Thứ Ba ngày 01 tháng 7 năm 2025

VNPT bảo đảm cho Cổng Dịch vụ Công Quốc gia vận hành thông suốt theo chế độ “một cửa số” toàn quốc từ 1-7-2025

Ngày 1-7-2025 là thời điểm đóng toàn bộ các cổng dịch vụ công cấp tỉnh (và tới tháng 2-2026 sẽ đóng giao diện cổng dịch vụ công cấp bộ). Cả nước chỉ còn “một cửa” tiếp nhận yêu cầu của công dân là Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, nơi sẽ được kết nối liên thông thông suốt với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ ngành, địa phương.  Với việc vận hành duy nhất một cổng dịch vụ công như thế, người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi thông qua máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng kết nối với Internet.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ngày 30-6-2025 cho biết Tập đoàn đã hoàn tất công tác chuẩn bị, bảo đảm Cổng Dịch vụ Công Quốc gia (Cổng DVCQG) sẵn sàng vận hành chính thức theo chế độ “một cửa số” duy nhất từ ngày 1-72025.

Vai trò thầm lặng kiến tạo nền tảng

Là đơn vị xây dựng và vận hành Cổng DVCQG liên tục từ tháng 12-2019 (khi Cổng này chính thức khai trương), VNPT đã đóng vai trò chủ lực trong việc bảo đảm sự thông suốt của hệ thống. Phục vụ cho công cuộc sắp xếp lại bộ máy quản lý hành chính cả nước trong năm 2025, từ 18h00 ngày 27-6-2025, VNPT đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các tỉnh thành để kết nối, triển khai thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên Cổng DVCQG. Đồng thời, toàn bộ các Cổng Dịch vụ Công tỉnh thành đã dừng hoạt động, chính thức chuyển đổi Cổng DVCQG thành điểm tiếp nhận hồ sơ trực tuyến duy nhất.

Tại mỗi xã/phường luôn có 2 cán bộ kỹ thuật của VNPT thường trực để hỗ trợ cán bộ xã/phường trong suốt quá trình thực hiện chuyển đổi dữ liệu phục vụ mô hình chính quyền 2 cấp. Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật VNPT túc trực tại UBND Phường Đông Hòa mới thành lập của TP.HCM.

Cùng với đó, VNPT đã chủ động nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và phần mềm, bảo đảm năng lực vận hành toàn quốc trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính. Toàn bộ quá trình kiểm thử đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc triển khai chính thức theo mô hình chính quyền mới từ 1-7-2025 theo đúng kế hoạch.

Trong gần 6 năm qua, VNPT liên tục nâng cấp, cập nhật hệ thống theo yêu cầu, duy trì hoạt động ổn định. Đến nay, Cổng DVCQG đã kết nối với hơn 137 hệ thống của bộngành, địa phương, tích hợp với 10 ngân hàng và 9 trung gian thanh toán để thực hiện thanh toán phí, lệ phí. Hệ thống đã ghi nhận hơn 7,3 tỷ lượt người dùng truy cập, tiếp nhận và xử lý hơn 272.000 phản ánh, kiến nghị, với gần 600 triệu hồ sơ đã được giải quyết.

Hiện diện xuyên suốt, bảo đảm thông suốt

Không chỉ dừng lại ở cấp trung ương, VNPT còn đóng vai trò là “đội công trình” thầm lặng ở tuyến địa phương. Tập đoàn đang chủ trì triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tại 26/34 tỉnh thành phố và hệ thống quản lý văn bản, điều hành tại 24/34 tỉnh thành phố sau hợp nhất.

Đặc biệt, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi mang tính lịch sử này, VNPT đã cử tối thiểu 2 kỹ sư thường trực tại mỗi xã phường mới để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ cơ sở trong giai đoạn đóng cổng dịch vụ công tỉnh thành và kết nối về Cổng DVCQG. Nhờ sự đồng hành này, đến ngày 30-6-2025, nhiều địa phương như TP.HCM, Ninh Bình, Sơn La, Điện Biên… đã hoàn thành trước hạn, bảo đảm “không gián đoạn – không hồ sơ tồn đọng” ngay khi quyết định tổ chức địa giới mới có hiệu lực (từ ngày 1-7-2025).

Tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công Phường Hồng An (TP Hải Phòng).

Song song đó, VNPT cũng hoàn thiện kịch bản tách – gộp cơ sở dữ liệu dân cư cho 100% quận, huyện sáp nhập và nâng cấp Trục liên thông dữ liệu quốc gia – “huyết mạch” chảy suốt từ Trung ương đến xã. Những nỗ lực thầm lặng này bảo đảm hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia ổn định, giúp chính quyền 2 cấp hoạt động trơn tru từ ngày 1-7-2025.

T.T.V.

Có tham khảo thông tin từ nguồn do VNPT cung cấp.