Chuyện dài Flappy Bird: Nintendo nói mình không than phiền, nhưng lại xuất hiện chú chim “Piou Piou vs. Cactus”
Trên trang điện tử của mình sáng 10-2-2014, nhật báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ) cho biết đã nhận được một e-mail của hãng game Nintendo có liên quan tới game di động đang gây náo động cộng đồng di động Flappy Bird. Trong thư này, Yasuhiro Minagawa, người phát ngôn của “ông lớn videogame” Nhật Bản, một lần nữa khẳng định như những tuyên bố trước đó của Nintendo là hãng không hề than phiền điều gì về những sự giống nhau (similarity) của Flappy Bird so với game Super Mario Bros. gốc của Nintendo. “Trong khi chúng tôi thường không có ý kiến về những tin đồn và những nghi vấn, chúng tôi đã bác bỏ nghi vấn này,” – ông Minagawa viết. Điều nghi vấn mà người phát ngôn của Nintendo ám chỉ là tin đồn hãng này có thể khởi kiện Nguyễn Hà Đông, tác giả của Flappy Bird, về tội vi phạm bản quyền.
Báo WSJ cho biết bản tiếng Anh Tuoi Tre News của báo Tuổi Trẻ ngày 10-2-2014 có dẫn lời một nhà quan sát công nghệ trong nước nói rằng Hà Đông có thể đương đầu với một vụ kiện bản quyền về đồ họa trong game của mình, khi cả hai ống nước đều có hình dạng giống như trong game của Nintendo.
Trong khi đó, trên tài khoản Twitter của mình hồi 2 giờ sáng 9-2, sau khi thông báo quyết định gỡ game Flappy Bird xuống khỏi các dịch vụ App Store và Google Play, Hà Đông khẳng định: “Chẳng có chuyện gì liên quan tới các vấn đề pháp lý cả. Tôi chỉ không thể giữ nó nữa.” Anh cũng tuyên bố : “Tôi cũng không bán Flappy Bird, xin đừng hỏi.”
Tác giả Nguyễn Hà Đông. (Ảnh trên báo New York Post 10-2-2014)
Trước đó, trong cuộc trả lời phóng viên báo điện tử VnExpress, Hà Đông cho biết anh đã nhận được nhiều e-mail từ những nhà phát triển nước ngoài cáo buộc anh sao chép nhiều yếu tố từ các ứng dụng của họ. Đông phân bua rằng anh không hề biết gì về những ứng dụng đó trước khi họ liên lạc với anh. Theo VnExpress, tác giả khẳng định: “Game này hoàn toàn do tôi viết và tôi không sao chép nó từ bất cứ ai.”
Về lý do quyết định gỡ Flappy Bird xuống từ sáng 10-2 cho dù nó vẫn đang đứng số 1 trên bảng ứng dụng miễn phí của cả hai cửa hàng ứng dụng App Store (cho thiết bị iOS) và Google Play (cho thiết bị Android), có hơn 60 triệu lượt tải về, Hà Đông nói rằng anh chịu áp lực quá nặng từ dư luận và truyền thông. Hà Đông thú nhận rằng trước đó mình không hề nghĩ rằng Flappy Bird lại được cả thế giới yêu thích như vậy, và sự nổi tiếng đột ngột đã gây khó khăn cho anh. “Sự nổi tiếng sẽ làm rối tung cuộc sống của bất cứ ai. Tôi chỉ muốn an bình để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của một nhà phát triển ứng dụng.”
Một bạn có nickname “jigglybean” sáng sớm 11-2 viết ý kiến trên trang công nghệ của hãng tin Anh BBC rằng: “Có một câu chuyện ẩn giấu ở đây. Chuyện của một người đơn giản viết một game đơn giản. Rồi chỉ qua một đêm, có một thành viên mạng YouTube (người đó có tới 21 triệu người đăng ký theo dõi) chơi game này, và điều này làm nó trở thành một sự nổi tiếng như cồn.” Điều này lý giải vì sao Flappy Bird đã được đưa lên App Store từ tháng 5-2013 mà tới tháng 11-2013 mới bắt đầu gây sóng gió.
