Thứ Ba ngày 03 tháng 12 năm 2024

Ông trùm phim kung-fu và chủ hãng TVB Hong Kong chia tay thị trường phim ảnh ở tuổi 107

Sir Run Run Shaw prepares to speak at th

 

Các khán giả của thể loại phim kung-fu (võ thuật) nói riêng và của hãng truyền hình Hong Kong TVB nói chung đã phải vĩnh biệt đại lão sư Run Run Shaw, người đã đưa thể loại phim kung-fu ra thế giới và là người đã giúp sáng lập hãng truyền hình TVB nổi tiếng.

Shaw (phát âm theo tiếng Hoa phổ thông là Shao) đã qua đời ngày 7-1-2014 ở tuổi 107 để lại người vợ thứ hai và 4 người con từ cuộc hôn nhân đầu tiên.

Ông Shaw được ghi nhận công lao góp phần xây dựng một đế chế phim ảnh và truyền hình Hong Kong, không chỉ đưa thể loại phim võ thuật Hong Kong ra với thế giới mà còn truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất Hollywood làm phim võ thuật châu Á.

Hãng phim Shaw Brothers Studios của ông từng là một trong những hãng phim lớn nhất thế giới, sản xuất được gần 1.000 bộ phim. Nó là nơi tạo cơ hội cho các đạo diễn trẻ tài danh như Ngô Vũ Sâm (John Woo) khởi nghiệp. Ông Shaw cũng đã sản xuất một số bộ phim Mỹ, trong đó có bộ phim thảm họa kinh hoàng Meteor (Thiên thạch) phát hành năm 1979.

Hãng truyền hình TVB (Television Broadcasts Limited) mà ông Shaw góp công xây dựng năm 1967 hiện vẫn giữ vị trí thống lĩnh ngành truyền hình Hong Kong, và các bộ phim – đặc biệt là phim nhiều tập – do TVB sản xuất đã có mặt trên khắp thế giới. Đây là nơi sản sinh ra những ngôi sao như tài tử Châu Nhuận Phát (Chow Yun-fat), tài tử Lưu Đức Hoa (Andy Lau), diễn viên hài Châu Tinh Trì (Stephen Chow) và đạo diễn Vương Gia Vệ (Wong Kar-wai) – người thực hiện những bộ phim như Chungking Express, In the Mood for Love,…

Có lẽ một trong những điều khiến ông Shaw phải tiếc nuối là đã bỏ lỡ cơ hội để có được một trong những tên tuổi lớn nhất trong thể loại phim kung-fu là tài tử Lý Tiểu Long (Bruce Lee). Lúc đó Lý Tiểu Long – một “nhân tài còn nằm trong lá ủ” mới quay trở lại Hong Kong sau một thời gian hoạt động tại Hollywood. Lẽ dĩ nhiên, anh và Shaw phải gặp nhau. Chỉ có điều, họ không đạt được tiếng nói chung. Lý Tiểu Long muốn được trả lương cao (10.000 USD cho mỗi phim), ký hợp đồng dài hạn và được quyền sáng tạo trong các bộ phim mình đóng. Ông Shaw thì không muốn phá vỡ hợp đồng tiêu chuẩn mà ông dành cho tất cả các diễn viên của mình. Vậy là Lý Tiểu Long đã ký hợp đồng với hãng phim Gia Hòa (Golden Harvest) đối thủ của Shaw Brothers. Hãng này cho phép Lý Tiểu Long thoải mái sáng tạo trong vai diễn và được chia lợi nhuận của phim. Cay đắng là hãng phim mới này được thành lập năm 1970 bởi Raymond Chow, từng là một nhà sản xuất của Shaw Brothers. Sau nhiều lần than phiền với ông chủ Shaw về chất lượng các bộ phim hạng B quá tệ mà không được nghe, Chow đã nhảy ra lập hãng phim riêng để đối chọi với kiểu làm phim theo dây chuyền công nghiệp của Shaw Brothers. Sau này, những ngôi sao mới nổi khác như Thành Long (Jackie Chan) cũng theo chân Lý Tiểu Long về đầu quân cho hãng Gia Hòa vì không thích kiểu làm phim “nhà máy” của ông Shaw.

