Vì sao xem phim Hollywood xấu òm trên TV cực xịn?
Đã có không ít người hí hửng vác cả bao tải tiền đi khuân về một chiếc HDTV thế hệ mới nhất cực xịn, cực đắt với màn hình to đùng, có khi trên 100 inch, rồi sau đó than phiền rằng sao phim coi xấu òm. Họ tin tưởng vào lời quảng cáo rằng những chiếc TV đó sẽ biến phòng khách nhà bạn thành một rạp chiếu phim, cho bạn hưởng thụ trải nghiệm xem phim trên TV mà cứ tưởng mình đang xem trên màn ảnh rạp xinê. Tạp chí Wired (1-8-2014) giải thích rằng bản thân chiếc TV hay bộ phim mà bạn đang coi chẳng có gì lỗi cả. Vấn đề là ở sự không tương thích, đồng bộ giữa công nghệ quay phim và công nghệ hiển thị.
Các phim của Hollywood được quay với tốc độ chuẩn từ thời phim nhựa là 24 khung hình một giây (24fps hay 24p) – đó cũng chính là tốc độ thay đổi khung hình để mắt con người ghi nhận hình ảnh đang chuyển động. Trong khi đó, các TV thế hệ mới lại phát hình ảnh với tốc độ 60 khung hình một giây. Đó là lý do mà màn hình TV “khuyến mãi” thêm một khung hình thứ 5 cho mỗi 4 khung hình được nó hiển thị.
Thật ra, mọi chuyện là do bộ vi xử lý của các TV hiện đại với những thuật toán tinh vi đã tự tạo ra những khung hình mới “lai” giữa 2 khung hình kế cận để chèn vào hình ảnh khi hiển thị, hòng “đánh lừa” mắt người xem rằng mọi chuyển động đều liền lạc như thật sự là vậy.
Thêm một tác nhân tham gia vào chuyện này là tốc độ làm tươi (refresh rate) màn hình của những chiếc TV hiện đại được đẩy lên nhanh tới 120Hz hay 240Hz so với tốc độ làm tươi bình thường 60Hz ở màn hình LCD. Tính năng này giúp loại bỏ hiện tượng bóng ma (bóng mờ) ở các cảnh chuyển động nhanh. Với tốc độ quét hình nhanh như vậy, TV sẽ hiển thị nhiều hình ảnh mỗi giây hơn và bộ vi xử lý của nó phải sản sinh ra thêm những khung hình mới “khâu” các khung hình thật lại với nhau cho nó liền lạc. Tùy theo tốc độ quét mà TV sẽ “khuyến mãi” thêm số khung hình “tự chế” nhiều gấp 2 tới gấp 4 lần số khung hình gốc của phim. Theo tạp chí Wired, mỗi khung hình của phim 24fps sẽ được hiển thị tới 5 lần mỗi giây với tốc độ quét 120Hz và tới 10 lần mỗi giây ở tốc độ 240Hz.
Hậu quả là thay vì xem bộ phim với tốc độ chuẩn 24fps, bạn sẽ phải xem nhiều khung hình “giả” hơn là những khung hình thật. Nghĩa là phim coi trên TV màn hình lớn sẽ kém tự nhiên hơn.
Ở những TV màn hình nhỏ, ảo giác do thuật toán hiển thị này tạo ra không bị lộ liễu nên cho bạn cảm giác phim chiếu rất liền lạc. Nhưng ở những TV màn hình lớn, và nhất là khi ngồi xem ở khoảng cách quá gần, những khung hình “giả” dễ “lộ hàng”, khiến bạn có cảm giác xem phim sao mà nó kỳ kỳ.
May mắn là các TV thế hệ mới đều có thể được hiệu chỉnh lại để bạn có thể xem phim Hollywood một cách “đẹp mắt” hơn và thật hơn, đúng như quảng cáo là “xem phim trên TV giống như ở rạp xinê”. Đó là bạn điều chỉnh cường độ của chế độ “Soap Opera Effect” (tạm dịch là “hiệu ứng phim kịch”), thậm chí tắt hẳn nó đi. Đây chính là tính năng xử lý nội suy chuyển động để làm cho phim được hiển thị mượt mà hơn. Mỗi hãng TV đều đặt cho công nghệ này những cái tên riêng như Sony MotionFlow, Samsung Auto Motion Plus, LG TruMotion, Toshiba ClearFrame hoặc ClearScan, Sharp AquoMotion, … Nhưng có những công nghệ làm người này khoái, lại khiến kẻ khác quạu, và có khi “gậy ông đập lưng ông” như khi hiển thị trên những màn hình quá lớn.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 4-8-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 3-8-2014 (http://m.tuoitre.vn/)