Thứ Tư ngày 15 tháng 1 năm 2025

Ứng dụng Công dân số cần thiết nhưng phải hữu dụng

Dù có muộn, cuối cùng TP HCM cũng đã đưa vào vận hành ứng dụng “Công dân số TPHCM”, gia nhập cộng đồng ngày càng nhiều tỉnh thành có ứng dụng công dân số.

Chuyển đổi số gồm 3 trụ cột chính: chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Con người tham gia và kết nối trong cả ba cột trụ đó chính là công dân số – thành phần vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được cả ba cột trụ chuyển đổi số phục vụ. Mục đích của chuyển đổi số ở một quốc gia chính là để giúp chính quyền làm tốt hơn nhiệm vụ phục vụ công dân.

Ứng dụng công dân số chính là một công cụ để giúp kết nối giữa chính quyền số và công dân số một cách tương tác trên không gian số. Nói gì thì nói, công dân sẽ không thể trở thành công dân số nếu như không có công cụ số, ở đây là các ứng dụng công dân số.

Trong nhiều năm qua, chúng ta đã phát triển rất nhiều ứng dụng phục vụ cho việc đưa nền hành chính lên mạng online, từ cấp phường xã cho tới bộ ngành trung ương, từ quy mô địa phương tới tầm cỡ toàn quốc. Có một thực tế là các ứng dụng nhiều tới mức rối và thiếu sự liên thông, đặc biệt là liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.

UBND TP HCM nhìn nhận sự kiện ra mắt ứng dụng “Công dân số TPHCM” (ngày 14-11-2024) là dấu mốc quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số. Với một ứng dụng đồng bộ, thân thiện và dễ sử dụng, người dân có thể tiếp cận mọi tiện ích cần thiết cũng như kết nối với chính quyền một cách đơn giản, nhanh chóng. Thông qua ứng dụng công dân số này, người dân TP HCM có thể phản ánh các sự việc, gửi ý kiến góp ý, hiến kế các vấn đề mà mình quan tâm. Đồng thời, theo dõi sát sao tiến độ xử lý của cơ quan chức năng. Người dân cũng có thể tiếp cận, tra cứu và sử dụng các tiện ích dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện, trên nhiều lĩnh vực thiết thực với đời sống. Theo đơn vị chủ quản, ứng dụng này được xây dựng trên nền tảng kết nối, tích hợp dữ liệu từ các sở, ngành, được bảo mật toàn diện thông tin dữ liệu người dùng.

Các ứng dụng số chỉ hữu dụng khi là ứng dụng “sống”. Sau khi ra mắt, ứng dụng “Công dân số TPHCM” đã được đơn vị phụ trách là Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM liên tục cập nhật để nâng cấp và hoàn thiện hơn. Bước đầu, giao diện khá là rõ ràng và thiên thiện với người dùng. Tất nhiên, ứng dụng sẽ phải hoàn chỉnh hơn nữa dựa trên những phản hồi của người dùng, đặc biệt là bổ sung các dịch vụ, tiện ích cần thiết cho các công dân số.

Ngay từ đầu, ứng dụng đã chọn cách tiếp cận tiện lợi là có thể đăng nhập bằng chính tài khoản của ứng dụng VNeID mức độ 2, giúp người dùng có thể sử dụng ngay ứng dụng mà không cần phải đăng ký, khai báo riêng rẽ. Chính nhờ ứng dụng được kết nối với VNeID mà người  dùng sẽ tự động được định danh, xác thực nhân thân khi làm các thủ tục, dịch vụ hành chính công trên ứng dụng.

Vấn đề sống còn của ứng dụng công dân số là làm sao cho mọi công dân TP HCM đều cài đặt ứng dụng này trên thiét bị cá nhân của mình. Điều này cần có những biện pháp quảng bá trên tất cả các kênh truyền thông, đặc biệt là các mạng xã hội (hiện nay hầu hết các khu phố đều có tài khoản trên Zalo hay Facebook có kết nối tới từng hộ gia đình), các tổ chức đoàn thể cơ sở. Bên cạnh đó, không chỉ có người túc trực tại các UBND phường xã trợ giúp người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số, các địa phương cần phát huy ưu thế của các tổ chuyển đổi số cộng đồng sử dụng các tình nguyện viên tới hỗ trợ người dân tận từng nhà (thông qua ban điều hành khu phố).

Có một thực tế là sau hai tháng ra mắt, ứng dụng “Công dân số TPHCM” hiện vẫn chưa được nhiều người biết đến. Theo số liệu vào sáng 12-1-2025, ứng dụng “Công dân số TPHCM” chỉ mới có được hơn 5.000 lượt tải về trên kho ứng dụng Google Play dành cho các thiết bị Android được nhiều người dùng nhất. Đó là con số quá khiêm tốn so với số dân hơn 9 triệu người của TP HCM.

Tâm lý của người dùng là ngán ngại, cảnh giác khi cài đặt thêm ứng dụng và thiết bị. Họ có nỗi sợ chính đáng là thêm nặng máy và nguy cơ bảo mật thông tin cá nhân. Bên cạnh đó còn là sự ngại không biết cách sử dụng.

Lãnh đạo TP HCM và các sở, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phát động “Hãy trở thành Công dân số TP HCM” tại Nhà ga metro Bến Thành của tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sáng 12-1-2025. (Ảnh: PHAN ANH/Báo NLĐ).

Sáng 12-1-2025, theo chỉ đạo của UBND TP HCM, Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố đã phối hợp với các đơn vị sở, ngành tổ chức Lễ phát động “Hãy trở thành công dân số Thành phố Hồ Chí Minh – Kết nối nhanh chóng giữa công dân và chính quyền”. Hàng loạt chương trình quảng bá đa dạng sẽ được TP triển khai để đưa ứng dụng công dân số đến nhiều người dân hơn, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số trong đời sống và thu thập phản hồi từ người dùng để nâng cấp ứng dụng, mang lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng.

Từ những phản hồi ban đầu của người dùng, các ứng dụng “tổng” như “Công dân số TPHCM” cần phải có cơ sở hạ tầng mạng đủ năng lực để bảo đảm cho ứng dụng luôn vận hành mượt mà, thông suốt, tránh tình trạng quá tải. Tính tương tác giữa chính quyền và công dân càng cao càng tốt, đặc biệt là nhanh chóng. Các thông tin cũng cần được cập nhật càng nhanh càng tốt, khắc phục được tình trạng lạc hậu thông tin mà nhiều ứng dụng tương tự vẫn mắc phải.

Không thể không có ứng dụng công dân số để giúp người dân trở thành công dân số. Nhưng cái quan trọng hơn cả là sau khi có rồi, ứng dụng cần phải được chăm chút sao cho ngày càng thêm hiệu quả, hữu dụng cho cả chính quyền lẫn người dân.

Bài đã in trên báo Người Lao Động thứ Hai 13-1-2025.

PHẠM HỒNG PHƯỚC