Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Hai năm còn lại đầy khó khăn với Tổng thống Barack Obama

U.S. President Obama answers questions during news conference in the East Room of the White House in Washington

Tổng thống Barack Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 5-11-2014

 

Chỉ một ngày sau Ngày Bầu cử Election Day (4-11-2014), Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ và thủ lĩnh phe đa số mới của Thượng viện Mitch McConnell thuộc đảng Cộng hòa đã cùng hứa sẽ cố gắng tìm cách để làm việc tốt với nhau.

Với kết quả chiến thắng áp đảo của đảng Cộng hòa lần này, Cộng hòa chiếm 52 ghế (so với 45 ghế của Dân chủ) ở Thượng viện và 243 ghế (so với 179 ghế của Dân chủ) ở Hạ viện. Đảng Cộng hòa đã giành lại được quyền đa số ở Thượng viện sau 4 kỳ bầu cử liền (2006, 2008, 2010 và 2012) do Dân chủ làm chủ. Ở Hạ viện, họ đã lần thứ ba liên tiếp (2010, 2012 và 2014) nắm phe đa số.

Như vậy, 2 năm cuối nhiệm kỳ – theo thông lệ thường là thời gian để tổng thống Mỹ hoàn tất các lời hứa tranh cử và kết toán sổ sách xem mình có để lại được những di sản nào không – sẽ là thời gian cực kỳ khó khăn cho ông Obama, năm nay 53 tuổi. Các chính sách của ông chắc chắn sẽ bị Quốc hội “soi” rất kỹ và khả năng được thông qua sẽ khó khăn hơn.

Ông McConnell, 72 tuổi, sẽ từ vị trí thủ lĩnh phe thiểu số trở thành thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện từ tháng 1-2015 (do Hiến pháp quy định, Chủ tịch Thượng viện phải là Phó Tổng thống đương nhiệm). Từ đó, ông sẽ cùng Chủ tịch Hạ viện John Boehner, cũng thuộc đảng Cộng hòa, nắm quyền hoạch định các chương trình nghị sự của cả 2 viện Quốc hội Mỹ. Ông Boehner như vậy đã có 3 nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hạ viện và đây là lần đầu tiên ông làm việc với một Thượng viện cũng thuộc phe nhà.

John Boehner-Barack Obama-Mitch McConnell

Tổng thống Dân chủ Barack Obama phải chịu 2 năm giữa 2 thủ lĩnh Cộng hòa John Boehner (trái) và Mitch McConnell. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Được cái là hai đảng chính ở Mỹ chủ yếu đấu nhau về các vấn đề đối nội. Vì thế, ông Obama sẽ phải tranh thủ từ đây tới cuối năm để thực hiện ý định gỡ bỏ mối đe dọa bị trục xuất đang treo trên đầu hàng triệu người nhập cư lậu đang làm việc nhiều năm nay ở Mỹ. Quốc hội và chính phủ sẽ phải thỏa hiệp với nhau về các vấn đề thương mại và thuế. Mặc dù các nghị sĩ Cộng hòa được cho là sẽ tấn công mạnh mẽ hơn về thâm thủng ngân sách liên bang, nhưng thủ lĩnh mới McConnell khẳng định sẽ không để xảy ra sự cố đóng cửa chính phủ vì nợ công như hồi năm ngoái. Thị trường năng lượng hy vọng phe Cộng hòa sẽ có sự cải tổ về các luật lệ xuất khẩu dầu thô và khí tự nhiên, cũng như thông qua dự án xây dựng đường ống dẫn dầu thô xuyên Canada Keystone XL trị giá 8 tỷ USD.

Do hai đảng không có nhiều bất đồng về đối ngoại, có nhiều hy vọng những vấn đề như Syria, Iran, Ukraine sẽ có những đột phá. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) cũng hy vọng có những chuyển biến tích cực hơn.

Ông McConnell nói rằng: “Trong chế độ chúng ta, tổng thống đóng vai trò quan trọng nhất”, đó là người có quyền phủ quyết các dự luật hay gây sức ép các nghị sĩ thuộc đảng mình hậu thuẫn cho các thỏa hiệp. Tổng thống Obama cũng ý thức được điều đó, nên nói rằng: “Quốc hội sẽ thông qua một số dự luật mà tôi không thể ký. Tôi xin nói chắc rằng tôi sẽ có một số hành động mà một số vị ở Quốc hội sẽ không thích.”

Ông Obama không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên lâm vào tình cảnh cả 2 viện đều là của đảng đối lập. George H.W. Bush (Cha) của Cộng hòa toàn nhiệm kỳ 4 năm phải sống với 2 viện đều nằm trong tay đảng Dân chủ. Kế nhiệm là ông Bill Clinton của Dân chủ chỉ có năm đầu tiên là có Hạ viện do đảng mình nắm, 7 năm còn lại phải đương đầu với 2 viện do đảng Cộng hòa làm chủ. Tới ông George W. Bush (Con) của Cộng hòa sau 4 năm giữa có 2 viện đều của đảng mình, 2 năm cuối gió xoay chiều khiến 2 viện đều rơi vào tay Dân chủ. Còn ông Obama của Dân chủ chỉ có năm đầu tiên có Hạ viện thuộc đảng mình nhưng có tới 6 năm được hậu thuẫn của Thượng viện do đảng Dân chủ làm chủ. Và 2 năm cuối, cả hai viện đều nằm trong tay Cộng hòa.

Bất luận ông chằng bà chuộc ra sao, đảng nào ở Mỹ cũng phải phục vụ nước Mỹ, đặt quyền lợi người dân Mỹ lên trên hết. Thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vừa qua phần nào cũng là hậu quả của 6 năm Tổng thống đã qua của ông Obama. Đặc biệt trong 2 năm tới, cả 2 đảng đều phải chạy đua nước rút lấy lòng cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Đảng nào cũng sợ bị cử tri tính số.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 7-11-2014)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM 7-11-2014