Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Mê hồn trận các ứng dụng gọi thợ

Từ dạng website của thời Internet là bá chủ phát triển thành những ứng dụng di động OTT, các dịch vụ có liên quan tới người lao động đã có sự thay đổi theo hướng gia tăng và mở rộng cả về chất lẫn lượng. Ở Việt Nam bây giờ, vào kho ứng dụng Google Play cho các thiết bị Android mà gõ những từ khóa tìm kiếm như “tìm thợ”, “tìm việc”, “tuyển dụng”,… bạn sẽ được giới thiệu lủ khủ những ứng dụng để cài vào thiết bị di động của mình.

Tất nhiên, đây là xu thế chung của cả thế giới trong kỷ nguyên của di động cặp kè với Internet. Các dịch vụ lao động ngày nay được công nghệ hóa và chủ yếu hoạt động trên nền ứng dụng di động và các mạng truyền thông xã hội. Theo một cuộc khảo sát do Jobvite, một công ty phần mềm và tuyển dụng Mỹ, thực hiện hồi năm 2016, có tới 96% người sử dụng lao động ngày nay dùng các mạng xã hội để tuyển nhân viên. Các công cụ chính như LinkedIn, Facebook, Twitter.

Bản báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019 mà website của trường Đại học Andrews University trích dẫn cho biết: Năm 2019, dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân, trong đó có 64 triệu người sử dụng Internet (tăng đến 28% so với năm 2017). Tính tới đầu năm 2019, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động (tăng 8 triệu người dùng so với năm 2018).

Những số liệu này cho thấy bức tranh toàn cảnh của Việt Nam ngày nay là Internet và di động đang là hai nền tảng thông tin liên lạc có sức chi phối sâu rộng trong xã hội. Và trên cái nền tảng đó, các loại ứng dụng đã ra đời như nấm sau mưa. Hầu như cái gì cũng có thể giải quyết bằng các ứng dụng. Vì thế, các dịch vụ có liên quan tới người lao động cũng đua nhau sinh sôi nảy nở.

Không ai có thể phủ nhận được những lợi ích, chủ yếu về tính tiện dụng và sự hiệu quả mà các ứng dụng trong lĩnh vực lao động đem lại cho các giới chủ lẫn người lao động. Thay vì phải cất công trực tiếp tới các trung tâm giới thiệu việc làm hay cung ứng thợ, các người cần thợ lẫn người cần việc đều có thể tìm kiếm và kết nối với nhau qua trung gian là các ứng dụng. Việc tìm người làm hay tìm công việc làm đúng nhu cầu của mình trở nên dễ dàng hơn. Nhờ các bộ lọc, đặc biệt càng siêu hơn nữa khi gần đây được ứng dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), các ứng dụng có thể sàng lọc trong vô số ứng viên để chọn ra những người thỏa các tiêu chí mà người cần đặt ra. Chính bước sàng lọc ban đầu này sẽ giúp cho cả hai bên đỡ mất thời gian và tránh lâm vào tình huống bối rối.

Phổ biến nhất vẫn là ứng dụng đơn giản. Nhưng bên cạnh đó cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những dịch vụ trên nền công nghệ ở mức độ cao gọi là nền tảng. Chẳng hạn như hồi trung tuần tháng 9-2019, một startup là Công ty Thế Giới Thợ đã cho ra mắt chính thức ứng dụng Thế Giới Thợ – Gọi thợ có ngay. Ứng dụng này có nhiệm vụ kết nối giữa những người thợ có tay nghề tốt, đặc biệt là đang hành nghề tự do, với những người đang có nhu cầu cần thợ. Nó vừa cung cấp thợ cho các hộ gia đình, cá nhân, vừa cung cấp người lao động có tay nghề cho các doanh ngiệp, tổ chức. Vì thế, ứng dụng này bao gồm các lĩnh vực gọi thợ, tìm việc làm và tuyển dụng. Đặc biệt hơn cả, Thế Giới Thợ không phải là một ứng dụng OTT bình thường mà nói chính xác đó là một dạng nền tảng trong nền kinh tế chia sẻ. Nó hoạt động na ná như những ứng dụng gọi xe công nghệ, dựa trên bản chất hoạt động kết nối giữa cung và cầu, thay vì gọi xe thì người ta gọi thợ.

Những ứng dụng kết nối thợ và người cần thợ như thế về mặt tích cực là đem lại quá nhiều tiện lợi cho 2 bên. Người cần thợ được giới thiệu những người thợ có tay nghề, được nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm, và thậm chí có được mức giá rõ ràng và hợp lý hơn. Người thợ dù phải chịu một tỷ lệ chiết khấu cho nhà cung cấp ứng dụng nhưng sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn và có được quyền chấp nhận khách hàng hay không.

