Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Hai nước châu Á đông dân nhất nhì thế giới chạy đua lên vũ trụ

space-race-change3-china-mangalyaan-india

 

Trung Quốc vừa ghi được một bước tiến quan trọng trong chương trình không gian của mình với việc phóng tàu đổ bộ ngoài Trái đất đầu tiên của nước này lên quỹ đạo để hướng tới mục tiêu là Mặt trăng. Vào lúc nửa khuya về sáng ngày 2-12-2013, tên lửa Trường Chinh (Long March) 3B mang theo tàu thăm dò Mặt trăng Hằng Nga (Chang’e) 3, bao gồm “con bọ” xe tự hành tên Ngọc Thố (Yutu) đã rời giàn phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Xichang ở tỉnh Tứ Xuyên.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông muốn Trung Quốc tự mình phát triển thành một siêu cường vũ trụ và sứ mạng mới này truyền hứng khởi cho khả năng công nghệ đang gia tăng của nước này.

Nếu như mọi việc suôn sẻ, tàu thăm dò Hằng Nga 3 sẽ đáp nhẹ nhàng xuống bề mặt của Mặt trăng vào giữa tháng 12-2013. Sau đó, xe tự hành Ngọc Thố sẽ tiến hành các cuộc thăm dò địa chất và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Mặt trăng. Nếu như tàu thăm dò Mặt trăng được đặt tên là Chị Hằng thì chiếc xe tự hành sẽ bò lổm ngổm trên Mặt trăng đã được Trung Quốc đặt tên là Thỏ ngọc – con pet của chị Hằng. Cái tên này được chọn trong một cuộc bầu chọn toàn quốc.

Năm 2007, Trung Quốc đã phóng Hằng Nga 1, tàu quỹ đạo Mặt trăng đầu tiên của mình để chụp hình ảnh bề mặt Mặt trăng và phân tích độ phân bố các nguyên tố. Nếu như sứ mạng lần này thành công, nước đông dân nhất hành tinh này (1,3 tỷ người) sẽ trở thành nước thứ ba (sau Mỹ và Liên Xô cũ) có tàu hạ cánh thành công lên Mặt trăng. Giới khoa học Trung Quốc đang thảo luận về khả năng có thể đưa người nước mình lên Mặt trăng sau năm 2020. Hồi tháng 6-2013, 3 nhà du hành vũ trụ Trung Quốc đã ở trong quỹ đạo Trái đất 15 ngày và ráp nối thành công với một phòng thí nghiệm không gian thử nghiệm – một phần trong chương trình xây dựng một trạm không gian của Trung Quốc vào năm 2020.

Trong khi đó, nước châu Á đông dân thứ nhì thế giới là Ấn Độ (1,2 tỷ dân) đang nhằm tới đích đến xa hơn trong vũ trụ. Ngày 5-11-2013, nước này đã phóng tàu thăm dò sao Hỏa  Mangalyaan (Sứ mạng tàu quỹ đạo sao Hỏa – MOM) lên không gian. Theo kế hoạch, cuộc hành trình vũ trụ này sẽ kéo dài 300 ngày, vượt qua 680 triệu km và sẽ tiếp cận với quỹ đạo sao Hỏa vào ngày 24-9-2014.

Mặc dù mục đích chính của tàu thăm dò vũ trụ nặng 1,35 tấn trị giá 72 triệu USD này là để chứng minh khả năng công nghệ của Ấn Độ đã có thể vươn tới sao Hỏa, nhưng con tàu cũng sẽ thực hiện một số thí nghiệm, trong đó có nhiệm vụ tìm kiếm khí methane trong bầu khí quyền của hành tinh này. Ngoài đầu dò khí methane, nó cũng được trang bị máy đo quang phổ kế, máy ảnh màu và máy ảnh hồng ngoại.

Tàu thăm dò Mangalyaan được phóng lên quỹ đạo Trái đất bằng tên lửa Polar Satellite Launch Vehicle (PSLV) do Ấn Độ phát triển từ thập niên 1990 và phóng thành công lần đầu năm 1993. Tỷ lệ an toàn của PSLV cực cao, tính cả lần này, loại tên lửa đẩy PSLV đã có 24 lần phóng thành công liên tiếp.

Sau 25 ngày bay vòng quanh quỹ đạo Trái đất và nâng dần độ cao, ngày 30-11, tàu thăm dò Mangalyaan đã kích hoạt các tên lửa riêng của mình, bước vào giai đoạn hai, trực chỉ sao Hỏa.

Cả hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đang cố gắng phô diễn khả năng bay vào vũ trụ của mình với công nghệ rẻ tiền nhưng an toàn. Họ hy vọng sẽ cạnh tranh được với các cường quốc không gian truyền thống trong thị trường không gian toàn cầu trị giá tới 304 tỷ USD.

Gạt chuyện chính trị, quốc phòng và thương mại qua một bên, tôi nhìn những hình ảnh Trung Quốc và Ấn Độ đua nhau phóng tàu không gian mà chợt nhớ tới câu thơ của cụ Trần Tế Xương xưa viết về cái nạn “mắn đẻ” rằng: “Phố phường chật hẹp, người đông đúc. Bồng bế nhau lên nó ở non.” Phải chăng hai nước đang oằn mình trước nạn nhân mãn này đã nghĩ tới viễn cảnh của những cuộc di dân bên ngoài Trái đất? Kiểu này, khuya nay tôi phải tức tốc thăng lên Mặt trăng và sao Hỏa cắm mốc đặng phân lô bán nền! Đừng bỉu môi chê rằng tôi lo xa, biết đâu chừng một ngày nào đó trên không gian lại chẳng xuất hiện cái “đường lưỡi… thỏ” hay “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) như đã tòi ra ở hai vùng Biển Đông và biển Hoa Đông kia chớ!

phphuoc-on-the-moon

Bằng chứng cho thấy tôi đã có mặt cận kề Hằng Nga hồi canh ba khuya qua. (Ai tin ráng chịu.)

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 3-12-2013)

+ PHOTO: Tàu thăm dò sao Hỏa Mangalyaan của Ấn Độ và tàu đổ bộ Mặt trăng của Trung Quốc rời giàn phóng. (Nguồn ảnh: Internet.Thanks).

china-space-long-march-3b-at-xichang-131201-01

Tên lửa Trường Chinh 3B đang chuẩn bị phóng tàu đổ bộ Mật trăng Hằng Nga 3.

china-space-long-march-3b-at-xichang-131202-01

CHINA-SCIENCE-SPACE-MOON-FILES

india-space-mangalyaan-131105-00

Tên lửa Polar Satellite Launch Vehicle (PSLV) đang chuẩn bị đưa tàu thăm dò sao Hỏa Mangalyaan lên quỹ đạo Trái đất.

india-space-mangalyaan-131105-01

india-space-mangalyaan-131105-02