Thứ Sáu ngày 07 tháng 2 năm 2025

Cúng vía Thần Tài mùng Mười Tết

Hôm nay mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ (thứ Sáu 7-2-2025) là ngày cúng Vía Thần Tài. Tục cúng Thần Tài có nguồn gốc từ Trung Hoa, du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20, khởi đầu từ cộng đồng người Việt gốc Hoa. Nó là một tập tục dân gian, không liên quan tới Phật giáo.

Trong ngày này, ai có tiền rủng rỉnh thì ra tiệm vàng sắm vàng Thần Tài vừa để dành, vừa lấy hên năm mới.

Nhưng dù có tiền mua vàng hay không, người ta vẫn phải sắm sửa bộ đồ cúng Thần Tài, cầu năm mới phát tài, phát lộc, làm ăn thuận lợi. Bộ đồ cúng Thần Tài cơ bản truyền thống của người Việt có bộ tam sên, bao gồm thịt heo luộc (có đủ cả mỡ, nạc, da), 1 hay 3 quả trứng luộc, 1 hay 3 con tôm luộc. Tùy vào điều kiện gia đình, gia chủ có thể sắm lễ thêm cá lóc nướng, heo quay bánh hỏi.

Mâm cúng Thần Tài Tết Quý Mão, thứ Ba 31-1-2023, của nhà A Phủ.

Tất nhiên, mâm cúng Thần Tài gồm đèn cầy, nhang, 3 ly nước, 3 ly rượu, gạo tẻ, muối hạt sạch, tiền vàng mã, thuốc lá. Bên cạnh đó, mâm cúng còn có thêm tiền lẻ, một quả cau, một lá trầu, xôi đậu xanh, bánh kẹo. Hoa tươi có thể chọn hoa cúc hoặc hoa đồng tiền.

Ở Mỹ, Ngày Lễ Tạ ơn Thanksgiving Day (ngày thứ Năm thứ 4 – the fourth Thursday – trong tháng 11) là “ngày hy sinh hàng loạt” của loài gà tây (turkey). Theo Liên đoàn Gà Tây Quốc gia (NTF), Bộ Nông nghiệp (USAD), mỗi năm có khoảng 46 triệu con gà tây bị làm thịt ở Mỹ trong ngày Thanksgiving Day.

Còn ở Việt Nam, ngày Vía Thần Tài mùng Mười tháng Giêng là “ngày hy sinh tập thể của loài cá lóc”. Không biết có con số thống kê về số cá lóc bị nướng trong ngày Vía Thần Tài hay không. Nhưng chắc chắn sẽ là những con số “khủng”. Và với số lượng cá cần có nhiều như vậy, chủ yếu là cá nuôi.

Vào ngày mùng Mười tháng Giêng, tại các khu bán cá ở chợ, khói bốc lên nghi ngút do các hàng cá đốt lò than nướng cá lóc tại chỗ. Ở TP.HCM có “phố cá lóc nướng” trên đường Tân Kỳ Tân Quý, tập trung từ giao lộ Lê Trọng Tấn kéo dài đến đường Trường Chinh (quận Tân Phú) nổi tiếng lâu năm. Theo tư liệu, có năm ở “phố cá lóc nướng” này có tiệm nướng bán 2.000 – 3.000 con cá lóc (khoảng 3 – 4 tấn). Các tiệm phải nướng cá trong đêm mùng 9 xuyên qua sáng mùng 10. Theo nhiều chủ tiệm, ngày Vía Thần Tài Ất Tỵ này, do dự báo sức mua giảm, hầu như các tiệm nướng cá lóc đều giảm số lượng cá chuẩn bị, thậm chí có tiệm giảm một nửa so với năm ngoái.

“Phố cá lóc nướng” trên đường Tân Kỳ Tân Quý mấy năm trước. (Nguồn Internet. Thanks.)

Đặc biệt là cá lóc nướng mía (cá lóc được rửa sạch, nhưng phải còn nguyên – không được đập đầu, cạo vảy, cắt vây, cắt đuôi, sau đó dùng một khúc mía đã róc vỏ đâm xuyên dọc từ miệng rồi nướng). Người ta kiêng dâng cúng Thần Tài những con cá nướng cháy hoặc bị tróc, sứt mẻ, kém đẹp mắt.

A Phủ có một kỷ niệm không biết vui hay buồn về chuyện con cá lóc nướng cúng Thần Tài. Sáng mùng 10 tháng Giêng Tết Tân Sửu (Chủ nhật 21-2-2021), A Phủ chạy u ra chợ An Đông phiên bản ngồi chồm hổm gần nhà để mua cho con trai một con cá lóc nướng đem lên quán cúng Vía Thần Tài. 100.000 VND một con gần 1kg. Khi về nhà, A Phủ mở ra kiểm tra mới thấy tờ báo gói con cá lấp ló cái manchette quen quen. Banh ra mới giựt mình vì đây là tờ báo Long An, tòa soạn báo đầu đời của A Phủ, nơi A Phủ làm từ năm 1976, nếu tính luôn thời gian cộng tác sau khi A Phủ lên Sài Gòn thì cũng hơn 20 năm. Bao nhiêu kỷ niệm cũ ùa về bên con cá lóc nướng trui. A Phủ trở thành nhà báo chính thức từ năm 19 tuổi đó mà. Từ đó A Phủ mãi mãi là nhà báo 18+ Forever.

Và cũng xin lưu ý, ngày mùng Mười tháng Giêng là ngày cuối cùng trong mùng (qua ngày 11 thì không còn gọi là mùng nữa) để bắt đầu ra… mền, cho những ai còn nướng nuối Tết. Ngày mùng Mười cũng là ngày cuối cùng được gắn thêm cái đuôi “Tết”.  

A.P.