Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nhật ký ghi vội: thứ Ba 5-3-2013

 

1.

Sáng nay ghé nhà một người bạn, tôi thấy Tết này bạn chưng trong phòng khách một bức thư pháp chạm lá vàng lộng kính viết chữ Tâm thật lớn.

Ngó nghiêng, ngó ngả, tôi thú vị với phát hiện hơi bị ngoài luồng là cái chữ “tâm” của bạn và cái chữ “tám” của tôi khi viết không dấu thì y chang nhau, còn khi viết thư pháp thì na ná nhau. Vậy là tôi lại lan man về cái chữ Tâm đó.

Người có tâm mà không có tài bất quá chỉ là người bất tài. Kẻ có tài mà hỗng có tâm đích thị là kẻ bất nhân. Người có tài, có tâm mà không có thời là kẻ bất đắc chí. Kẻ không có cả tài lẫn tâm là kẻ bất lực.

Nhưng nếu phải chọn giữa cái tài và cái tâm, tôi chọn có cái tâm. An lành cho mình và mọi người.

Cụ Nguyễn Du trong truyện Kiếu đã viết:

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Ban đầu nhiều người thích xài chữ Đức, nhưng sau đó lại chuyển sang chữ Tâm. Có lẽ tại cái chữ “đức” đọc theo giọng miền nam nó y chang chữ “đứt”, nghe hỗng có “bền vững”. Nhưng thiệt ra, cái đức nó xuất phát từ cái tâm. Cái tâm là nền tảng bên trong và được thể hiện bằng hành động là cái đức.

Tâm ở đây không có nghĩa là con tim. Động vật sống nào mà chẳng có tim. Ai nói bạo chúa Tần Thủy Hoàng hay tay tổ sư tâm thần Adolf Hitler không có trái tim? Cái tâm ta đang nói tới chính là tấm lòng. Trong cuốn sách vỡ lòng Tam Tự Kinh của người Trung Hoa xưa (được soạn từ đời nhà Tống sau đó được bổ sung), thánh hiền dạy rằng “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, nhìn nhận rằng con người vốn có bản tính thuần lương thiện.

Cái tâm là cái bản tính, nhưng nó cũng dễ ngủ quên hay bị che lấp. Bởi vậy, ta mới phải chưng trong nhà, trong phòng làm việc của mình chữ Tâm để mà nhắc nhở. Chỉ sợ rằng giữa cái thời đầy nhiễu nhương này, nhìn riết cái chữ tâm có người rồi cũng thấy nhàm, hết thèm quan tâm tới nó. Ừ, thôi thì lỡ có vô tâm cũng còn chịu nổi, đừng có suy thoái, xuống cấp thành vô lương tâm!

 

2.

Phải nói rằng sống được tới nay, tôi mang nặng ân nghĩa với cái món mì gói, một loại thực phẩm vừa rẻ tiền, vừa tiện dụng, vừa dễ ăn. Những gói mì “hương vị quê hương, hình bóng quê nhà” đã theo tôi trong những chuyến đi Đông đi Tây, cũng như là trợ thủ đắc lực cho tôi trong những bữa sáng hết biết ăn gì hay giác nửa đêm thức khuya bao tử réo gọi “bồi dưỡng ca ba”.

Lần đầu tiên qua Mỹ, trong đêm đầu tiên ở tại khách sạn Marriott Marquis ở San Francisco (Bắc California), nửa khuya bên đó là giữa trưa bên nhà, tôi chịu không nổi cái gã bao tử nó quen cữ mà hành hạ. Lần đó do xớn xa xớn xác, tôi bỏ quên túi đựng mì gói ở nhà. May mắn là ban chiều đi long nhong ngoài phố, tôi có ghé siêu thị Walgreens mua mấy hộp mì. Ngặt cái là khách sạn Mỹ không có bình nấu nước nóng như ở châu Á. Tôi bèn chế cái máy pha cà phê thành máy “phun” nước nóng cho tô mì. Bạn nào từng xài loại máy này ắt biết nó phun phì phì nước sôi từng ngụm như người ta phun nước miếng! Giữ mỏi tay quá, tôi phải lấy chiếc dép da kê tô mì hứng nước. Chưa hết nỗi đoạn trường, mì tô ở đây không có kèm muỗng nĩa. Để ăn mì, tôi phải phát huy sáng kiến dùng một cây bàn chải đánh răng cặp kè cây viết làm… đũa.

Hồi sáng ở sân bay SFO, tôi cùng qua kiểm tra hải quan với một cô sinh viên Việt qua du học tại San José. Cô nàng mang theo một chiếc valy to đùng đựng đầy nhóc mì gói.

Tôi mê mì gói tới như vậy, mà sáng nay ông thầy ở Mỹ đành lòng gởi cho tôi cái đường link tới một bài cảnh báo về mì gói. Bài này được xuất bản trên trang web của kênh truyền hình WCVB Boston, phát trên truyền hình và YouTube. Chỉ trong vài tháng, có tới hơn 1,7 triệu lượt xem trên YouTube.

Tham khảo bài tại http://www.wcvb.com/health/Inside-stomach-Ramen-Noodle-digestion-goes-viral/-/9848730/13471402/-/item/0/-/h3bpmez/-/index.html

Bài báo này thuật về một công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Braden Kuo, Giám đốc phòng thí nghiệm GI Motility Lab của Bệnh viện Đa khoa bang Massachusetts, và đồng sự. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát loại mì gói phổ biến ở Mỹ là Ramen Noodles. Họ dùng một smart pill camera (loại máy quay phim nhỏ có hình dạng như viên thuốc multi-vitamin) cho người tham gia khảo sát nuốt vào bao tử để quan sát “nội tình” của bao tử. Người tham gia thí nghiệm ăn mì gói Ramen Noodles và người đối chứng ăn loại mì tươi ở nhà tự làm. Sau 20 phút, mì tươi bắt đầu rã ra. Sau 1-2 giờ, mì tươi được tiêu hóa hết, trong khi những sợi mì gói vẫn còn y nguyên trong bao tử.

