Thứ Ba ngày 08 tháng 7 năm 2025

Khi làng báo thế giới bị AI khuấy đảo

Trò chuyện với nhau trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2025), anh bạn biên tập viên của một tờ báo vào hàng lớn tại TP HCM than: “Thời gian gần đây làm biên tập báo cực óc hơn trước nhiều. Ngày càng có thêm nhiều người, cả phóng viên lẫn cộng tác viên, lạm dụng AI tạo sinh (GenAI) để viết tin bài. Biên tập báo mà không cẩn trọng, tỉnh táo và chịu khó kiểm tra thì dễ bị ‘sụp hố’ AI.”

Tất nhiên, việc gia tăng ứng dụng AI trong cuộc sống đang là một xu thế toàn cầu và được “chuyên gia khuyên dùng”. Vấn đề của vấn đề là việc ứng dụng AI cần phải có trách nhiệm và tránh lạm dụng.

Sau khi được phổ cập và thương mại hóa toàn cầu từ cuối tháng 11-2022, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), khởi đầu từ ChatGPT của OpenAI, đã được ứng dụng nhanh như gió lốc vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Và đặc biệt là giới báo chí đã nhanh chóng khai thác công nghệ “siêu thông minh” và “siêu dữ liệu” AI phục vụ cho công việc của mình, từ viết bài, dựng phim tới biên tập, xuất bản và các hoạt động của tòa soạn.

Ảnh do AI ChatGPT tạo. Thanks.

Làm truyền thông thời AI rất sướng

Anh Hoài Xuân, một người viết báo gần nửa thế kỷ, tâm đắc nhất việc AI hỗ trợ mình trong khâu dữ liệu. Trước đây, thời làm báo thủ công, mỗi khi viết bài, anh phải lục sách báo tư liệu mất nhiều thời gian và công sức. Có lần, chỉ để làm một trang chuyên đề quốc tế, anh phải mất mấy ngày sục sạo trong thư viện của hai tờ báo lớn. Tới khi có Internet, việc tìm dữ liệu thuận tiện và nhanh hơn nhiều. Giờ thì việc tìm dữ liệu (có khi chiếm khoảng 50% trong quá trình tạo ra một bài báo) đã gọn nhẹ và nhanh chóng hơn bội lần nhờ có khả năng truy tìm, trích xuất và tổng hợp của AI tạo sinh.

Ngay cả bộ phận biên tập ảnh cho báo cũng hưởng nhiều lợi ích từ AI. Chuyện xóa phông, chỉnh nền, chính sáng và đặc biệt là xóa những chi tiết dư thừa trên ảnh là chuyện quá dễ với AI.

Trong một cuộc tọa đàm về ứng dụng AI trong truyền thông, một phó tổng biên tập của một tờ báo điện tử lớn của Việt Nam đã nhận định: “Có thể nói AI đang thay đổi báo chí theo hướng tích cực và nhân văn hơn.”

Với đặc thù của Việt Nam, nơi báo chí chính thống đều do nhà nước và các tổ chức quản lý, việc ứng dụng AI trong báo chí diễn ra theo hướng tích cực hơn, giảm thiểu những mặt trái của AI. Theo kết quả Khảo sát Báo chí Việt Nam 2023 do Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp thực hiện, có khoảng 25% cơ quan báo chí tại Việt Nam được khảo sát đang ứng dụng AI trong các hoạt động vận hành của tòa soạn, đặc biệt là khâu sản xuất tin tức. Có 29,4% cơ quan báo chí đã có kế hoạch ứng dụng Al trong tòa soạn nhưng chưa triển khai.

Có lẽ không có công nghệ ứng dụng nào lại được “đời hóa”, ứng dụng trong cuộc sống nhanh chóng và rộng như AI. Với làng báo cũng vậy. Cho tới nay, hầu như các tờ báo, hãng tin lớn trên thế giới như New York Times, Financial Times, Bloomberg, Associated Press,… đều đã sử dụng AI trong quy trình sản xuất tin tức để tiết kiệm chi phí và tăng năng suất.

Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số 2025 (Digital News Report 2025) do Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh) dựa trên khảo sát 326 nhà lãnh đạo truyền thông của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho thấy: Để tăng cường hiệu quả công việc của mình, 96% số tòa soạn được khảo sát sẽ tiếp tục sử dụng AI để làm SEO, dịch tự động, biên tập,… (back-end efficiency). 80% số tòa soạn sẽ sử dụng AI để cải thiện và đề xuất nội dung cá nhân hóa. 77% dùng để tạo nội dung và 73% dùng để thu thập tin tức (bao gồm xác thực thông tin, phát triển báo chí dữ liệu và điều tra). 67% số tòa soạn được khảo sát sẽ dùng AI để lập trình và 63% dùng cho các mục đích thương mại. Xu hướng trong năm 2025, 75% số tòa soạn sẽ đầu tư nhiều vào chức năng công nghệ phát triển giọng nói, chuyển đổi bài viết dưới dạng văn bản thành tệp tin âm thanh với nhiều ngôn ngữ và giọng điệu khác nhau. 70% tòa soạn sẽ dùng AI để tóm tắt nội dung ở đầu bài viết.

