Thứ Sáu ngày 03 tháng 1 năm 2025

Bùng nổ cuộc chiến quốc tế chống khủng bố Hồi giáo ở Tây Phi

 

Cuộc xung đột vũ trang ở Mali không còn là một cuộc nội chiến mà đã trở thành một cuộc chiến quốc tế chống lại khủng bố Hồi giáo ở Tây Phi.

Ngày 13-1-2013, các máy bay của Pháp đã tiếp tục ném bom thành phố Gao ở miền bắc Mali với mục tiêu là sân bay và các trại huấn luyện của lực lượng phiến quân Hồi giáo cực đoan có liên hệ với hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda. Pháp đã tung vào Mali các máy bay phản lực và trực thăng chiến đấu tham chiến tại ít nhất 4 thành phố miền bắc. Ngày 11-1 khoảng 550 lính thủy quân lục chiến Pháp cũng đã được điều từ Chad sang Mali, vừa để bảo vệ các công dân và cơ sở Pháp, vừa cảnh cáo phiến quân.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết: cuộc can thiệp quân sự từ ngày 11-1-2013 nhằm giành lại phần lãnh thổ đã bị phiến quân Hồi giáo được vũ trang hùng hậu chiếm sau cuộc đảo chính ở Mali hồi tháng 3-2012. Hành động của Pháp đã nhận được sự hậu thuẫn của Anh, Đan Mạch và những nước châu Âu khác. Mỹ đã cung cấp phương tiện liên lạc và vận chuyển. Mỹ đề nghị đưa máy bay không người lái (drone) tới Mali và đang xem xét các biện pháp trợ lực khác như chia sẻ thông tin và hỗ trợ máy bay tiếp nhiên liệu trên không cho các chiến đấu cơ Pháp. Thủ tướng Anh David Cameron đã đồng ý gứi máy bay tới Mali giúp vận chuyển quân.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra lệnh thực hiện chiến dịch quân sự có mật danh là “Serval” (tên một loài mèo rừng ở vùng Hạ Sahara) sau khi thấy rõ lực lượng phiến quân có thể đánh chiếm Mopti, thành phố tiền tiêu đang do chính phủ Mali kiểm soát và là nơi tập trung đông lính Mali nhất. Bộ Quốc phòng Pháp cho biết Pháp không còn sự lựa chọn nào khác.

Ngày 12-1, tổ chức các nước Tây Phi ECOWAS gồm 15 nước cũng đã tuyên bố đưa quân vào giúp chính phủ Mali, mỗi nước Niger, Burkina Faso, Senegal, Nigeria sẽ góp ít nhất 500 quân. Lực lượng quân Tây Phi khoảng 2.000 quân này sẽ hoạt động bên cạnh lực lượng đặc nhiệm Pháp.

Binh lính Mali đang huấn luyện.

Sau hơn 2 thập niên bầu cử hòa bình, Mali nổi tiếng ở châu Phi về dân chủ. Nhưng hồi tháng 3-2012, một cuộc đảo chính quân sự do một nhóm binh lính bất mãn thực hiện lật đổ Tổng thống Amadou Toumani Toure đã khiến nước Tây Phi này rơi vào một khoảng trống quyền lực, tạo thời cơ cho phiến quân Hồi giáo nổi lên kiểm soát một nửa miền bắc. Do đất nước hầu như không có người lãnh đạo, binh lính Mali đã đầu hàng hay tháo chạy khi phiến quân tới.

Các cư dân ở các khu vực do phiến quân kiểm soát cho biết luật Hồi giáo nghiêm khắc đã được áp dụng. Cảnh sát Hồi giáo đã thực hiện nhiều hình thức trừng phạt kinh hoàng, như đánh bằng roi da và chặt tay kẻ trộm cắp.

Cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài này cũng có mặt tiêu cực là tăng thêm số thương vong cho dân thường. Thị trưởng Konna, thành phố đầu tiên bị máy bay Pháp ném bom hồi cuối tuần qua, có ít nhất 11 dân thường đã bị chết, trong đó có 3 trẻ em bị chết đuối khi nhảy xuống sông tránh bom.