Ông Shaw sinh ngày 23-11-1907 tại làng Shao Yifu của Ningbo (tỉnh Chiết Giang, Zhejiang của Trung Hoa) trong một gia đình thương nhân hàng vải sợi giàu có. Một trong 6 anh chị em của ông là người anh Run Me Shaw đã thành lập một hãng phim câm tên Unique Film Production Co. Ông Shaw và người em trai thứ ba Run Je Shaw đã sang Singapore năm 1023 để tiếp thị phim cho cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á và dần dần mở tới 139 rạp chiếu phim trong khắp khu vực này. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, công ty của anh em Shaw phải đương đầu với các đối thủ ở Hong Kong và ngay chính Singapore. Vì thế, ông đã chuyển tới Hong Kong vào cuối thập niên 1950 để hiện đại hóa công ty của mình. Có lẽ đây cũng là chiêu thức “bắt cọp ngay tại hang cọp”. Tại Hong Kong, ông đã chuyển sự tập trung từ phát hành phim sang sản xuất phim, và đổi tên công ty thành Shaw Brothers.

Con đường thống lĩnh thế giới làm phim châu Á của Shaw bắt đầu nổi bật vào năm 1961 khi ông mở Shaw Movie Town, một phim trường hiện đại khổng lồ trên khu đất rộng 46 acre tại Vịnh Clearwater Bay. Với 1.500 nhân viên làm việc tại 10 phim trường, Movie Town là xưởng sản xuất phim hoạt động rôm rả nhất thế giới. Vào thời cao điểm, các diễn viên và đạo diễn quay tới 40 bộ phim một năm, hầu hết là phim kung-fu, kiếm hiệp hay xã hội đen châu Á (triad). Kết quả là đã có gần 1.000 bộ phim ra đời tại đây.

Logo của hãng phim Shaw Brothers với 2 chữ cái SB nằm trên một tấm khiên được lấy cảm hứng từ biểu tượng của hãng phim Warner Brothers của Hollywood. Người ta nói rằng nó thể hiện khát vọng Hollywood của ông Shaw. Thế rồi đạo diễn Quentin Tarantino của Hollywood đã dùng logo của Shaw Brothers trong hai phần của bộ phim Kill Bill của mình mang hơi hướm của phim võ thuật Hong Kong. Đạo diễn Tarantino kể với báo Los Angeles Daily News hồi 2003 về quá trình chuẩn bị quay bộ phim này: “Trong suốt một năm, mỗi ngày tôi coi một bộ phim cũ của Shaw Brothers – nếu không muốn nói là 3 bộ mỗi ngày.”

Theo một bài báo trên tạp chí Mỹ Time năm 1976, các phim của Shaw Brothers được sản xuất theo phương thức “dây chuyền lắp ráp” (assembly-line) và các diễn viên ngôi sao và nhân viên kỹ thuật sống ngay trong những nhà ở tập thể tại phim trường. Ngân sách cho mỗi bộ phim thấp và kế hoạch sản xuất nhanh – chỉ 35 ngày tới 3 tháng cho 1 bộ phim. Thật ra, vào thời điểm đó, ông Shaw đã “chi bạo” cho việc làm phim (tất nhiên, theo tiêu chuẩn ở châu Á). Trong khi làng phim địa phương chỉ chi vài ngàn USD cho 1 bộ phim dài 60 phút, hãng Shaw Brothers dám đầu tư tới 50.000 USD cho bộ phim dài 2 giờ.

Quan niệm làm phim của ông Shaw đúng là kiểu làm phim thị trường. Chất lượng phim không phải là mối quan tâm lớn nhất của ông. Nhà sản xuất này từng nói với tạp chí Time: “Chúng tôi ở đây để kiếm tiền.”  