Các nhà nghiên cứu tình nghi rằng đó là do chất bảo quản mà nhà sản xuất dùng để giữ cho mì để được lâu. Tiến sĩ Kuo nói rằng quy mô nghiên cứu này còn quá nhỏ để có thể đưa ra những kết luận nào đó. Ông và nhóm của mình có kế hoạch thực hiện những cuộc nghiên cứu kỹ hơn về hiện tượng này. Tiến sĩ Kuo nhấn mạnh: “Tôi nghĩ các thực phẩm chế biến vẫn còn cần phải điều tra thêm”

Hỗng phải là nhà khoa học, tôi cũng có thể nghĩ rằng vấn đề là ở các chất bảo quản có trong hầu hết các loại thực phẩm chế biến sẵn (processed food). Vì thế, không nhất thiết là mì gói, mà tất cá các loại thực phẩm chế biến sẵn đều cần phải cẩn trọng ở các chất bảo quản. Ai đó có lẽ cười khì: “Ăn nhiều chất bảo quản thì bao tử càng được bảo quản tốt hơn chớ sao!” Ây dà, cái đó là gã AQ nói chớ hỗng phải tôi nghen!

3.

Thấy tôi cười toe toét uống nước dừa tươi nguyên trái, mấy bạn già “dấu yêu” ở trường trung học Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long) vội vàng cảnh báo: coi chừng uống nhầm dừa bị thuốc mà mang họa.

Bạn Kim Thơi la làng: “Anh Phước ơi! Dừa uống nguyên trái thì phải uống loại còn vỏ màu xanh cơ, chứ trái dừa chụp hình chung với anh đó cũng không thực sự được “vệ sinh an toàn thực phẩm” đâu anh. Trái dừa gọt vỏ mà trắng tinh như thế là đã ngâm qua hóa chất tẩy trắng của Trung Quốc rồi, ai biết nó có thấm vào bên trong không… Để chắc ăn, em nghĩ mình nên uống loại còn vỏ là an toàn nhất.”

Còn bạn Một Lúa ở hải ngoại kể rằng: “Mấy siêu thị ở chỗ tui bán dừa vạt vỏ xanh quấn plastic xuất xứ từ Thái Lan. Nhìn phía có chóp nhọn thấy còn tươi lắm, lật ngửa trái thấy phần xơ non phía dưới trái đã khô nhót. Suy nghĩ không biết huyền cơ nào mà da dẻ nó trắng tinh nên dù thèm vẫn không dám mua nhiều để uống cho đã. Hai, ba người chia nhau một trái chắc là không nên thuốc đâu hé.”

Kinh khủng hơn là chuyện mà bạn Ngọc Tuyết chia sẻ: “NT năm rồi có về Việt Nam quê hương của mình chơi, NT không còn dám uống trái dừa tươi mát mà tiệm hoặc chợ đã gọt sẵn láng, trắng, đẹp và tốt tươi nữa. Lý do là NT gặp bác Hai, ba của 1 anh bạn mở tiệm cà phê vi tính ở tại Vĩnh Long mình, bác kể lại , bác ghé thăm con trai, trời nóng bức mùa hè, bác tự lại tủ lạnh lấy 1 trái dừa ướp lạnh và nói cô phụ việc vạt và đưa cho bác uống, con trai bác Hai liền ngăn cản, nói: trái dừa này không uống được đâu ba, để con kêu tụi nhỏ nó chặt và gọt trái khác từ trong quầy cho ba uống. Lúc đầu, ông già tưởng đứa con nó trùm sò, bác hơi buồn buồn trong bụng, bác suy nghĩ thấy lạ và thấy con mình sao kỳ kỳ, bác thắc mắc hỏi, anh con trai liền nói thiệt: ba ơi, con hỏng biết nữa, người bỏ mối dừa chỉ con nhỏ gọt trái dừa, gọt xong bỏ vô thùng nước, trong nước này đã pha sẵn chất tẩm gì đó nó thẩm thấu cả bên trong và sau khi ngâm 1 thời gian , khi đem ra ngoài, nó tươi hoài không có cũ, mấy chuyện này họ làm sẵn hết, con chỉ có bán lại thôi, nó độc hại và nguy hiểm cho sức khỏe lắm, nên ba nhớ đi tiệm nào cũng không nên uống dừa gọt sẵn, nó chắc chắn là không có bổ khỏe, mà còn gây bệnh.”

Giàng ơi, tôi ngửa mặt lên trời mà than rằng: tôi biết thân biết phận chẳng hề dám đua đòi, trèo cao ăn những món sơn hào hải vị, vậy mà bây giờ ngay cả với những món ăn thức uống bình dân, rẻ tiền, tôi cũng bị Lý Thông cướp luôn sao?

Từ lâu rồi tôi cũng hiểu rằng thời này khó mà tìm được một tình yêu pure và origin 100%. Khi tình yêu đã bị “thuốc”, bị ô nhiễm rồi, người ta tính toán khủng khiếp khi yêu, sẵn sàng bán đứng tình yêu vì những động cơ và mục đích nào đó. Cho dù sống thì không thể thiếu tình yêu, nhưng yêu cũng phải ngó trước, ngó sau mà dè chừng. Ngay cả tới cái món không khí mà còn bị ô nhiễm tệ hại, tôi biết sống cách nào đây?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-3-2013)