Có người hỏi tôi nghĩ sao về tuyên bố của Nintendo? Tôi chú ý tới thời điểm lá thư của người phát ngôn hãng này gửi cho báo WSJ sau khi Flappy Bird đã được tác giả chủ động gỡ xuống. Và tôi đánh giá là Nintendo đã rất khôn ngoan, không muốn “truy cứu” một đối tượng không còn chính thức tồn tại, vì làm vậy có thể bị coi là “chống lại” nhiều triệu người đã chơi Flappy Bird, lợi bất cập hại. Nhưng nếu Flappy Bird vẫn còn được đưa lên các dịch vụ ứng dụng và thu lợi khổng lồ lại là chuyện khác. Cho dù là một game cũ (phát hành năm 1985), nhưng đến nay Super Mario Bros, vẫn tiếp tục có những phiên bản mới cho những hệ thiết bị mới. Có nghĩa là nó vẫn còn là một nguồn thu lợi nhuận cho Nintendo.
Nguồn ảnh minh họa: Internet. Thanks.
Trong một cuộc trả lời trang mạng công nghệ Mỹ The Verge sau khi “bỗng dưng nổi tiếng”, Hà Đông nói rằng cơ chế game này được lấy cảm hứng từ game Cheep Cheep trong Super Mario Bros. của hãng Nintendo mà anh chơi khi còn nhỏ.
Trang mạng công nghệ TechCrunch (1-2) cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn qua e-mail, Hà Đông tiết lộ mình chỉ mất 2-3 ngày để hoàn thành game Flappy Bird và đã sử dụng lại đồ họa từ những game khác (he reused artwork from other titles).
Nếu như Flappy Bird hoàn toàn vô vụ lợi, hay thậm chí có bị người khác ăn theo để thu lợi thì là chuyện khác. Còn ở đây, Hà Đông đã có chủ ý thu lợi khi viết game Flappy Bird, anh đã dành một ô phía trên màn hình cho quảng cáo. Anh cũng chẳng giấu gì khi chia sẻ với The Verge: “Tôi muốn làm một game dựa trên quảng cáo, bởi vì nó rất phổ biến trên thị trường Nhật Bản – các game mini miễn phí nhưng có quảng cáo.”
Điều gây ấn tượng nhất là trang The Verge cho biết Hà Đông tiết lộ game Flappy Bird đem lại cho mình 50.000 USD mỗi ngày từ quảng cáo. Đó là một doanh thu không hề nhỏ (chỉ cần 1 tháng là kiếm được tới 1,5 triệu USD). Tác giả không bị ai đó nhảy vào chia phần (thậm chí “đánh hội đồng”) mới là chuyện lạ.
Trong một bài viết trên trang chuyên về game GamesBeat của VentureBeat ngày 31-1-2014, Dean Takahashi, một cây bút kỳ cựu về game từng làm cho các tờ báo Mỹ Wall Street Journal và Los Angeles Times, đã viết về khả năng sinh lợi khổng lồ của tác giả game Flappy Bird. “Zynga đã trả 527 triệu USD cho nhà làm game di động NaturalMotion, tác giả của Clumsy Ninja và CSR Racing. Tôi nghe nói rằng dotGears Studios có thể được trả 600 triệu USD.” Để tăng thêm “trọng lượng”, Dean dẫn chứng Carter Thomas của Bluecloud Solutions nghĩ rằng điều này “quá tốt để là sự thật”. Nhưng Thomas lại cho rằng dotGears đã dùng phần mềm robot (bot) để kích thứ hạng Flappy Bird lên.
Việc Hà Đông đã thừa nhận mình có “xài lại” một số yếu tố từ những game khác là một điều tốt. Bởi nếu anh không nói ra, tôi cũng có thể nói rằng Flappy Bird không phải là công trình tim óc của anh 100%. Công lao chính của anh là có sáng tạo trong cách chơi và gameplay dựa trên những gì mà mình mô phỏng. Điều đó làm cho Flappy Bird trở nên độc đáo và khiến nhiều người phải nhận xét: đây là game khó chơi nhất mà họ từng gặp.
