Thứ Hai ngày 30 tháng 12 năm 2024

Bỏ Tết ta hay nghĩ cách ăn Tết tốt đẹp hơn?

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-175_resize

 

Hôm Chủ nhật rồi (21-2-2016), trên một tờ báo ở TP.HCM, một vị tiến sĩ kinh tế nổi tiếng đã đưa ra ý kiến cá nhân là nên tính tới phương án gộp Tết ta vào Tết tây như người Nhật từng làm. Vốn là nhà kinh tế, ông thận trọng nói là cần phải có những thống kê cẩn thận về các ảnh hưởng của Tết ta với xã hội và cuộc sống con người, cũng như cần phải có phương án cực kỳ cẩn thận và tỉ mỉ.

Những nguyên nhân mà vị tiến sĩ này đưa ra để phải tính tới chuyện “xóa sổ” Tết ta theo truyền thống ngàn năm nay là sự ảnh hưởng xấu của nó tới thái độ làm việc, năng suất làm việc của người lao động. Bên cạnh đó là những tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tệ hại trong dịp Tết.

Theo thiển ý của tôi, vị tiến sĩ này chỉ nhìn vấn đề dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế. Và ông cũng không phải là người đầu tiên hay cuối cùng nghĩ tới chuyện phải cho ngày Tết ta cổ truyền của dân tộc “đi theo ông bà ông vãi” (!).

Chỉ có điều, có lẽ rất nhiều người hiểu rõ bản chất của vấn đề. Tết ta hoàn toàn không có tội khi xã hội Việt xảy ra những điều bất cập như vậy. Từ ngàn đời muôn xưa cũ, người Việt mình đã ăn Tết truyền thống hàng năm mà có ảnh hưởng gì đâu. Nếu Tết là một hủ tục xấu thì chắc chắn nó đã bị “hóa mã” từ tám hoánh rồi. Vấn đề ở đây chính là con người – cụ thể là thái độ và cách con người ngày nay ăn Tết ra sao mà thôi. Ở đây phải nói tới là nhận thức và ý thức có vấn đề của không ít người Việt ngày nay. Nó là một mối dây liên hệ chằng chịt về giáo dục, văn hóa và xã hội. Mà sao không tự cật vấn rằng vì sao những năm sau này, người Việt mình ăn Tết một cách đổ đốn như vậy?

Công tâm mà nhìn nhận, quả thật Tết cổ truyền được “ăn chơi” theo kiểu hiện nay có nhiều tác hại cho tất cả. Một là nó kéo quá dài. Hai là có quá nhiều lễ hội ăn theo dịp tết. Và hai cái này có liên can với nhau.

Tết ngày nay được nghỉ quá dài. Ngày xưa, người ta chỉ nghỉ từ chiều 30 Tết cho tới hết ngày mùng 2 hay mùng 3 Tết. Sau đó mọi chuyện trở lại bình thường. Bây giờ, ngay cả nhà nước còn ủng hộ về tâm lý và pháp lý cho người dân nghỉ Tết dài lâu. Như hai Tết gần đây nhầt là Ất Mùi và Bính Thân được nghỉ tới 9 ngày. Có lẽ chưa bao giờ cái câu ca dao “tháng Giêng là tháng ăn chơi” được hiện thực rõ như ngày nay. Trước Tết cả tuần, thậm chí bắt đầu vào 20 tháng Chạp là ngoại trừ ai có kính doanh dịp Tết thì không nói, còn thì ở mọi cơ quan, doanh nghiệp, chuyện công việc chỉ là cầm chừng, chủ đề của mọi người chính là chuẩn bị Tết. Sau Tết kéo dài tới sau rằm tháng Giêng là hội hè, cúng lễ đình chùa. Việc kéo quá dài ngày nghỉ Tết như vậy lợi bất cập hại. Năng suất lao động của ta vốn đã rất thấp mà còn nghỉ quá nhiều. Trong thời đại hội nhập quốc tế, việc kéo dài ngày nghỉ Tết của riêng mình gây ảnh hưởng rất lớn trong hoạt động giao dịch, giao thương quốc tế, khiến ta dễ bị lỡ nhịp và lỡ thời cơ với quốc tế. Các nhà đầu tư nước ngoài, các hãng quốc tế có quan hệ làm ăn và có cơ sở, văn phòng ở Việt Nam quả là sợ vãi linh hồn khi Việt Nam nghỉ Tết quá lâu trong khi mọi hoạt động chung toàn cầu của họ vẫn tiếp diễn.

Cũng chưa bao giờ Việt Nam có nhiều lễ hội với danh xưng dân gian như hiện nay. Cao trào phục hồi lễ hội hừng hực khắp thôn làng, người ta có, mình cũng phải có kẻo bị thua thiệt về…. văn hóa. Ước tính có hơn 8.000 lễ hội trên khắp cả nước, trong đó đa phần tập trung trong tháng Giêng. Tôi không có ý xúc phạm tới niềm tin tâm linh và nỗi tự hào nguồn cội cá nhân của mọi người, nhưng hàng ngàn lễ hội đáng buồn đang làm cho thời gian nghỉ Tết bị kéo dài thêm gây tốn thời gian và lãng phí tiền của.

Tết chỉ là cái cớ và chính thời gian nghỉ Tết quá dài lại là điều kiện để các tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông thêm nghiêm trọng hơn.

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt không phải chỉ đơn thuần là một dịp để nghỉ ngơi và ăn chơi. Lễ Tết lớn nhất và quan trọng nhất này là một ý niệm về tâm linh và về cội nguồn dân tộc. Tôi nghĩ rằng: Tết cổ truyền còn, dân tộc Việt còn. Trong quá trình phát triển (kể cả nhân danh hiện đại hóa), người ta đã xóa sổ quá nhiều những dấu ấn, di tích lịch sử và dân tộc chân chính. Với Tết cổ truyền của người Việt, tôi xin mượn câu thơ 356 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du mà rằng: “Của tin gọi một chút này làm ghi.” Theo tôi, vấn đề mà cả xã hội người Việt ngày nay cần phải chung tâm góp trí là nghĩ coi làm thế nào để ăn Tết cổ truyền một cách hợp tình hợp lý nhất, vừa bảo đảm gìn giữ được một di sản văn hóa dân tộc, vừa phù hợp với thực tế hiện đại phát triển. Nói nôm na là nghĩ cách để ăn Tết chứ không phải tìm cách để xóa bỏ Tết!

PHẠM HỒNG PHƯỚC   

+ Có thể đọc bản đăng trên báo Tuổi Trẻ Online ngày 26-2-2016