Thứ Ba ngày 07 tháng 1 năm 2025

Giá sau Tết…

Người kinh doanh dịch vụ xứ Việt từ bao nhiêu năm nay thường tăng giá vào dịp Tết. Thậm chí có số ít tăng cả hai đợt: năm mới Dương lịch và Tết Âm lịch. Ai thắc mắc thì dùng câu thần chú universal truyền thống “Tết mà!”

Thiệt ra, chuyện tăng giá theo thời gian và thời giá là hợp lý. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ tỷ lệ tăng có hợp lý hay không.

Không ít dịch vụ tăng giá nhân dịp Tết rồi sau Tết giảm xuống một ít, ơn Giời cho khách hàng nếu dịch vụ giảm 1 nửa mức giá vừa tăng. Cũng có những người tăng giá khi qua năm mới, tới Tết âm lịch tăng thêm phụ thu sau Tết trở lại mức giá đầu năm.

Nếu không muốn tự giết thương hiệu hay bôi xấu hình ảnh của mình, dịch vụ chọn giải pháp tăng giá hợp lý theo thời giá mà vẫn giữ chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Tuy nhiên vẫn có những người tự đào huyệt cho mình khi chọn giải pháp không tăng giá mà cắt giảm chất lượng và thành phần. Hậu quả là khách hàng chán, tẩy chay ôm tiền qua quán khác.

Sáng nay Chủ nhựt 17.2.2019, sau khi đi lễ nhà thờ về, tôi ghé quán ăn nho nhỏ (bên trong chỉ kê được 3 cái bàn 4 người) để ăn món bún mọc khoái khẩu của mình. Nhìn lên bảng giá thấy in giá mới. 1 tô giờ 30.000 đồng, tăng 2.000 đồng so với giá trước Tết (giá 28.000 đồng/tô tăng hồi cuối năm, từ giá 25.000 đồng năm ngoái). Tôi ăn ở quán này khi tô bún mọc có giá 20.000 đồng rồi lên giá dần theo thời gian, mỗi lần thường thêm 2.000 đồng.

Tôi chọn quán ăn bún mọc và phở ngoài chuyện ngon lành còn tùy theo mức độ đơ lưỡi, khô họng và cứng cổ sau khi ăn (tình hình tệ ít nhiều tùy lượng bột ngọt được quán nêm nếm). Thời buổi này chỉ có thể tính ở tiêu chí bột ngọt ít hay nhiều, chớ khó lòng mà không có bột ngọt.

À, quán này nhỏ xíu vậy mà cũng có liên kết với dịch vụ Go-Food của dịch vụ xe ôm công nghệ Go Việt á. Đang ăn, tôi thấy 1 bạn shipper của Go Việt ghé vào đặt 1 tô bún mọc và 2 tô bún bò Huế.

PHẠM HỒNG PHƯỚC