Tiềm năng sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững SAF tại Đông Nam Á
Từ Jakarta (Indonesia) ngày 10-4-2025, hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) cho biết:Theo dự án hợp tác nghiên cứu giữa Canada và ASEAN, Đông Nam Á có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm nhiên liệu hàng không bền vững SAF (Sustainable Aviation Fuel) toàn cầu nhờ nguồn cung nguyên liệu nông nghiệp thô dồi dào.
Dự án “Thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững từ phụ phẩm nông nghiệp tại khu vực ASEAN” (Promoting the Production of Sustainable Aviation Fuels (SAF) from Agricultural Waste in the ASEAN Region) đánh dấu bước tiến quan trọng hướng đến một tương lai hàng không bền vững ở Đông Nam Á. Dự án được Ban Thư ký ASEAN, GHD, Boeing, và Dự án Hỗ trợ Thương mại và Đầu tư vì Phát triển Canada (Canadian Trade and Investment Facility for Development – CTIF) phối hợp triển khai; với nguồn tài trợ từ Bộ Ngoại giao Canada (Global Affairs Canada), và do tổ chức Cowater International và Học viện Hành chính công Canada (Institute of Public Administrators of Canada – IPAC) thực hiện.

SAF là nhiên liệu hàng không tái tạo hoặc có nguồn gốc từ phụ phẩm, đáp ứng các tiêu chí bền vững, giúp giảm lượng khí thải nhà kính, có thể sử dụng trực tiếp và tương thích với những mẫu máy bay hiện hành và cơ sở hạ tầng sẵn có. Các động cơ máy bay hiện tại có thể hoạt động hiệu quả với hỗn hợp 50% SAF và 50% nhiên liệu máy bay thông thường. Tuy nhiên, ngành hàng không đang hướng tới việc sử dụng 100% hỗn hợp SAF. Nhiên liệu SAF giúp giảm tới 80% lượng khí thải carbon trong suốt vòng đời nhiên liệu, tùy thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thô, thậm chí còn có tiềm năng giảm phát thải cao hơn nữa trong tương lai. SAF có thể được sản xuất từ nguồn cung đa dạng, bao gồm cây trồng phủ đất, cây trồng không ăn được, phụ phẩm nông lâm nghiệp, rác thải đô thị không thể tái chế, khí thải từ nhà máy công nghiệp, và nhiều nguồn nguyên liệu thô khác.
Dự án thực hiện đánh giá kinh tế-kỹ thuật tại Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Đánh giá tập trung về tính sẵn có của nguồn cung nguyên liệu thô, lộ trình công nghệ, cường độ carbon, logistics, các khía cạnh môi trường và xã hội, bộ khung thể chế, cũng như đánh giá tài chính.
Dự án cho thấy, nhờ cải thiện tính khả thi kinh tế, sản xuất SAF tại ASEAN có thể vượt nhu cầu nội khối, mở ra cơ hội xuất khẩu SAF trong và ngoài khu vực.
Theo dự đoán, nguồn cung nguyên liệu thô cho SAF sẽ được mở rộng nhờ vào các hoạt động canh tác và sử dụng nhiên liệu sinh khối (biomass utilisation) trên diện rộng, thay vì mở rộng diện tích đất trồng. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng các giải pháp như cơ giới hóa, cải thiện tưới tiêu và nghiên cứu phát triển (R&D) để tối ưu hóa vụ mùa giúp tăng cường nguồn cung nguyên liệu thô mà không làm trầm trọng thêm tình trạng phá rừng và chuyển dịch đất đai.
Bên cạnh lợi ích môi trường, dự án còn làm nổi bật vai trò của SAF trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế. SAF mở ra nhiều cơ hội việc làm, góp phần nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động và đa dạng hóa nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng đến sự tham gia của phụ nữ và các cộng đồng yếu thế.
Ông Satvinder Singh, Phó Tổng Thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community), nhận định: “Sáng kiến này là một bước tiến quan trọng thúc đẩy cam kết của ASEAN đối với ngành hàng không bền vững. Thông qua việc tận dụng nguồn nguyên liệu và năng lực đổi mới của khu vực, chúng ta không chỉ giải quyết các thách thức môi trường mà còn tạo động lực phát triển kinh tế và nâng cao an ninh năng lượng. Dự án hoàn thành khẳng định năng lực hợp tác hiệu quả của ASEAN trong ứng phó với thách thức khí hậu, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng.”
Bà Vicky Singmin, Đai sứ Canada tại ASEAN, cho biết: “CTIF đã hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia Đông Nam Á tham gia dự án để cải thiện năng lực ngành năng lượng, và qua đó, đánh giá độ tin cậy của nguồn nguyên liệu thô đầu vào cũng như tiềm năng sử dụng và sản xuất bền vững trong khu vực. Các khuyến nghị từ dự án đề xuất đã cung cấp thông tin cho việc phát triển và vận hành thử nghiệm trong tương lai tại một số quốc gia thành viên được lựa chọn (là Cambodia, Lào, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) nhằm chuyển đổi phụ phẩm nông nghiệp thành SAF. Dự án và các khuyến nghị này còn hỗ trợ Ban Thư ký ASEAN trong việc xác định mức độ tin cậy của nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhiên liệu tái tạo.”
Bà Sharmine Tan, Giám đốc Bền vững của Boeing khu vực Đông Nam Á, chia sẻ: “SAF là cơ hội lớn nhất để ngành hàng không cắt giảm khí thải trong vòng 30 năm tới. Nghiên cứu này nêu bật tiềm năng to lớn về nguồn cung nguyên liệu SAF dồi dào của Đông Nam Á, khẳng định vị thế quan trọng của khu vực trong việc đáp ứng nhu cầu SAF toàn cầu. Để khai thác tối đa tiềm năng này, các chính phủ và ngành hàng không cần hành động dứt khoát, thống nhất các chính sách bền vững, đầu tư cơ sở hạ tầng và mở rộng sản xuất tại địa phương nhằm xây dựng hệ sinh thái SAF vững mạnh trong khu vực. Đông Nam Á đang nắm giữ cơ hội vàng để dẫn dầu ngành hàng không bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quản lý, bảo vệ môi trường.”
Ông Sachin Narang, Cố vấn Điều hành mảng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng của GHD, nhận định: “Việc hoàn thành dự án đánh dấu một cột mốc quan trọng trên hành trình hướng tới hàng không bền vững của ASEAN. Kết quả nghiên cứu sẽ là nền tảng cho các sáng kiến, đầu tư và chính sách phát triển SAF trong tương lai trên toàn khu vực.”
Ban Thư ký ASEAN cùng các đối tác kêu gọi sự hợp tác không ngừng từ các chính phủ, lãnh đạo ngành, viện nghiên cứu và nhà đầu tư để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang SAF trong khu vực. Dựa trên phát hiện của dự án, giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào các lĩnh vực then chốt như phát triển chính sách, củng cố năng lực kỹ thuật và huy động vốn đầu tư nhằm hỗ trợ phát triển SAF cùng các nỗ lực hợp tác khác. Sự chung tay của các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng trong khu vực ASEAN sẽ góp phần định hình tương lai của ngành hàng không bền vững, mang lại những đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của khu vực và toàn cầu.

Bạn đọc download Báo cáo Đánh giá Kinh tế-Kỹ thuật của dự án: Promoting the Production of Sustainable Aviation Fuels from Agricultural Waste in the ASEAN Region – Techno-Economic Assessment Report
M.C.M.
Có tham khảo thông tin từ nguồn do Boeing cung cấp.