Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Chuyện như cổ tích thế kỷ 21 về sếp

boss-vs-leader-08

Một cô bạn quê xứ Ngàn Thông vừa viết một status khá dài trên trang Facebook cá nhân tâm tình về các sếp của mình. Nhưng sau đó, chẳng biết nghĩ sao, cô đã cho ẩn đi post này. Tôi bèn “thắc mắc biết hỏi ai” thì được cô cho biết: cô sợ mọi người, đặc biệt là các sếp của mình, nghĩ là cô “nịnh”. Rồi cô chia sẻ, ở công ty cô có cái quy ước bất thành văn hơi bị khác thường: “nói xấu công khai, nói tốt sau lưng”. Tôi có đùa rằng: “nói xấu công khai sau khi đã email xin phép, nói tốt sau lưng rồi message thông báo”.

Tôi hiểu cô bạn ngại vì chuyện này thiệt là tế nhị. Không phải chỉ có cô lo bị nói là “nịnh bợ”, mà có khi mấy sếp cũng khó xử vì từ nay nếu quan tâm tới cô lại e có người nói là “sủng ái nịnh thần”. Kiểu nào cũng kẹt. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu mấy sếp lại để cho mình bị lấn cấn bởi ba cái lẻ tẻ như vậy thì rõ là họ không phải là những người sếp mà cô bạn tôi nói tới một cách đầm đìa tình thương mến thương.

Nhưng những gì cô bạn kể về các sếp của mình đã làm tôi khoái thiệt là khoái. Thời nào cũng vậy, huống cho là giữa thời buổi nhiễu nhương, rối tung, nhiều giá trị cuộc sống bị đảo lộn tùng phèo, việc đi làm kiếm sống mà may mắn lọt được vào một đơn vị có các sếp quá tốt – xứng đáng là “bề trên” – thì quả là hiếm có. Tôi thiệt sự tìm được trong câu chuyện của cô bạn sự đồng cảm từ cả hai phía sếp và nhân viên, bởi tôi đều từng trải nghiệm cả hai đầu cầu.

Tôi cũng là một người bạn của mấy sếp mà cô bạn sau một năm làm việc dưới trướng đã không thể kiềm hãm cái sự sung sướng đó lại mà phải “giải tỏa” nó ra. Vì thế tôi hiểu những gì cô bạn tâm tình là thực tế như vậy. Bà sếp lớn nhất chi nhánh Việt Nam của công ty truyền thông quốc tế này là một trong những người làm agency dễ thương nhứt mà tôi từng gặp. Chuyên nghiệp, chu đáo, tình cảm và tùm lum tà la cái tốt đẹp. Mà hình như cái thuộc tính chuyên nghiệp nó vận vào đời của nàng từ bẩm sinh.

Tôi xin chia sẻ tâm sự của cô bạn như một niềm vui mừng cho cái số đỏ của cô, đồng thời như một lời nhắn gửi tới 1001 vị sếp lớn sếp nhỏ chung quanh mình. Người ta đi làm trước hết là vì miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình. Chuyện hoài bão. lý tưởng lạ hạ hồi phân giải. Ngoài xã hội, có khi ở gia đình, người ta đã chịu quá nhiều căng thẳng rồi, hà cớ gì lại gây thêm căng thẳng cho họ ở cơ quan nữa. Sẽ tốt đẹp biết bao cho tất cả khi người lao động coi nơi mình làm việc là mái nhà thứ hai, là nơi hàng ngày mình hào hứng đến chung tâm sức xây dựng tương lai bền vững và tốt đẹp. Sẽ tốt đẹp biết bao nếu các vị sếp nhỏ sếp lớn hiểu được và thực hiện được chân lý rằng nhân viên là người cộng sự chứ không phải kẻ làm thuê cho mình. Phải sòng phẳng và thực tế để nhìn nhận rằng nhân viên chỉ làm thuê cho công ty chớ không phải làm thuê cho bất cứ vị sếp nào. Bản thân các vị sếp cũng chỉ là những người làm thuê cho công ty ở cấp cao hơn mà thôi. Sếp là boss với công ty (trong chức trách đứng đầu một đơn vị) nhưng là leader (người lãnh đạo, người đi đầu) đối với mọi người trực thuộc. Sếp là 2-in-1 trong sếp (boss) có lãnh đạo (leader) và ngược lại.

Đây phải là một mối quan hệ hỗ tương qua lại mang tính nhân quả. Người lao động phải coi mình là một thành viên thật sự, coi chuyện công ty như chuyện nhà mình, hiểu rằng công ty có tồn tại và phát triển thì tương lai của họ mới được bảo đảm. Công ty cũng phải hiểu rằng sự thành công của mình chủ yếu bởi công sức của người lao động.

Và bây giờ, sau những lời dẫn chuyện dài lòng thòng của một kẻ nhiều chuyện, tôi xin mời các bạn bắt đầu nghe cô bạn tôi thỏ thẻ về các sếp của mình.