AI gây loạn làng báo thế giới

Với khả năng “siêu phàm” của mình, AI tạo sinh có thể giúp người ra lệnh tạo ra những nội dung với các định dạng truyền thông hoàn thiện (tin, bài, video). Và đây cũng chính là cái “gót chân achilles” của AI truyền thông. Nằm trong tay những kẻ có ý đồ xấu xí, AI có thể tạo ra những nội dung “sai trái, hư cấu mà như thật”. Trong khi các cơ quan báo chí có những cơ chế tự bảo vệ để phòng tránh, hạn chế những “tác yêu tác quái” của AI, các mạng truyền thông xã hội hiện nay trở thành “đất dụng võ” của AI, nơi các nội dung do AI tạo ra, có đúng có sai, có tốt có xấu, mặc sức lan tỏa với tốc độ cực nhanh và phạm vi cực rộng – dĩ nhiên là hơn hẳn báo chí chính thống.

Nóng hổi là vụ các phương tiện truyền thông rộ lên thông tin “ca sĩ Taylor Swift và bạn trai cầu thủ bóng bầu dục Travis Kelce đã bất ngờ xuất hiện tại cuộc biểu tình ‘Ngày không vua’ (No Kings Day) ở Los Angeles (Mỹ) ngày 14-6-2025”. Kèm theo có hình ảnh cho thấy cặp đôi này đang diễu hành cùng đám đông. Nhưng sau đó, các chuyên gia đã phân tích và cho biết đó là hình ảnh giả (fake photo) do AI tạo ra.

Rồi trong cuộc chiến tranh giữa Israel và Iran, trên mạng xuất hiện những tấm ảnh chụp xác “máy bay chiến đấu hiện đại của Israel” bị “Iran bắn rơi”, nhưng lộ rõ do AI tạo ra.

Điều nguy hiểm là không cần phải là những người chuyên nghiệp, chỉ cần có ý tưởng (mưu đồ) và có tiền mua gói dịch vụ là bất cứ ai cũng có thể tạo ra những nội dung, từ tin bài tới hình ảnh, video giả mạo do “AI sáng tác theo đặt hàng”. Không chỉ chuyện tạo ảnh tĩnh, ghép ảnh, trình độ tạo video của AI cho ra những clip “không thể thật hơn”, dù trong những bối cảnh hay với những sự kiện không thể nào xảy ra trong đời thực. Như cái clip nhà lãnh đạo Mỹ đang ngồi ăn “lòng se điếu” trên vỉa hè Hà Nội “thật” đến “choáng người”.

Nghiên cứu của hãng tin Reuters đưa ra cảnh báo rằng: Nhiều người bày tỏ lo ngại về khả năng AI sẽ làm tăng nguy cơ tin giả và thiên lệch trong việc sản xuất nội dung, đặc biệt là khi AI tham gia vào các chủ đề nhạy cảm như chính trị và xã hội. Ở các quốc gia được khảo sát, hiện chỉ có một số ít người cảm thấy thoải mái khi sử dụng tin tức do con người tạo ra với sự trợ giúp của AI (36%) và chỉ có 19% cảm thấy thoải mái khi sử dụng tin tức chủ yếu do AI tạo ra với sự giám sát của con người (19%).

“Báo cáo trong thế giới mới dũng cảm” (Reporting in the Brave New World) của Liên Hiệp Quốc nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 2025 nhận định: “AI đang biến đổi quyền cơ bản trong việc tìm kiếm, truyền đạt và tiếp nhận thông tin, cũng như nghề báo… Nó cũng mang đến những rủi ro.” Báo cáo của Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng: “AI tạo sinh cho phép tạo ra nội dung gây hiểu lầm như deepfake, làm suy yếu lòng tin vào các thể chế dân chủ.”

Hồi tháng 5-2025, Hệ thống Báo chí Điều tra Toàn cầu (Global Investigative Journalism Network, GIJN) đã có một bài viết lớn với tựa đề: “Sự hỗn loạn và uy tín: Một bức ảnh chụp nhanh về cách AI đang tác động đến Tự do báo chí và Báo chí điều tra”. Hai tác giả Reed Richardson và Andrea Arzaba cảnh báo: “Các tòa soạn nhỏ nhất hiện nay cũng có thể tận dụng các công cụ AI để có năng lực đưa tin mới mạnh mẽ, nhưng công nghệ này cũng đe dọa mô hình sản xuất tin tức truyền thống, đồng thời cung cấp cho những kẻ xấu và những kẻ cực đoan chính trị một vũ khí mới nguy hiểm để phát tán thông tin sai lệch và làm xói mòn niềm tin vào báo chí.”

Một cuộc điều tra của báo Financial Times năm 2024 cũng phát hiện ra rằng các công cụ sao chép giọng nói do AI tạo ra đã được sử dụng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại Hoa Kỳ năm 2024 (để mô phỏng sai lời Tổng thống khi đó là Joe Biden kêu gọi mọi người không nên bỏ phiếu); cũng như từng được sử dụng trong các cuộc bầu cử năm 2023 ở Sudan, Ethiopia, Nigeria và Ấn Độ.

Trang tin The Insider hồi giữa tháng 12-2024 công bố một cuộc điều tra cho thấy có một chiến dịch tuyên truyền online sử dụng công cụ giả giọng AI để tạo ra những đoạn phát biểu “giả giọng nói” của những học giả nổi tiếng thế giới từ các đại học như Cambridge, Harvard, Princeton, the University of Bristol,… “lên tiếng” kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Nga và thúc giục Ukraine “đầu hàng” Nga. 

Có thể nói rằng: giải pháp ứng dụng AI trong báo chí hợp lý, khả thi và được nhiều người chấp nhận nhất là có thể dùng AI như một trợ lý trợ giúp nhưng không thể dùng AI để viết nội dung thay cho con người. Viện Reuters nhấn mạnh: “Thông tin chính xác, có thể tin cậy. Đó là điều mà mọi người muốn.”

Bài đã in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 22-6-2025 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC