Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nhớ một thời máy nhắn tin và điện thoại vỏ sò Motorola StarTAC huyền thoại

Giữa lúc cộng đồng thế giới đang nóng sốt với vụ nhiều ngàn chiếc máy nhắn tin (pager) thuộc lực lượng khủng bố Hezbollah ở Lebanon bỗng dưng phát nổ gây thương vong hàng ngàn người hôm 17-9-2024, sáng nay, một anh bạn trong giới công nghệ gởi cho A Phủ tấm ảnh tư liệu cảnh lắp đặt bảng quảng cáo máy nhắn tin và điện thoại gập vỏ sò StarTAC của hãng Motorola tại TP.HCM ngày 18-10-1996.

Đây là hai món “đồ chơi công nghệ” huyền thoại một thời ở Việt Nam. Hồi đó, khi điện thoại di động chưa phổ biến (chủ yếu còn rất đắt), người sành điệu “được nhiều người ngước nhìn” là người có đeo ở thắt lưng trước bụng một chiếc máy nhắn tin nho nhỏ. Đây là chiếc máy 1 chiều, chỉ nhận tin nhắn tới và sau đó tùy nội dung yêu cầu mà người nhận phải tới nơi có máy điện thoại để gọi lại. Hồi đó, mấy bạn phóng viên “thù” chiếc máy này lắm. Vì trở nên bị tòa soạn quản lý từ xa, bất cứ lúc nào – kể cả nữa đêm hay đang mần mấy cái chuyện riêng tư cũng có thể bị tòa soạn nhắn tin réo. Bao nhiêu năm trước khi xuất hiện cái máy nhắn tin này, phóng viên hay dân đi làm hễ ra khỏi cơ quan là coi như tự do, khỏi lo bị tòa soạn hay sở làm réo gọi.

Cũng hồi đó, ai sở hữu chiếc điện thoại nắp gập Motorola StarTAC là ngon lành cành đào lắm. Nó cũng là chiếc điện thoại di động đầu tiên mà A Phủ có được, máy cũ do một cậu em mua giùm và đăng ký số thuê bao luôn. Còn ghi số di động đầu tiên là 090 390 4264 (số này đã bỏ hơn chục năm nay). Hồi đó, A Phủ có cái thú ngồi trong tòa soạn e-CHIP, bật lưng ghế ra sau, gát chưn lên bàn mà bật tới bật lui cái nắp điện thoại giống như dân hút thuốc ngồi nghịch bật tanh tách cái nắp hộp quẹt Zippo hay chàng cao bồi “bắn nhanh hơn bóng mình” Lucky Luke nghịch trò quẹt que diêm lên đế giày vậy á.  

Chiếc điện thoại StarTAC hồi đó là một biểu tượng giống như iPhone bây giờ. Motorola đã ra mắt thương hiệu StarTAC hồi năm 1995 và tới ngày 6-1-1996 thì chiếc StarTAC vỏ nhựa đen có màn hình đơn sắc 1.75 inch ra đời. Giá bán chính thức ở Mỹ lúc đó là 1.000 USD (tương đương hơn 1.600 USD hiện nay).

Motorola StarTAC Rainbow. (Ảnh: Motorola và Internet. Thanks).

Từ sáng kiến đầy kiên trì của Motorora Châu Âu, năm 1997, Motorola cho ra phiên bản Motorola StarTAC Rainbow của mẫu StarTAC 70. Phiên bản màu mè  7 sắc cầu vồng này được sản xuất và phân phối từ nhà máy Easter Inch ở Bathgate (Scotland). Riêng pin được sản xuất tại nhà máy Swords ở Ireland. Người ta nói rằng có từ 70.000 và 125.000 chiếc StarTAC Rainbow đã được sản xuất. Tất cả sản phẩm đã bán hết trong mùa hè đó, phần lớn được bán tại các nước Nam Âu. Chiến dịch tiếp thị cho StarTAC Rainbow dựa theo câu slogan “Không phải mọi thứ trên đời đều là màu đen và trắng” (Not everything in life is black and white). Mẫu quảng cáo có hình ảnh hai con ngựa vằn đứng cạnh nhau và một trong hai con ngựa vằn được thiết kế để có các màu sắc cầu vồng trên điện thoại.

Nghe nói phiên bản điện thoại Motorola StarTAC Rainbow được lấy cảm hứng từ mẫu xe ô tô Polo Harlekin phiên bản giới hạn ra mắt năm 1995 của hãng xe Volkswagen. Chiếc xe này được sơn với các mảng màu đỏ, vàng, xanh dương và xanh lá. Số lượng xe Polo Harlekin được sản xuất là 1.000 chiếc (đợt đầu) và 2.806 chiếc (đợt 2).

Volkswagen Polo Harlekin. (Ảnh: Volkswagen)

A.P.