NVIDIA với nguồn lực nhân sự và cơ sở hạ tầng của Việt Nam – tất nhiên có cả yếu tố chính sách phù hợp và thu hút – chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các bên. Đó cũng sẽ là mô hình cho việc hợp tác cùng với những “ông lớn công nghệ” khác.

Trong những lĩnh vực công nghệ lớn như thế này, nếu chỉ một mình Việt Nam triển khai thì gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bất khả thi. Nhưng hợp tác thì cũng phải sòng phẳng và hướng tới những mục tiêu tương lai bền vững chứ không phải cứ là “làm thuê”, “gia công”, “bán chất xám”,…

Ngay cả trong lĩnh vực bán dẫn cũng vậy. Nếu không sáng suốt và nhìn xa trông rộng, những nước như Việt Nam dễ bị “hớp hồn”, choáng ngợp và có thể rơi vào “bẫy bán dẫn”. Với thực lực của mình, không thể nhà nhà làm bán dẫn được đâu. Người ta có thể bị sa vào cái ảo tưởng là làm bán dẫn thì phải có nhà máy sản xuất chíp và có thể làm ra mọi loại chíp của thế giới. Nếu vậy, chúng ta thua ngay về sức cạnh tranh và khủng hoảng nguồn vốn.

Theo các nhà chuyên môn, những nước có xuất phát điểm như Việt Nam cần bình tâm và nhận ra những thế mạnh của mình trong công nghiệp bán dẫn để phát huy tối đa. Chẳng hạn như khâu thiết kế chíp nhiều năm nay vốn là một thế mạnh của chất xám Việt Nam đã được các “ông lớn bán dẫn” công nhận. Chúng ta có thể đi từ việc tham gia thiết kế những thành phần trong một con chíp chứ đừng ảo tưởng có thể tự mình phát triển cả một con chíp lớn, dạng SoC – hệ thống trên chíp. Thông qua chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cùng với việc đẩy mạnh nguồn lực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn điện, Việt Nam có thể trở thành cứ điểm của các hãng gia công chíp để họ xây dựng nhà máy lắp ráp chíp ở Việt Nam. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn, làm tốt khâu gia công, lắp ráp chíp đã là thành công. Nhà máy Intel ở Việt Nam chắc chắn mang lại nhiều kinh nghiệm cho Việt Nam.

Một số công ty của Việt Nam đã chọn cách làm đúng đắn khi khởi sự hành trình bán dẫn bằng cách tham gia sản xuất những con chíp đơn giản nhưng có nhu cầu thật sự. Đây có thể là những loại chíp mà các hãng lớn không làm, nhưng thật sự có thị trường. Thông qua những con chíp nhỏ, đơn giản này, chúng ta làm quen, đào tạo lực lượng, xây dựng uy tín thương hiệu, và cũng là cách “lấy ngắn nuôi dài”.

Cả AI lẫn bán dẫn đều cần có nhân lực chuyên nghiệp – điều mà Việt Nam đang “khát”. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta cắm đầu cắm cổ mà đào tạo. Cần có những giải pháp cho bài toán nhân sự AI và bán dẫn. Đào tạo ồ ạt, thiếu lộ trình, thiếu định hướng vừa cho ra đời những nhân sự không đủ chất lượng, vừa có nguy cơ dư thừa. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu ngay trước mắt, có hãng chọn giải pháp đào tạo chuyên ngành AI và bán đẫn cho những nhân lực đã có những nền tảng kiến thức nền hay thuộc các ngành có tương quan. Vậy là có thể giảm được đáng kể thời gian so với đào tạo từ ban đầu.

Cả AI và bán dẫn đều chẳng phải chuyện “làm giàu không khó”. Làm gì cũng phải nhìn xa trông rộng, thực tế, biết người biết ta, và có kế lâu dài bền vững.

Bài đã in trên báo Người Lao Động thứ Năm 12-12-2024.

PHẠM HỒNG PHƯỚC