Pháp cũng đang lo ngại cho sự an toàn của các công dân Pháp ở Mali và các nước láng giềng mà hầu hết là những nước Hồi giáo (có khoảng 30.000 dân Pháp sống ở đây). Pháp đã khuyến cáo 6.000 công dân nước mình rời khỏi Mali sau khi những người phát ngôn của lực lượng phiến quân Ansar Dine và AQIM (chi nhánh Bắc Phi của al-Qaeda) tuyên bố sẽ báo thù. Đặc biệt nguy hiểm là 8 con tin Pháp đang bị các đồng minh của al-Qaeda ở Sahara cầm giữ.

Các tay súng của nhóm Ansar Dine ở miền bắc Mali.

Nhờ có máy bay Pháp ném bom dọn đường, quân đội Mali đã tiến chiếm lại thành phố chiến lược Konna, giết chết hơn 100 phiến quân. Konna bị rơi vào tay phiến quân ngày 10-1 và ngay hôm sau đã bị Pháp ném bom.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng địa thế của miền bắc Mali rất hiểm trở và có nhiều điều kiện cho phiến quân cố thủ. Phiến quân lại được trang bị hùng hậu. Một trực thăng chiến đấu của Pháp đã bị phiến quân bắn hạ, giết chết một phi công Pháp.

Pháp đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sớm họp để thảo luận về tình hình mới ở Mali. Mặc dù đã tham chiến ở Mali, Pháp vẫn cần có sự “danh chính ngôn thuận”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 15-1-2013)

MỘT SỐ HÌNH ẢNH LÍNH PHÁP CHUẨN BỊ SANG MALI VÀ MÁY BAY PHÁP THỰC HIỆN CÁC PHI VỤ OANH KÍCH Ở MIỀN BẮC MALI

(Nguồn ảnh: Internet. Từ các hãng tin nước ngoài).

Lính Pháp ở Chad chuẩn bị bom đạn cho các phi vụ oanh kích miền bắc Mali.

Chiến đấu cơ của Pháp đang được tiếp nhiên liệu trên không trong khi thực hiện phi vụ oanh kích ở miền bắc Mali.

Binh lính Pháp trấn giữ bên một xa lộ ở Markala miền trung Mali ngày 16-1-2013. (AP/Harouna Traore).

Binh lính Pháp tại căn cứ ở thủ đô Bamaka (Mali) đang chờ Tổng thống Mali, Dioncounda-Traore tới thăm. (Reuters/Joe Penney )

Binh lính Pháp tại căn cứ ở thủ đô Bamaka (Mali) đang nghe Tổng thống Mali, Dioncounda-Traore nói chuyện. (Reuters/Joe Penney )

Binh lính Pháp tại căn cứ ở thủ đô Bamaka (Mali) đang nghe Tổng thống Mali, Dioncounda-Traore nói chuyện. (Reuters/Joe Penney )

Binh lính Pháp tại thủ đô Bamaka (Mali) ngày 15-1-2013. Họ vừa tới đây ngày 11-1. (Reuters/Joe Penney )

Binh lính Pháp tại thủ đô Bamaka (Mali) ngày 15-1-2013. Họ vừa tới đây ngày 11-1. (Reuters/Joe Penney )

Binh lính Pháp tại thủ đô Bamaka (Mali) ngày 15-1-2013. Họ vừa tới đây ngày 11-1. (Reuters/Joe Penney )

 

Hai chiếc xe thiết giáp của Pháp chở quân băng qua thủ đô Bamaka (Mali) để tới thành phố Mopti ngày 15-1-2013. (AP/Jerome Delay).

Một trạm kiểm soát của binh lính Mali ở cửa ngõ Markala miền trung Mali ngày 14-1-2013. (AP/Harouna Traore).

Một trạm kiểm soát của binh lính Mali ở cửa ngõ Markala miền trung Mali ngày 14-1-2013. (AP/Harouna Traore).

VIDEO CLIPS

Mali military action intensifies

‘Mali mess a consequence of Libya revolution funded by the French’