Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

CMC năm thứ 6 liên tiếp có mặt trong Top 10 công ty công nghệ uy tín năm 2023 của Việt Nam

Tập đoàn Công nghệ CMC vừa được Công ty Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) xếp hạng 5 trong Top 10 Công ty công nghệ thông tin – viễn thông uy tín năm 2023. Báo cáo thường niên này được công bố ngày 12-6-2023. Đây là năm thứ 6 liên tiếp, Tập đoàn CMC có mặt trong Top 10 công ty CNTT-VT uy tín của Việt Nam.

Uy tín của các doanh nghiệp công nghệ được đánh giá qua năng lực tài chính doanh nghiệp bằng phương pháp Media Coding, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 5 và 6-2023. Bảng xếp hạng được công bố theo 2 danh sách: Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ thông tin – Viễn thông (CNTT-VT) và Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2023.

Theo đó, Tập đoàn CMC ở vị trí thứ 5 trong Top 10 Doanh nghiệp CNTT-VT uy tín năm 2023. Trong Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2023, Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC (CMC TS) thuộc Tập đoàn CMC cũng được xếp ở vị trí thứ 5.

Tập đoàn CMC nằm trong Top 10 Công ty Công nghệ thông tin – Viễn thông uy tín năm 2023.

Kết quả khảo sát do Vietnam Report tiến hành vào tháng 3-2023 cho thấy CNTT-VT dẫn đầu Top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2-3 năm tới với tỷ lệ 63,6% số doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, với kết quả từ quý đầu năm và diễn biến của những cơn gió ngược trên thị trường thế giới, triển vọng tăng trưởng đã thấp đi đáng kể. Theo kết quả khảo sát Vietnam Report thực hiện vào tháng 5 và 6-2023, các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành cho biết họ không có kỳ vọng cao vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành CNTT-VT. Cụ thể, 71,4% nhận định sẽ duy trì đà tăng trưởng và 28,6% nhận định sẽ có sự suy giảm đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023.

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức mới nổi và chuyển biến bất ngờ trên các khía cạnh kinh tế vĩ mô toàn cầu, ngành CNTT – VT vẫn là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD (tăng trưởng 8,7%); trong khi số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 là khoảng 70.000 doanh nghiệp (tăng 9,5% so với 2021).

Với riêng Tập đoàn CMC, năm tài chính 2022 (kết thúc ngày 31-3-2023), doanh thu thuần toàn Tập đoàn đạt 8,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% so với cùng kỳ, hoàn thành 100% kế hoạch năm; EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) đạt 900 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Với gần 6.000 CBNV, CMC đang nỗ lực hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD cùng quy mô hơn 10.000 nhân sự toàn cầu vào năm 2025. Với 4 khối kinh doanh chủ lực: Hạ tầng số- Công nghệ & Giải pháp- Kinh doanh toàn cầu- Nghiên cứu & Giáo dục, Tập đoàn Công nghệ CMC tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu chiến lược của mình.

Ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội, (đứng giữa) chúc mừng sinh nhật lần thứ 30 của Tập đoàn Công nghệ CMC.

Hạ tầng số CMC với sáng kiến đưa Việt Nam thành “Digital Hub” của Châu Á

Trong hệ sinh thái Khối hạ tầng số chuẩn mực, nếu coi mạng lưới hạ tầng viễn thông thông suốt là mạch máu thì trung tâm dữ liệu (Data Center – DC) chính là trái tim. Tháng 6-2022, CMC Telecom chính thức vận hành DC Tân Thuận, trung tâm dữ liệu hiện đại, an toàn bậc nhất Việt Nam và Khu vực APAC. DC Tân Thuận mang đến khả năng kết nối và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho doanh nghiệp với hệ thống 1.200 tủ mạng (rack) công suất cao lên tới 20kw/rack trong khu vực rộng 10.000m². Đây là DC được B-Barcelona Singapore thiết kế tuân thủ theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất cho một DC hiện đại như PCI DSS, TVRA (Threat Vulnerability & Risk Assessments), ISO 27001:2013/ ISO 9001:2015… và đặc biệt DC Tân Thuận vào thời điểm khánh thành là trung tâm dữ liệu đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được cấp chứng chỉ Uptime Tier III cho cả Thiết kế và Xây dựng.

CMC mong muốn đưa Việt Nam thành “Digital Hub” của Châu Á.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT/ Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, chia sẻ: “Sau khi đánh giá các yếu tố như vị trí địa lý thuận lợi, chính sách mở và nhất quán, hạ tầng kết nối đa dạng, Data Center trung lập quy mô lớn, thu hút được sự tham gia và hiện diện của các hãng CNTT hàng đầu… các chuyên gia quốc tế cũng như CMC đều tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm số tiếp theo của khu vực.”

Ngày 12-4-2023, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án tổ hợp nghiên cứu, đổi mới sáng tạo CMC. Tổ hợp nghiên cứu, đổi mới sáng tạo CMC Creative Space Hòa Lạc (CCS Hòa Lạc) có diện tích đất xây dựng là 3,88ha với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Với tổng diện tích sử dụng dự kiến 62.000m2 cùng thiết kế không gian làm việc cho 2.365 nhân sự, CCS Hòa Lạc khi được khai thác vận hành dự kiến vào quý 1-2026 sẽ cung cấp cho thị trường các sản phẩm, dịch vụ về: công nghệ lõi có khả năng chuyển giao trong các lĩnh vực công nghệ cao như AI, ML, Big Data, IoT, Cyber Security; các nền tảng phục vụ chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; hạ tầng số công nghệ cao, dịch vụ công nghệ điện toán đám mây, an ninh an toàn thông tin, sản phẩm phần mềm,..

