Mùa hè vui và bổ ích trên không gian mạng cho trẻ em
Mùa hè nắng nóng nên người ta thường phải ở nhà, mà lại là thời gian dài 3 tháng học sinh nghỉ hè, trở thành “những ngày đau đầu khổ sở” của phụ huynh có con nhỏ. Và đông và rất đông phụ huynh chọn “giải pháp công nghệ” phổ cập giúp con trẻ không “đeo bám, quấy rầy” mình là giao cho bé một chiếc smartphone hay máy tính bảng. Tất nhiên đại đa số trẻ em không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới rất thích cái giải pháp “đôi bên cùng có lợi” này. Các bé mặc sức lên mạng xem video, chơi game.
Ai chứ ở Việt Nam thì số lượng smartphone được kết nối còn nhiều hơn dân số (theo số liệu của GSMA Intelligence, vào đầu năm 2025, số kết nối di động ở Việt Nam đạt tới 127 triệu, trong khi có khoảng 100 triệu dân); toàn bộ kết nối di động này đều có khả năng dữ liệu, nghĩa là có thể vào Internet; tỷ lệ người dùng Internet cao ngất ngưỡng tới 78,8% số dân; khả năng truy cập Internet mọi lúc mọi nơi và mật độ phủ sóng Internet ở Việt Nam hầu như toàn quốc, có thể nói là thuộc top đầu thế giới.
Vì thế, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi hầu hết trẻ em Việt Nam đều sử dụng mạng Internet. Theo số liệu khảo sát của UNICEF hồi năm 2022, có tới 87% trẻ em 12 – 17 tuổi sử dụng Internet ít nhất một lần/ngày, 74% các em sử dụng Internet tại trường học với thời lượng sử dụng Internet từ 5-7 giờ mỗi ngày. Một khảo sát trước đây của Cục Trẻ em (khi ấy còn thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hộI, nay là Cục Bà mẹ và Trẻ em thuộc Bộ Y tế) cho thấy 91% trẻ em tham gia khảo sát có truy cập Internet, nhưng chỉ 10% trong số đó có kiến thức và kỹ năng sử dụng mạng một cách an toàn.

Ảnh do AI ChatGPT tạo. Thanks.
Có thể nói, mùa hè chính là mùa của trẻ em “tung hoành ngang dọc” trên không gian mạng. Và điều này cần được đối phó một cách khách quan, thực tế và tích cực. Đó là một thách thức khi gia tăng nguy cơ mất an toàn cho trẻ, nhưng cũng đồng thời là một cơ hội lý tưởng để tăng cường các hình thức và nội dung giáo dục trẻ, giúp trẻ vui chơi giải trí an toàn và bổ ích trên Internet.
Mùa hè vui và an toàn cho trẻ em tất nhiên phải là trách nhiệm chính của người lớn nói chung và phụ huynh nói riêng. Nhà nước (các cơ quan chức năng), các tổ chức giáo dục và xã hội và gia đình cần có những chương trình phối hợp hành động với nhau để vừa bảo vệ trẻ trên mạng, vừa cung cấp cho trẻ những nội dung vui chơi lành mạnh, bổ ích. Lẽ đương nhiên, trong mùa hè, phụ huynh lại càng phải dành nhiều sự quan tâm và thời gian hơn trong việc giám sát trẻ lên mạng – không phải là làm cái chuyện dễ dàng nhưng tiêu cực và phản giáo dục là cấm đoán, mà là quản lý việc trẻ lên mạng cho an toàn, bổ ích. tốt nhất là cùng con em mình lên mạng.
Theo khảo sát của Google, các phụ huynh Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc con em mình lên Internet và ngày càng có ý thức hơn về việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng. Google cho biết, trước năm 2021 có đến hơn 1/3 số phụ huynh Việt Nam được khảo sát chưa bao giờ nói chuyện với con về an toàn mạng. Tuy nhiên, tới năm 2023, có tới 87,7% phụ huynh Việt Nam đã có thể dễ dàng trao đổi với con về chủ đề này. Phụ huynh cũng chủ động tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ con trong học tập (78,2%); tìm kiếm nội dung giáo dục chất lượng cao (72,2%); hướng dẫn con về an toàn mạng (64,1%).