Tại sự kiện ra mắt ứng dụng gọi thợ, ông Trần Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Thế Giới Thợ, chia sẻ: “Trong vòng 3-5 năm tới, nếu Việt Nam không có một ứng dụng nào đủ sức cạnh tranh với các ứng dụng nước ngoài, thì người Việt sẽ vô hình trung trở thành nguồn lao động dồi dào cho các tập đoàn nước ngoài ngay trên chính đất nước của mình.” Ông bày tỏ: “Càng ngày càng nhiều người tham gia vào các ứng dụng công nghệ. Thấy được tiềm năng của thị trường cũng như mong muốn áp dụng thuật toán thông minh của mình vào nền tảng Thế Giới Thợ, chúng tôi mong muốn được hợp tác với các anh em là cá nhân; tổ đội; cửa hàng để cung cấp việc làm cho họ, giúp họ cải tiến dịch vụ để phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn. Qua đó xây dựng nên hình ảnh một cộng đồng thợ chuẩn mực và chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam.”

Tuy nhiên, các dịch vụ lao động trên nền ứng dụng OTT hay cả trên web và mạng xã hội cũng có những mặt tiêu cực. Có thể nói rằng ngoài sự tiện dụng hơn và hợp thời thượng, các ứng dụng này chỉ là công nghệ hóa các dịch vụ lao động và vì thế, chúng cũng mang theo những mặt trái và nguy cơ như của các cơ sở lao động truyền thống. Thậm chí cũng có thể nói rằng với nền tảng công nghệ, những nguy cơ, bất trắc càng cao hơn.

Bản thân loại hình ứng dụng OTT (tiếng Anh: Over-the-top app) đã ẩn chứa nguy cơ “vô chính phủ” rồi. OTT là thuật ngữ để chỉ các ứng dụng và các nội dung được cung cấp trên nền tảng Internet và không một nhà cung cấp hoặc bất kỳ cơ quan nào có thể can thiệp vào. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và các nhà mạng viễn thông chỉ có thể nhận biết được sự tồn tại của những nội dung OTT này thông qua các gói dữ liệu mà không thể kiểm soát được nội dung bên trong và lẽ tất nhiên là không chịu trách nhiệm về chúng. Chí ít thì lý thuyết là như vậy.

Và bản chất của các ứng dụng lao động là người môi giới trung gian để ăn chia theo tỷ lệ nguồn thu nhập của người sử dụng ứng dụng. Do tính nặc danh của Internet và đặc thù của ứng dụng OTT, nguy cơ lừa đảo cao hơn loại hình các cơ sở lao động truyền thống nhiều. Và như thế, cả hai bên – người thợ hay người lao động và người sử dụng lao động đều có nguy cơ bị lừa gạt.

Có nhiều ý kiến trên mạng bày tỏ sự lo ngại về an ninh đối với các ứng dụng gọi thợ. Bởi lẽ, các thợ này phải vào trong nhà hay công ty, văn phòng của người có nhu cầu gọi thợ. Ai sẽ bảo đảm đó là những người thợ tốt và an toàn? Đó là lý do mà các dịch vụ cung cấp thợ và người lao động cần phải có quy trình kiểm tra lý lịch nhân thân của các đối tác lao động tham gia hệ thống của mình, cũng như quy trình kiểm tra và theo dõi chặt chẽ các thợ khi làm việc.

Giới chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có các quy định để quản lý các dịch vụ lao động trên nền ứng dụng giống như họ quản lý các cơ sở lao động truyền thống. Điều này giúp giảm thiểu những nguy cơ, tiêu cực và đem lại lợi ích cho cả người thợ lẫn người gọi thợ. Tất nhiên, do các dịch vụ này hoạt động trên nền ứng dụng, cách quản lý cũng phải khác và mang tính công nghệ.

Bất luận thế nào, ngay bản thân các nhà cung cấp dịch vụ lao động chân chính trên nến công nghệ cũng muốn có được những cơ chế để xác thực tính đáng tin cậy của mình đối với người dùng. Và đó cũng là mong muốn của cả người lao động lẫn người cần lao động. Điều đã rõ, việc ngày càng xuất hiện nhiều ứng dụng có liên quan tới dịch vụ lao động là một thực tế không thể tránh được. Vấn đề là làm sao để chúng hoạt động đúng đắn, thật sự đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Bài đã được in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 22-9-2019 và trên báo Người Lao Động Online.