Xác thực tài khoản giúp lành mạnh hóa mạng xã hội
Cộng đồng mạng đã xôn xao trước thông tin: kể từ ngày 25-12-2024, chỉ có các tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Đó chính là ngày Nghị định 147/2024/NĐ-CP về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Iinternet và thông tin trên mạng” do Chính phủ ban hành ngày 9-11-2024 chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo đó, tất cả các mạng xã hội đang hoạt động ở Việt Nam phải thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử. Đặc biệt, người sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
(Ảnh do AI Microsoft Copilot DALL-E 3 tạo. Thanks).
Như vậy, ngay từ bước đầu tiên, Nhà nước Việt Nam đã tạo thuận tiện tối đa cho cả mạng xã hội lẫn người dùng. Đó là chỉ cần xác thực bằng số điện thoại di động, điều mà lâu nay các nhà mạng xã hội cũng đã yêu cầu. Điều này làm được là nhờ các nhà mạng di động Việt Nam trong năm 2023 đã tiến hành chuẩn hóa thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Nghĩa là mỗi số di động gắn với một người cụ thể với đầy đủ thông trin nhân thân được xác thực. Ngay trong trường hợp phải xác thực bằng số định danh cá nhân cũng đơn giản khi đó chính là số căn cước hay căn cước công dân gắn chíp. Người dùng mạng xã hội chỉ cần cung cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ số điện thoại di động hay số định danh cá nhân là đủ, không rườm rà, rắc rối. Hình thức xác thực này đỡ phiền phức và nhiều nguy cơ (dẫn tới lo ngại) như phương thức trước đây buộc chủ sở hữu tài khoản phải cung cấp thông tin của bản thân, gồm: tên thật, số điện thoại, địa chỉ email hoặc giấy tờ tùy thân nhằm chứng minh danh tính của mình.
Vì sao cần phải xác thực tài khoản mạng xã hội?
Khoản 2, Điều 4 của Nghị định 147 xác định: “Khuyến khích phát triển các nội dung, ứng dụng tiếng Việt phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam trên Internet. Đẩy mạnh việc đưa các thông tin lành mạnh, hữu ích lên Internet”. Còn Khoản 4, Điều 4 thì giải thích mục đích của Nghị định 147 là: “Ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hướng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet”.
Một đặc thù của mạng Internet là ẩn danh, không người dùng nào biết được thông tin nhân thân của người dùng khác, trừ khi họ tự nguyện công bố. Người ta giải thích đó là sự bảo đảm cho “tự do ngôn luận”. Nhưng thực tế, từ lâu lắm rồi, cả “thế giới tự do” đều đã định nghĩa “quyền tự do là được làm bất cứ điều gì không bị pháp luật cấm”. Anh có quyền tự do ngôn luận, tự do hành động; nhưng nếu anh lợi dụng điều đó để vi phạm pháp luật, làm tổn hại cá nhân hay tập thể khác, gây hại cho cộng đồng xã hội, cao nhất là làm hại đất nước mình, thì anh phải bị xử lý về pháp luật.
Cũng trong thực tế, tính năng ẩn danh trên Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã bị không ít người lợi dụng làm điều xấu xí. Với ý nghĩ là mình lên mạng với một biệt danh (nickname) nào đó là không ai biết mình là ai, nên mình có thể thoải mái muốn làm gì, nói gì tùy ý. Hậu quả, là mạng xã hội bị tổn hại, nhẹ thì đầy rác, nặng thì là những nội dung độc hại, xấu xí.
Có lẽ cũng cần nói rõ điều này, xác thực tài khoản không có nghĩa là người dùng mạng xã hội không được sử dụng các biệt danh và cộng đồng mạng sẽ biết mình là ai. Tính ẩn danh vẫn được bảo đảm. Chỉ có tổ chức quản lý dịch vụ, và thông qua đó là các cơ quan chức năng khi cần thiết, có thể biết rõ nhân thân của chủ tài khoản và có thể xử lý đúng người trong những trường hợp vi phạm luật lệ cộng đồng mạng hay luật pháp nhà nước.
Bằng chứng của việc xác thực tài khoản sẽ giúp giảm tới mức thấp nhất những điều xấu xí, có hại chính là việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, xác thực được nhân thân của từng thuê bao, rõ ràng đã giúp giảm được tệ nạn SIM rác phát tán những cuộc gọi, tin nhắn rác hay tội phạm (hù dọa, xúc phạm, lừa đảo, tống tiền,…).
Vấn đề là các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần làm thật tốt việc xác thực và quản lý, bảo mật thông tin nhân thân cá nhân theo luật định. Cơ quan chức năng và các nhà mạng xã hội cũng cần có những hình thức quảng báo thông tin về việc xác thực tài khoản này cho cộng đồng hiểu đúng để chấp hành tốt.
Bài đã in trên báo Người Lao Động 14-11-2024.
PHẠM HỒNG PHƯỚC