Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nụ Cười Sơn Cước thương nhớ mãi người đi…

 

Bài hát duy nhất mà tôi yêu thích và tôi nghe trong số lượng bài hát không phải nhiều nhặn của nhạc sĩ Tô Hải (1927-2018) là bài Nụ Cười Sơn Cước. Tôi yêu và nghe nó từ khi còn nhỏ xíu xiu ở miền Nam trước năm 1975, một thằng nhóc mê nhạc hầu như ngày nào cũng la cà những quầy bán những bản nhạc ở chợ Kiến Tường để săn những tờ nhạc mới từ Saigon gửi xe đò về, nhín tiền quà vặt để mua về đóng thành những tập bản nhạc dày cộm.

Nhạc sĩ Tô Hải (tên đầy đủ Tô Đình Hải) sinh ngày 24-9-1927 tại Hà Nội và mất ngày 11-8-2018 tại TP.HCM, thọ 91 tuổi. Ngày 25-5-2014, ông Hải trở thành một tân tòng của đạo Công giáo, chọn thánh bổn mạng là Phanxicô (Francis). Đây là một cuộc hành trình đi vòng, khi ông đã trải qua thời niên thiếu trong các nhà trường Công giáo ở miền Bắc. Ông là một hướng đạo sinh bậc trưởng lão của thời kỳ đầu (phong trào hướng đạo chính thức được thành lập ở Việt Nam từ năm 1931).  

Trong các ca khúc của mình, ngoài bài Nụ Cười Sơn Cước, có lẽ chỉ còn 2 bài nữa được coi là nhạc trữ tình (Đứt Dây Đàn và Tình Giây Lát). Ở đây, tôi không kể tới bài Khát Vọng Mùa Xuân do ông đặt lời Việt từ bài Sehnsucht Nach Dem Frühling của nhạc sĩ Mozart. Còn lại thì toàn là nhạc tuyên truyền, nhạc đỏ mà thể loại của chúng hiện rõ ngay từ những cái tựa bài (Tiếng kèn báo động, Chúng ta không muốn đói, Toàn dân kháng chiến trường kỳ, Tiếng kèn cứu nước, Trường Lục quân đang cần lính đánh Tây, Thầy tu giết giặc, Chiến sĩ khu Ba,…)

Có thể là võ đoán và cảm tính, tôi nghĩ rằng có lẽ trong số những người biết Tô Hải là một nhạc sĩ, chiếm phần lớn nhất vẫn là qua bài Nụ Cười Sơn Cước. Theo lời tác giả kể, đây là sáng tác thứ hai của ông (viết năm 1947), sau bài hát đầu tay Trở về đô thành (1946). Nó mang hình bóng của cô gái 24 tuổi Đinh Thị Phẩm, con gái của chủ nhà mà ông trú ngụ trong thời gian đóng quân tại Kim Bôi (Hòa Bình) – người mà sau nay ông “tự khai” là một mối “tình câm”, “tình nhát” của mình. Đó là nguồn gốc của đoạn trong bài hát:

“Ai về sau dãy núi Kim Bôi
Nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ
Hình dung: Một chiếc thắt lưng xanh
Một chiếc khăn màu trắng trăng
Một chiếc vòng sáng long lanh
Với nụ cười nàng quá xinh.”

Nụ Cười Sơn Cước được rất nhiều ca sĩ trình bày. Nhưng tôi thích nhất là qua giọng hát của Hà Thanh, Khánh Ly và Sĩ Phú.

Tôi viết những dòng này chỉ là muốn nói “Say Good-bye” ông Tô Hải với tư cách tác giả của bài hát Nụ Cười Sơn Cước mà tôi yêu. Tôi cũng muốn góp phần thông tin một cách khả tín về sự ra đi của ông tới những người cùng tình yêu Nụ Cười Sơn Cước với mình (vì chắc chắn họ khó lòng tìm được dòng thông báo nào trên các báo chí ở Việt Nam ngày nay). Tôi xin phép xóa bỏ những comment có dính dáng tới chuyện chính trị. Mỗi người có quyền lựa chọn một ý thức hệ cho mình tùy theo nhận thức của mình mà mọi người phải tôn trọng. Theo thiển ý của tôi, âm nhạc có thể giúp người ta thư giãn, thăng hoa, hướng tới chân thiện mỹ, mang tính nhân bản và nhân văn – điều mà chính trị không thể nào làm được (nếu không muốn nói là làm ngược lại).

Và với tư cách một người đồng đạo, tôi nguyện cầu Chúa giàu lòng thương xót sớm đón linh hồn Phanxicô về nước Trời.

R.I.P. ông Tô Hải của Nụ Cười Sơn Cước “Cỏ cây hoa lá thương nhớ mãi người đi…”

PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Xin mời nghe bài hát Nụ Cười Sơn Cước qua tiếng hát Khánh Ly (bản thu âm tại Saigon trước năm 1975).