Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Đời vẫn đẹp khi còn có những người lòng đẹp

 

Trưa nay, tôi chạy xe trên đường Ngô Gia Tự tới gần góc Nguyễn Tri Phuơng của Vòng xoay Ngã Sáu Chợ Lớn thì thấy có một nhóm người đang lao xao dìu một bà cụ đang muốn khuỵu xuống trên con luơn cỏ. Thấy bà cụ, chạnh nhớ tới mẹ mình, tôi hỏi một phụ nữ có mặt ở đó thì biết bà cụ bị té dập mặt vô vỉa hè xi măng, máu me đầy mặt. Tôi bèn tấp xe vô.

Bà cụ đang đi thì bị sụp vỉa hè té gục xuống. Mấy cậu học sinh trường trung học Trần Khai Nguyên đi học ngang vội chạy tới dìu bà cụ lên con luơn. Ngó mấy nhóc tuổi con trai mình lóng ngóng giúp người mà tôi thiệt là thương. Mấy bà bán hoa 8-3 ở góc bên hông trường Trần Khai Nguyên và vài người chạy xe ngang qua tấp lại cùng xúm vào cứu chữa bà cụ.

Tôi kiểm tra thấy một bên trán bà cụ bị dập chảy máu và một bên mắt tím bầm. Bà cụ có triệu chứng bị choáng. Tôi hô kiếm chỗ cho bà cụ ngồi. Một người bán hàng xách chiếc ghế xếp chạy sang kê dưới gốc cây cho mọi người đỡ bà cụ ngồi xuống.

Tội nghiệp, mấy phụ nữ tốt bụng người chạy đi mua bông băng, nước sát trùng vết thương, người mua nước tinh khiết, trà xanh cho bà cụ uống.

Tôi nhìn vết thương trên đầu bà cụ nói phải đưa bà cụ đi cấp cứu mới được – e rằng bị chấn thương sọ não mà chậm trễ thì nguy kịch. Nhưng không ai dám vì sợ gặp rắc rối và bệnh viện cũng chưa chắc nhận. Tôi bèn nói để bà cụ ngồi yên đây, tôi chạy lại trụ sở Công an phường 9 (Q5) gần đó báo tin và nhờ hỗ trợ.

Đang giờ nghỉ trưa, trụ sở công an chỉ có một trung tá tên Tràng trực. Tôi thông báo và nhờ anh cho công an tới giúp đưa bà cụ đi cấp cứu. Anh nói để gọi điện thoại kêu. Tôi chạy trở lại chỗ bà cụ. Lúc này bà cụ có vẻ tỉnh hơn và được mấy chị phụ nữ rửa vết thương, lau mặt.

Hỏi thăm bà cụ thì biết bà bị lẫn. Bà nói sáng nay mình từ quê được con trai tên Châu đưa lên khám bệnh ở Chợ Quán rồi bị lạc con, bà đi tìm.

Đợi hoài không thấy công an tới (giờ trưa mà), tôi gọi về nhà nhờ người nhà dùng mối quen biết với công an phường để cầu cứu. Anh bạn công an khu vực đang nghỉ trưa ở nhà nói để gọi vô phường báo. Một chàng thanh niên hỏi tôi địa điểm trụ sở công an phường để chạy tới hối.

Lát sau, đích thân Trung tá Tràng cỡi xe gắn máy tới. Tôi nói chỉ có anh, với tư cách công an, mới giúp đưa được bà cụ vào cấp cứu. Anh Tràng nói vậy kêu taxi chở bà cụ đi. Tôi chỉ bệnh viện tư nhân Đức Khang nằm ngay mũi tàu Nguyễn Chí Thanh – Ngô Gia Tự cách đó chừng 100m nói không cần đi xa, trong đó có phòng cấp cứu 24/24. Mọi người xúm lại đặt bà cụ ngồi lên xe để anh Tràng chở vào bệnh viện.

Tôi vô trình bày tình tiết với nhân viên cấp cứu và anh Tràng thì làm thủ tục với tư cách đại diện cho người nhà bệnh nhân. Trong lúc chờ đợi, tôi hỏi bà cụ rồi chắp vá nhiều câu lúc quên, lúc nhớ của bà để có thông tin: bà tên Nguyễn Thị Mười, 70 tuổi, ở ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, Long An. Khuya nay bà lên Saigon khám bệnh ở bệnh viện Chợ Rẫy, khám xong ra bị lạc mất con trai nên bà đi tìm. Từ BV Chợ Rẫy ở Nguyễn Chí Thanh gần góc Thuận Kiều mà đi bộ tới đây cũng khá xa. Tôi biết bà nói đúng vì hồi còn làm ở báo Long An, tôi có đi công tác tại xã Tân Lân và biết có ấp Nhà Dài.