CHUYỆN VỀ SẾP TUI

Tui nói thiệt nhen, khi đi làm, tất nhiên ai cũng phải cố gắng làm thiệt tốt nhiệm vụ của mình. Nếu có thêm tài năng thì tất nhiên tuyệt vời. Còn tui, ý thức được rằng mình cái gì cũng thường thường bậc trung, chẳng tài cán gì hết, nên tui luôn cố gắng cặm cụi làm phần mình cho tốt nhất, hết sức có thể. Và tới giờ tui vẫn đi làm, chưa bị đuổi.

Nhưng mà, cái này nè, không phải muốn là có: đi làm gặp sếp có tâm và có tầm.

Tui nghĩ số lượng người đứng đầu giống các sếp tui không có nhiều. Cái xã hội này, công ty này cung cấp dịch vụ cho công ty nọ và là khách hàng của công ty kia nữa. Bản thân công ty tui cũng cung cấp dịch vụ cho một số đối tượng nhất định. Nhưng mà sếp tui thấy thương lắm, làm kinh tế nhưng cái gì cũng nghĩ cho khách hàng, nghĩ cho những người liên quan, cho nhân viên.

Sếp tui có bị nhân viên hỏi 1.000 câu hỏi cũng chả thấy phiền gì hết. Nhiều lúc miệng vừa giải thích, tay vừa gõ luôn, giải thích xong thì cũng xong luôn cái email hay cái báo cáo. Mà đó, sếp tui là vậy đó, hay lam hay làm cực kỳ. Tụi tui sáng nào cũng phải đọc cả chồng báo. Tui thì đọc xong lại hay bày bừa ra bàn, sếp tui sang thấy, lại cằn nhằn sao em đọc xong không xếp gọn lại hay để lên chồng báo cũ á, để tùm lum vầy mà em chịu được hả, etc etc. Vừa nói mà sếp tui vừa quơ tay xếp lại đống báo đâu ra đó. Sếp nói xong cũng là lúc chồng báo của tui nằm gọn gàng hết biết, tạp chí về công nghệ thông tin (tui chịu trách nhiệm đọc mớ báo này), sếp để lại vì đa số là báo tháng, còn lại, sếp úp gọn gàng lên tủ báo cũ. Nói chứ sau này tui cũng cố gắng xếp báo chí gọn gàng chứ không thể để sếp la hoài được, hehe.

Khi tui xin về sớm buổi chiều thứ Sáu để bắt xe về Đà Lạt, sếp tui hỏi khi nào tui xuống, tui nói tối Chủ nhật, thì sếp tui hỏi sao không ở lại thêm 1-2 ngày, nhờ mọi người giúp cho phần công việc, đâu phải lúc nào cũng có dịp về đâu.

Tui xin nghỉ phép, có khi sếp lại hỏi “ủa nghỉ ít vậy?”, và sếp tui rất hạn chế việc nhắn tin, gọi điện cho nhân viên dịp cuối tuần hay vào kỳ nghỉ phép, mà nếu phải gọi cũng “say sorry” cực kỳ lịch sự.

Đi hội nghị, họp báo, lúc nào sếp tui cũng nghĩ coi món đó mọi người ăn có hạp không, liệu có thích không, có thoải mái không, có phức tạp chút, sếp tui cũng không nề hà gì, miễn mọi người vui vẻ. Mấy đợt vậy, sếp tui cũng hết mức tạo điều kiện cho nhân viên mới cùng đi phụ việc. Nói phụ việc cho oai, chứ thiệt ra tụi tui toàn quấn chân sếp, sai đâu làm đó chứ có biết gì đâu, một mình sếp cáng đáng hết, chỉ để tụi tui quen dần với công việc. Mà đi công tác với sếp, được sếp lo cho cho đủ thứ từ ăn uống, đồ dùng cá nhân, thiếu gì lại thỏ thẻ hỏi, thế nào sếp cũng có. Dần dần tụi tui quen việc thì sếp nhiều lúc lại để tụi tui làm hậu cần, lại cho các em nhân viên mới đi để làm quen việc.

Công ty đi chơi, sếp tui tới gần giờ là lo nhắn tin, gọi mọi người tập hợp cho lẹ, cho gọn. Phải nói đi đâu có sếp tui là yên tâm hết mức. Sếp tui còn chỉ cho tui mấy loại mỹ phẩm cho làn da dầu thấy ớn của tui nữa, và tui đã “bắt” được một loại vô cùng hạp với tui.

Chuyện về mấy sếp của tui thì nhiều lắm, nhưng tui xin dừng ở đây đặng bữa sau còn chuyện kể tiếp.
Còn bây giờ tui đi làm nốt cái bản kế hoạch lúc chiều tui chưa hoàn thành đây.

Tới đây là hết chuyện kể của cô bạn tôi. Đọc chuyện tháng 12-2015 (sắp bước vào năm thứ 17 của thế kỷ 21) mà cứ như nghe chuyện cổ tích thời Alice ở xứ Thần Tiên. Sếp MC ơi, cho tui mần lính của sếp ví.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-12-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

boss-vs-leader-00 boss-vs-leader-01 boss-vs-leader-02 boss-vs-leader-03 boss-vs-leader-04 boss-vs-leader-05 boss-vs-leader-06 boss-vs-leader-07 boss-vs-leader-08