Mặc dù không hề tạo ra phim kung-fu, nhưng ông Shaw đã nhanh chóng khai thác xu hướng của thể loại phim này để kiếm tiền, sử dụng một hệ thống xưởng phim hiện đại và các kỹ thuật sản xuất tập trung hóa để có thể nhanh chóng tung ra thị trường các bộ phim hòng đánh bại các đối thủ và làm thỏa mãn nhu cầu của khán giả. Vào thời hoàng kim của mình, các phim của hãng Shaw Brothers đạt tới 1,5 triệu người coi một tuần, phần lớn là tại các rạp chiếu phim của Shaw và các anh em ông ở Đông Nam Á.

Mặc dù các bộ phim của Shaw Brothers vẫn còn giữ được một cộng đồng khán giả sùng bái trên toàn cầu, nhưng thị hiếu của khán giả điện ảnh đã thay đổi. Họ thích các phim gai góc hơn, thực tế hơn và cùng thời với mình. Cuối cùng, kho phim của Shaw Brothers đã được bán cho hãng Celestial Pictures hồi năm 2000 để nơi đây lưu trữ và tái phát hành dưới dạng số hóa (digital).

Ngay cả sau khi đã tới tuổi cửu tuần, ông Shaw vẫn giữ được sự hiện diện mạnh mẽ của mình trong làng phim Hong Kong thông qua quyền kiểm soát hãng phim Shaw Studios. Nhưng rồi, thế hệ các nhà sản xuất phim mới vừa trẻ hơn, vừa độc lập đã thống lĩnh thị trường phim ảnh Hong Kong với các bộ phim bạo lực mang màu sắc cảnh sát và gangster có mùi vị riêng và hợp thời đại của họ.  

Hoạt động sản xuất phim của ông Shaw ngừng lại vào năm 1983. Lúc đó, ông đã chuyển hướng tập trung qua lĩnh vực truyền hình, đặc biệt là sau khi người anh của ông qua đời vào năm 1985. Năm 1973, ông nắm quyền kiểm soát hãng truyền hình TVB và chỉ rời chức chủ tịch để về hưu hồi tháng 12-2011 khi đã 104 tuổi.

Dưới tay ông Shaw, hãng TVB đã làm mưa làm gió trên thị trường truyền hình Hong Kong, giống như thời ông thống lĩnh thị trường phim ảnh Hong Kong với hãng Shaw Brothers. Chỉ trong một thời gian ngắn, TVB đã chiếm thị phần 80% trong thị trường truyền hình địa phương. Kênh tiếng Hoa của TVB được phổ cập ở miền nam Trung Quốc và các chương trình tiếng Hoa của TVB, được phụ đề bằng nhiều ngôn ngữ địa phương, có tới 300 triệu gia đình coi trên khắp thế giới.

Năm 1974, ông Shaw được Nữ hoàng Anh Elizabeth II ban tặng tước vị Hiệp sĩ (Knighthood). Ông cũng là một nhà hoạt động từ thiện tiếng tăm. Năm 2002, ông thành lập Giải thưởng Shaw Prizes hàng năm, một phiên bản châu Á của Giải thưởng Nobel. Kể từ năm 2004, mỗi năm giải này trao các giải thưởng có tổng trị giá 1 triệu USD cho các người đoạt giải trong các lĩnh vực toán học, y khoa và thiên văn.  

Ông Shaw không thích xuất hiện nổi bật trước công chúng, hiếm khi chấp nhận phỏng vấn của báo chí.

Người vợ đầu của ông Shaw là Wong Mee Chun mất năm 1987. Mười năm sau, ông kết hôn với Mona Fong, một cựu ca sĩ và diễn viên và sống với nhau tới nay. Ông có 4 người con còn sống, đều từ cuộc hôn nhân đầu tiên. Hai người con trai Shaw Vee Meng và Shaw Harold Vee Chung từng tham gia trong hoạt động kinh doanh của gia đình, nhưng rồi mối quan hệ của họ với cha trở nên căng thẳng. Hai người con gái là Dorothy và Violet.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-1-2014)

Run Run Shaw-studio-03

Ông Run Run Shaw. Ông Run Run Shaw với các diễn viên tại phim trường. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks)

131119-phphuoc-nvidia-siggraph-hongkong-068_resize

PHP mém trở thành lính của ông Shaw trong lần qua Hong Kong hồi trung tuần tháng 11-2013.