Ở đây cũng phải nhấn mạnh tới vai trò tham gia hiệu quả của các thầy cô, dù đang trong mùa hè. Tốt nhất là trong những tuần trước nghỉ hè, các trường lớp nên tổ chức những tiết học, buổi sinh hoạt với chủ đề giúp học sinh vui hè trên mạng an toàn và bổ ích.
Bất luận thế nào, tốt cho tất cả vẫn là chúng ta biết cách khai thác các thế mạnh của Internet để mang lại cho trẻ một mùa hè vui, bổ ích và an toàn. Có hai phần việc phải làm song song với nhau: bảo vệ trẻ an toàn trên mạng và cung cấp nội dung hữu ích cho trẻ trên mạng.
Các cơ quan chức năng và các tổ chức có liên quan cần xây dựng thật nhiều những chương trình, những nội dung vui chơi, vui học thu hút trẻ trên mạng. Chính những chương trình, nội dung tốt này sẽ là biện pháp hữu hiệu để đánh đuổi những nội dung xấu xí, độc hại ra khỏi vùng bảo vệ trẻ. Nhà nước nên đầu tư đồng thời kêu gọi xã hội hóa để đặt hàng những chương trình, nội dung dành cho trẻ em rồi đưa lên không gian mạng. Có thể phối hợp với các nền tảng mạng truyền thông xã hội để lan tỏa các nội dung này. Chẳng hạn, YouTube có YouTube Kids (có cả ứng dụng di động) là môi trường dành riêng cho trẻ khám phá những nội dung dành cho trẻ em. YouTube chia sẻ: “Chúng tôi tạo YouTube Kids để giúp trẻ em khám phá thế giới thông qua video trực tuyến một cách an toàn và dễ dàng hơn, từ việc thưởng thức bản nhạc và chương trình trẻ yêu thích đến việc học cách tạo mô hình núi lửa hoặc cách trở thành ảo thuật gia, cũng như tất cả mọi hoạt động sáng tạo khác. Ngoài ra, ứng dụng này còn có đầy đủ các công cụ kiểm soát của cha mẹ để bạn có thể điều chỉnh trải nghiệm xem video phù hợp với nhu cầu của gia đình mình.”
Còn nhớ vào năm 2021, Google đã bắt đầu triển khai dự án giáo dục “Be Internet Awesome – Em An toàn hơn cùng Google” với sự đồng hành của các đối tác bao gồm Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (C.F.C Việt Nam), các sở giáo dục và trường học tại nhiều tỉnh thành. Dự án này có giáo trình được thiết kế đặc biệt nhằm hướng dẫn trẻ sử dụng Internet một cách an toàn, cẩn trọng và tránh các hành vi xấu có nguy cơ ảnh hưởng tới trẻ, cũng như dạy trẻ các nguyên tắc cơ bản về an toàn kỹ thuật số và quyền công dân số để các em có thể tự tin khám phá thế giới trực tuyến. Hiện nay, phụ huynh và trẻ em ở Việt Nam vẫn có thể truy cập vào website tiếng Việt của dự án bổ ích này tại địa chỉ: https://beinternetawesome.withgoogle.com/vi_vn
Theo các chuyên gia, trong kỷ nguyên số, không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng phải chung sống với Internet. Và muốn an toàn, “sống sót” thì phải học cách sống trên không gian mạng. Vì thế, thay vì theo quan niệm xưa cũ là “không quản được thì cấm”, phụ huynh nên chọn giải pháp tích cực và phù hợp với xu thế thời đại là giúp cho con trẻ học được các kỹ năng số, tùy theo lứa tuổi của chúng. Nhờ vậy, phụ huynh sẽ có thể an tâm hơn khi trẻ em vào không gian mạng mà không cần phải luôn kè kè giám sát chúng.
Bài đã in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 25-5-2025 và trên báo NLĐ Online.
NGÔ LÊ