Thứ Bảy ngày 16 tháng 11 năm 2024

Kiêng thịt và giữ chay của người Công giáo

Hôm nay 2-4-2021 là thứ Sáu Tuần Thánh, ngày thứ hai trong Tam nhật Vượt Qua (Triduum paschale) của đạo Công giáo. Các tín hữu Công giáo kiêng thịt giữ chay trong ngày này để để tưởng niệm ngày Chúa Jesus chịu khổ hình bị Đế quốc Roma đóng đinh chết trên cây Thánh giá.

Người Công giáo không phải “ăn chay” mà là “giữ chay”. Trong thực hành, giữ chay coi bộ khó hơn ăn chay.

Theo Giáo luật 1917 và được điều chỉnh bởi Tông hiến Poetemini của Đức Giáo hoàng Paul VI có hiệu lực từ ngày 17-2-1966, việc kiêng thịt và giữ chay được quy định như sau:

  • Kiêng thịt: Từ 14 tuổi trở lên cho tới trọn đời. Không ăn thịt của các động vật máu nóng (heo, bò, gà, vịt,..). Nhưng được dùng các loại nước thịt và thức ăn có pha chất thịt như cháo nước thịt. Được ăn trứng va các phó sản từ trứng. Được ăn các động vật máu lạnh như cá, tôm, cua,…
  • Giữ chay: Từ 14 tuổi cho tới khi bước vào tuổi 60. Trong ngày này chỉ được ăn một bữa no (bình thường) tùy theo người chọn, còn các bữa khác chỉ được ăn lưng lửng (so với bình thường). Đặc biệt là trong ngày chỉ được ăn trong các bữa chính, không được ăn quà vặt rải rác trong ngày.

Thật ra, theo Vatican, mục đích chính của việc kiêng thịt và giữ chay là để thể hiện sự hãm mình, từ bỏ bản thân hợp nhất cùng Giáo hội Công giáo toàn cầu trong ngày sám hối chung. Vì thế, với những người vì hoàn cảnh nào đó không thể kiêng thịt và giữ chay (như người bệnh, người làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm cần đù sức khỏe,…), Giáo hội vẫn cho phép được thay thế việc kiêng thịt và giữ chay bằng một hình thức sám hối nào đó (như làm việc thiện, cầu nguyện,…)

Jerusalem ngày nay. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Chúa Jesus (Jesus of Nazareth hay Jesus Christ) là một nhân vật có thật, không phải hư cấu. Ngài sinh vào khoảng năm thứ 4 trước Công nguyên (BC, Before Christ) tại Vương quốc Judea thuộc Đế quốc Roma và mất vào khoảng năm thứ 30 hay thứ 33 sau Công nguyên (AD, Anno Domini – tiếng Latin có nghĩa: năm của Thiên Chúa), ở tuổi 33 hay 36 tại Jerusalem thuộc Judea. Sự kiện Chúa Jesus bị đóng đinh trên Thánh giá (hay thập tự giá) đã được chép trong lịch sử Đế quốc Roma. Các sách Phúc âm đã ký thuật chi tiết về sự kiện này. Các phát hiện của ngành khảo cổ cũng đưa ra những chi tiết đồng nhất với những ghi chép trong Kinh Thánh về quy trình hành quyết theo cách đóng đinh của người La Mã thời xưa. Lịch mà Việt Nam và thế giới đang dùng được tính từ sau khi Chúa Jesus ra đời.

P.H.P.