Cùng với CMC Creative Space Tân Thuận và Hòa Lạc, tháng 6-2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Hà Nội – CMC Creative Space Hanoi (CCS Hanoi) thuộc dự án khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây. Dự án CCS Hanoi có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.789 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành một khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại 23 tầng với diện tích 1,13ha.

CMC TS với sứ mệnh đồng hành chuyển đổi số cùng doanh nghiệp

Với 30 năm kinh nghiệm cùng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC (CMC TS) hiện đang sở hữu những lợi thế lớn để chinh phục thị trường dịch vụ chuyển đổi số, điện toán đám mây, dữ liệu… cả trong và ngoài nước. Đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp và tổ chức, cơ quan chính phủ trong gần 30 năm qua, CMC TS đang vươn lên vị trí hàng đầu về tư vấn và triển khai giải pháp chuyển đổi số, điện toán đám mây.

Năm tài chính 2022, CMC TS đạt doanh thu lên tới 3.700 tỷ đồng, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ 2021. Tổng Công ty sở hữu mạng lưới trên 10.000 khách hàng trong và ngoài nước, hơn 150 đối tác công nghệ, hơn 1.000 chứng chỉ kỹ thuật và kinh doanh, phạm vi cung cấp dịch vụ phủ khắp 63 tỉnh thành.

CMC TS xếp hạng thứ 5 trong Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2023.

Ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC, kiêm Tổng Giám đốc CMC TS, cho biết. “Trải nghiệm khách hàng và tư duy dịch vụ là định hướng chiến lược phát triển quan trọng nhất của CMC TS với mong muốn mang những công nghệ mới nhất, giải pháp tốt nhất và dịch vụ CNTT chất lượng nhất đến khách hàng, đồng hành cùng tổ chức và doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.”

Ngân hàng ABBank lựa chọn CMC TS là đối tác triển khai nền tảng ngân hàng số Backbase – dự án công nghệ được ngân hàng đầu tư cao nhất từ trước đến nay.

Nhiều dự án quan trọng được CMC TS đã và đang triển khai thành công thời gian qua. Gần đây nhất, vào tháng 4-2023, CMC TS hợp tác với Ngân hàng ABBank và Backbase để chuyển đổi trải nghiệm ngân hàng số cho hàng triệu khách hàng tại Việt Nam. Đội ngũ của CMC TS gồm các chuyên gia đa lĩnh vực đã cùng tham gia dự án để hỗ trợ ABBank trong việc xây dựng một nền tảng ngân hàng an toàn và thân thiện cho người dùng.

Đầu năm 2023, CMC TS cũng đã thành công trong việc đưa vào vận hành giải pháp SAP Business One cho Tập đoàn DOJI – dấu mốc quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp trang sức đá quý này.

Khối Kinh doanh quốc tế với khát vọng lớn

Mới chỉ thành lập được 6 năm, CMC Global đã có những bước phát triển rực rỡ, trở thành công ty tên tuổi, trong nhóm dẫn đầu về lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT, hiện thực hóa khát vọng đưa các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ CNTT của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, CMC Global 3 năm liền giữ lá cờ đầu kinh doanh toàn Tập đoàn CMC. Công ty cũng được nhận bằng khen từ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho những thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Khối Kinh doanh Quốc tế với 3 năm liền giữ lá cờ đầu kinh doanh toàn Tập đoàn Công nghệ CMC.

Trải qua 6 năm phát triển, CMC Global đã đạt kết quả ấn tượng với doanh số hơn 1.350 tỷ đồng và có hơn 500 đối tác, khách hàng từ các thị trường quốc tế, trong đó nhiều doanh nghiệp, tập đoàn thuộc danh sách Forbes 500. Công ty hiện đang có hơn 3.000 nhân viên làm việc tại 10 văn phòng ở Việt Nam và các thị trường lớn trên thế giới.

Khối Nghiên cứu Giáo dục non trẻ, hứa hẹn là hướng chiến lược phát triển của CMC

Tập đoàn CMC coi những sinh viên chất lượng, tốt nghiệp Trường Đại học CMC (CMC University) không chỉ là nguồn nhân lực của Tập đoàn, góp phần giúp CMC đạt mục tiêu doanh thu tỷ USD vào năm 2025 mà còn là đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Được định hướng phát triển từ xây dựng “Đại học thông minh, đổi mới sáng tạo” trong giai đoạn 2022 – 2032, bước sang phát triển “Đại học nghiên cứu” từ năm 2033, vươn tới “Đại học đẳng cấp quốc tế” (World class university) từ năm 2043, mục tiêu hàng đầu của nhà trường là trở thành một đại học công nghệ với các lĩnh vực đào tạo thế mạnh là Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, Điện tử – viễn thông và các lĩnh vực khác gắn với yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và kinh tế số của cả nước, với quy mô cỡ trung từ 20 đến 30 nghìn sinh viên vào năm 2043.

Khối Nghiên cứu Giáo dục non trẻ nhưng hứa hẹn là hướng phát triển chiến lược để CMC cất cánh, nâng tầm, trở thành công ty quốc tế đạt mục tiêu doanh thu tỷ USD vào 2025.

Là một trong những đơn vị “trẻ nhất” tập đoàn, nằm trong Khối Nghiên cứu Giáo dục, Viện Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ CMC đã có bước chuyển mình lớn khi xây dựng được 20 công nghệ lõi, từ đó phát triển ra được hệ sinh thái AI phục vụ cho chuyển đổi số.

L.N.C.

Nguồn do CMC cung cấp.