Trang mạng Destructoid.com ngày 5-2-2014 cho biết hiện có tới ít nhất là 13 phiên bản mô phỏng (clone) theo Flappy Bird, như Flappy Penguin, Floppy Bird, Flappy Angry Bird, Flappy Bird – Fly Bunny, Flappy Bird Platinum,… Nhưng nó lại chỉ rõ: bản thân Flappy Bird cũng là một bản clone của game Piou Piou vs. Cactus được phát hành năm 2011 cho cả hai hệ iOS và Android. Thậm chí game Piou Piou vs. Cactus cũng có thể được mô phỏng từ một game nào đó. Tôi đã vào Google Play tải game Piou Piou vs. Cactus của Kek/Zanorg.com về chơi thử. Game này có dung lượng lớn hơn rất nhiều (10,69MB), chủ yếu do đồ họa đẹp hơn. Phiên bản 1.0.2 đã được cập nhật ngày 6-2-2014. Và cho tới sáng 11-2-2014, game này chỉ có hơn 10.000 lượt download với 400 người xếp hạng. Chú chim Piou Piou có hình dạng na ná chú chim trong Flappy Bird và thay vì phải đối đầu với những chiếc ống nước màu xanh lá, nó phải bay tránh những thân cây xương rồng cũng màu xanh lá. Cách chơi cũng tương tự, người chơi chạm vào màn hình để giữ cho con chim bay và lên xuống né tránh những cây xương rồng, na ná như ở Flappy Bird. Tuy nhiên, game này dễ chơi hơn và không có độ “thách thức” như Flappy Bird. Nó cũng không có tính năng chia sẻ cộng đồng.
Sự giống nhau giữa hai game cách nhau 2 năm. (Nguồn ảnh minh họa: Internet. Thanks.)
Nhưng ăn theo và có thể thay thế Flappy Bird lại là game miễn phí Ironpants. Game này được đưa lên App Store ngày 27-1-2014, tức 10 ngày sau khi Flappy Bird vươn lên thứ hạng số 1 (ngày 17-1) và chỉ 2 tuần trước khi Flappy Bird bị tác giả gỡ xuống. Bản trên Google Play được đưa lên ngày 6-2-2014 (4 ngày trước khi con chim Flappy Bird hạ cánh). Ở game Ironpants, hình ảnh chú chim và cách chơi cũng tương tự Flappy Bird, nhưng thay cho những chiếc ống nước giống như của Mario là những cây cột đá. Dung lượng game lớn hơn rất nhiều, phiên bản Android tới 10,84MB. Tới trưa 11-2-2014, game này có hơn 1 triệu lượt tải và có 20.403 người đánh giá, đang có điểm 3/5 sao. Game này cũng có những tính năng chia sẻ trên mạng xã hội như Twitter, và chơi cũng khá “khó chịu”, nhưng con chim bay nặng nề chứ không mượt mà và nhạy như Flappy Bird.
Game Flappy Bird và game có thể thay thế Ironpants. (Nguồn ảnh minh họa: Internet. Thanks.)
Với câu hỏi liệu Flappy Bird có thể tái xuất giang hồ không? Trang Techcrunch nói rằng hoàn toàn khả thi. Với Google Play, việc này đơn giản hơn, còn ở App Store thì có phần phức tạp, tùy thuộc vào cách trước đó game này đã được gỡ xuống ra sao. Nếu như trọn gói ứng dụng (app package) được gỡ bỏ hoàn toàn khỏi iTunes Connect, tác giả cần đăng ký lại (resubmit) và chờ Apple phê chuẩn. Nhưng lúc đó ứng dụng coi như mới được đưa lên, mất hết số lượng download và các review cũ. Còn nếu tác giả chỉ tắt việc truy cập ứng dụng ở từng nước, việc khôi phục đơn giản chỉ là đánh dấu vào vài hộp checkbox.
Bất luận hiểu theo cách nào, tôi vẫn mê Flappy Bird hơn các game tương tự. Không phải chỉ vì tác giả là một người Việt trẻ tuổi có nhiều tiềm năng phát triển, mà chính là bản thân game chơi rất đã! Nếu không thì làm gì nó được xếp thứ 1 trên App Store và Google Play. Hà Đông quả thật là một tài năng, bây giờ tài năng đó đã hết còn nằm trong lá ủ, anh cần được mọi người tiếp sức, nhất là trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, đừng để anh phải “một mình chống… media” (xin mượn tựa phim truyền hình ăn khách “một mình chống mafia”).
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 11-2-2014)
Kênh truyền hình Mỹ CNN nói lời “goodbye” Flappy Bird.