Thứ Bảy ngày 21 tháng 12 năm 2024

Trường ca chống ngập ở TP.HCM

Một anh bạn đồng nghiệp chia sẻ tấm ảnh một thanh niên ngã xe té sấp mặt xuống đường ngập tràn nước sau mưa và hỏi rằng vì sao TP.HCM vẫn cứ ngập cho dù có cả một trung tâm chống ngập và tiêu tốn biết bao tiền cho các dự án, công trình gọi là để chống ngập.

Tôi bèn tham gia rằng: Tất cả vì ta thiếu một ủy ban giám sát trung tâm chống ngập. Nếu vẫn chưa hết ngập, ta lập thêm hội đồng kiểm tra ủy ban giám sát chống ngập. Còn nếu vẫn chưa hết ngập mà không thể thực hiện giải pháp mà ai cũng nghĩ tới, ta đành lập đề án chuyển hóa TP.HCM thành Venice Đông Nam Á.

Tất nhiên đùa chút cho giảm stress.

Tôi nghĩ, cho tới nay nhà chức trách vẫn mãi loay hoay chữa cháy phần ngọn. Hậu quả nhãn tiền là chỉ có thể chuyển cái ngập từ nơi này qua chỗ khác.

Cái cần nhất là phải tìm cho ra cái gốc của vấn nạn ngập. Có khi người ta cố tránh công khai cái nguồn gốc đó. Nó nhạy cảm và nhiều dan díu lắm. Bởi theo thiển ý của tôi, tình trạng hễ mưa là ngập ở TP.HCM chủ yếu do các quy hoạch xây dựng bất cập đã phá vỡ sự cân bằng tự nhiên cũng như quy hoạch xây dựng Saigon – Chợ Lớn – Gia Định của các nhà quy hoạch thời Pháp xưa. Nước phát sinh (mưa và nước thải) không thoát được và cũng bị cướp mất những chỗ vốn được dành để chứa. Sự quá tải về xây dựng và dân cư nhận chìm TP.HCM xuống sâu hơn.

Cho tới nay, theo tôi nghĩ thôi, có vẻ TP.HCM vẫn chưa có một nhạc trưởng quy hoạch (kiến trúc sư trưởng) đúng nghĩa, có năng lực thích hợp và có quyền hạn thực chất. Mạnh ai nấy quy hoạch và xây dựng biến TP.HCM thành một chiếc áo có quá nhiều miếng vá víu.

Và chừng nào vẫn còn như thế, ai chấp nhận sinh sống tại TP.HCM phải mặc nhiên chấp nhận chung sống cùng nước ngập. Đừng hí hửng khoe khu mình ở không bị ngập. Phải nói chính xác là…chưa bị ngập. Hên xui.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.