Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Đã xài “dế” thì không lái xe….

woman driving and texting on cell phone about to hit a man on a bicycle.

woman driving and texting on cell phone about to hit a man on a bicycle.

 

Đi xe trên những con đường nội ô hay ngoại thành, bạn thường nhìn thấy những tấm bảng tuyên truyền an toàn giao thông như “Đã uống bia rượu thì không lái xe”. Tôi nghĩ bụng, biết đâu chừng mai kia mốt nọ sẽ xuất hiện bên cạnh đó những tấm bảng ghi “Gọi điện thoại thì không lái xe”. Sao lại lôi “em dế” vào đây mà còn cho chung chạ với Thần Lưu Linh nữa hả?

Thiệt ra cả hai món này đều có thể gây ảnh hưởng tới sự tập trung của người đang lái xe. Rượu bia thì miễn bàn, vì quá nhiều bằng chứng nhãn tiền. Còn điện thoại di động, bao gồm cả điện thoại cơ bản (feature phone) lẫn điện thoại thông minh (smartphone), cũng tác hại không kém. Liệu bạn có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào tay lái khi vừa lái xe, vừa tám trên điện thoại (kể cả xài tai nghe bluetooth cũng vậy, dù đỡ hơn là tay thoại, tay lái), hay nhắn tin trên điện thoại? Thậm chí nói cho các thần dân di động nghe mà không sợ bị nổi quạu là điện thoại di động còn có tiềm năng gây hại sâu rộng hơn cả rượu bia kìa. Bởi đâu phải ai cũng uống rượu bia – đặc biệt là giới nữ, trong khi ngày nay hiếm có ai không xài điện thoại di động. Nếu kết hợp cả bia rượu với điện thoại lại với nhau, người lái xe càng có thêm nhiều cơ hội sớm tới một trong 3 “điểm đến kinh hoàng”: Bệnh viện Chợ Rẫy, trại giam Chí Hòa, hay lò hỏa táng Bình Hưng Hòa, nhiều khi còn cả 2-in-1 nữa kìa.

Trang tin Digital Trends (5-6-2015) đưa tin: cô nàng 23 tuổi Mitzi Nelson vừa bị Quan tòa Stewart McDonald ở thành phố St. Johns (bang Michigan, Mỹ) phán quyết cấm sở hữu hay xài điện thoại di động trong thời gian 2 năm. Đây là một hình phạt bổ sung cho bản án bị ngồi tù ở mức tối thiểu là 90 ngày và làm 150 giờ lao động công ích mà Mitzi phải chịu cho vụ tai nạn giao thông mà cô gây ra giết chết một người chạy xe đạp hồi tháng 9-2014.

Lúc đó, nạn nhân nữ 35 tuổi Jill Byelich đang chạy xe đạp ở bên phải đường và có đội nón bảo hiểm và mặc áo khoác có phản quang. Mitzi đã lạc tay lái tông xe hơi của mình vào nạn nhân do bị mất tập trung trong khi cô ta đang sử dụng điện thoại di động.

Chưa hết, Mitzi còn phải nộp phạt 1.500 USD và bồi thường cho gia đình nạn nhân 15.600 USD. Cô cũng đã bị bang Michigan treo giấy phép lái xe đúng một năm (ở Mỹ mà không có giấy phép lái xe thì cũng giống như bị cưa cái cẳng). Ngoài ra, cô còn phải phát biểu công khai về những mối nguy hiểm do lái xe mà thiếu tập trung tại 20 lớp dạy lái xe.

Thiệt ra, đây là mức án nhẹ nhất vì Mitzi được bồi thẩm đoàn xét là chỉ phạm tội nhẹ.

Về cái bản án khác thường là cấm điện thoại này, quan tòa đã đồng ý với yêu cầu đặc biệt từ Jordan Byelich, chồng của nạn nhân. Thẩm phán McDonald giải thích quyết định của mình: “Tôi không nghĩ cô ấy có quyền có một chiếc điện thoại di động. Tôi nghĩ nó sẽ là một đặc ân.” Dĩ nhiên, ai cũng biết việc giám sát xem Mitzi có tuân thủ lệnh cấm xài điện thoại này rất khó khăn. Khó ai tin rằng một người trẻ sống trong thời đại này mà có thể thiếu vắng chiếc điện thoại di động, dù trong ít ngày, huống gì tới 2 năm dài như hai thế kỷ. Hên xui thôi. Theo lý thuyết, cán bộ giám sát việc thi hành án của Mitzi có thể kiểm tra trên các mạng truyền thông xã hội xem cô có post gì lên đó bằng smartphone không (vì thường các post này có dán nhãn khi dùng smartphone).

Cũng hên cho Mitzi là cô gặp được một ông chồng nạn nhân biết điều và có lòng trắc ẩn. Trong bữa tòa tuyên án Mitzi, Jordan đã tha thứ cho cô, nói với tòa rằng ông tin cô thật sự đã hối hận về việc gây ra cái chết cho vợ ông, và thậm chí trước tòa, ông đã ôm người tông xe giết chết vợ mình. Về phần Mitzi, luật sư của cô nói với báo chí rằng thân chủ của mình không muốn kháng cáo và không có ý định sẽ vi phạm lệnh cấm xài di động.

Vụ án Mitzi chỉ là một trong những trường hợp mới nhất của những vụ tai nạn giao thông có liên quan tới việc vừa lái xe, vừa xài điện thoại di động.

Ngày càng có thêm nhiều bang ở Mỹ ban hành lệnh cấm sử dụng thiết bị di động trong khi đang lái xe với những mức phạt nặng nề. Còn nhớ ngày 1-10-2013, khi đang ở miền Đông Bắc nước Mỹ, tôi đã chứng kiến cảnh bang Maryland cho chạy trên các bảng báo quang học dọc các high-way thông báo kể từ ngày đó bang bắt đầu xử phạt người xài di động trong khi đang lái xe. Điều này không làm hài lòng giới trẻ, những người quen sử dụng bản đồ dẫn đường bằng smartphone chứ không khoái những thiết bị GPS gắn trên xe. Cảnh sát giao thông cũng gặp khó khăn khi có những người vi phạm cãi là mình chỉ ngó bản đồ trên smartphone thôi. Nhưng thật ra, hành vi cần phải xử phạt chính là “chia trí khi lái xe” hay “không tập trung khi cầm lái” (distracted driving). Ông David Scribner, người ngồi ghế Dân biểu bang Connecticut (Mỹ) liên tiếp 8 nhiệm kỳ, viết trên website của mình rằng: hành vi không tập trung khi lái xe “hoàn toàn có thể ngăn ngừa được và trong nhiều cách thậm chí nó còn nguy hiểm hơn là hành vi lái xe khi say rượu”. Năm 2012, một người đang đi bộ tại thành phố Norwalk đã bị xe tông chết bởi một nữ sinh trung học vừa lái xe, vừa lướt Web trên smartphone.

Bang Connecticut bắt đầu áp dụng Luật Công cộng số 13-271 từ ngày 1-7-2013 sau nhiều năm cảnh sát than phiền rằng người lái xe vẫn phớt tỉnh trước những lời khuyến cáo bằng lời nói hay in ra kêu gọi tập trung khi lái xe. Luật này cấm các người đang điều khiển xe trên đường mà sử dụng các thiết bị di động cầm tay. Mức phạt là 150 USD (lần đầu), 300 USD (lần thứ hai) và 500 USD (lần thứ ba). Tất cả các vụ vi phạm này đều được lưu vào hồ sơ cá nhân của người vi phạm và bị trừ điểm an toàn. Đây chính là điều mà dân Mỹ sợ nhất, vì mất điểm an toàn có nghĩa là tiền đóng bảo hiểm tăng lên và khi bị trừ hết điểm sẽ bị tước giấy phép lái xe. Ông John Troxell, cảnh sát trưởng thị trấn Weston (bang Connecticut), chia sẻ: khi lái xe, ông chuyển điện thoại sang chế độ rung và để vào hộp để bao tay. Nếu cần trả lời một cuộc gọi nào, ông tấp xe vào lề và dừng lại.

Bất luận thế nào, an toàn cho người trên xe và trên đường vẫn là quan trọng tối thượng. Vậy nên, “đã xài dế thì không lái xe”.

 

Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Điều 30, khoản 3, điểm c quy định: Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định mức phạt như sau:

– Điều 6, khoản 1, điểm h: Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện), các loại xe tương tự xe mô tô và xe gắn máy có hành vi sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; người ngồi trên xe sử dụng ô.

– Điều 8, khoản 1, điểm h: Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng, đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ sử dụng ô, điện thoại di động.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-6-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 21-6-2015

150621-bao-phapluattphcm-01_resize