Tôi gọi điện thoại cho cậu em là bác sĩ Hồ Tấn Phát, Phó khoa Nội Tiêu hóa, BV Chợ Rẫy, nhờ cho thông báo trên loa ở phòng khám để người nhà hay tin. Phát đang đi công việc tuốt bên quận 7, cho tôi số phone của bác sĩ Nhân, Phó Khoa Khám bệnh, để trực tiếp liên hệ. Tôi gọi và thông báo tình hình, Nhân rất sốt sắng giúp, thậm chí còn cảm ơn tôi đã giúp bệnh viện Chợ Rẫy chăm lo cho bệnh nhân của mình.

Quay vô phòng cấp cứu, anh Tràng nói là bà cụ khám ở Chợ Quán chớ không phải Chợ Rẫy. Tôi bèn gọi cho bác sĩ Võ Xuân Huy, phụ trách Phòng Tổng hợp Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Chợ Quán, để nhờ thông báo tìm người nhà. Huy nói bệnh viện của em và Bệnh viện Tâm thần Chợ Quán kế bên là hai bệnh viện khác nhau. Tôi nghĩ bà cụ bị lẫn như vậy có lẽ được đưa đi khám tâm thần. Huy nói để em nhờ bệnh viện Chợ Quán thông tin giúm. Và tôi đã nhắn tin cung cấp thông tin cho Huy.

Tôi nói với Tràng: nhờ anh liên lạc theo hệ thống ngành cho công an xã Tân Lân để họ báo tin cho gia đình nạn nhân. Nhưng tôi biết là sẽ mất nhiều thời gian và nhiêu khê, vì theo hệ thống từ phường lên quận, lên thành phố mới qua tỉnh bạn rồi từ đó xuôi dần qua từng cấp. Vậy là phải tự cứu thôi. Tôi gọi điện cho anh bạn nối khố Mai Hùng Dũng đang làm ở báo Long An. Bạn già đang công tác tuốt Long Khốt gần biên giới Campuchia. Tôi nhờ Dũng có mối quan hệ với xã Tân Lân giúp liên lạc giùm. Tất nhiên là Dũng xăng xái, nói để gọi điện về ngay.

Mọi người về hết, chỉ còn mình tôi ở với bà cụ trong phòng cấp cứu Đức Khang. Một lát thì thấy bệnh viện này đẩy xe tới nói là chuyển bà cụ sang khoa cấp cứu Chợ Rẫy. Tôi phụ đưa bà cụ lên xe đẩy rồi dặn dò nhân viên bệnh viện có gì liên hệ. Họ nói họ sẽ làm trung gian, khi người nhà liên hệ, họ sẽ hướng dẫn sang Chợ Rẫy, tôi có thể an tâm về.

Vừa về tới cửa nhà thì có điện thoại của bác sĩ Nhân ở Chợ Rẫy báo đã tìm thấy hồ sơ bệnh án của bà cụ. Sáng nay đúng là bà cụ đã được khám tại khoa Ngoại Thần kinh, đã kê toa nhưng chưa thấy người nhà tới nhận. Tôi bèn báo cho Nhân biết bà cụ đang được chuyển sang khoa cấp cứu Chợ Rẫy, có gì nhờ Nhân lo giùm. Vừa xong thì Dũng ở Long An gọi lên nói đã liên lạc được với người nhà của bà cụ ở ấp Nhà Dài. Tôi vừa mở xong cửa nhà thì có một số điện thoại lạ gọi tới, nói là người nhà của bà cụ, sáng giờ bị lạc bà, hỏi tôi tin tức về bà. Tôi mừng quá, kêu Châu qua chỗ cấp cứu Chợ Rẫy. Tôi cũng gọi điện báo cho bác sĩ Nhân là đã tìm được người nhà của bệnh nhân và cho số contact để bạn liên lạc. Nhân nói mình cũng đã báo với bác sĩ Huy phụ trách Khoa Cấp cứu để nếu thấy bà cụ được đưa qua thì báo tin. Bác sĩ Huy ở bệnh viên Nhiệt đới cũng báo đã nhờ bệnh viên Tâm thần Chợ Quán phát loa.

Cảm ơn các phương tiện thông tin liên lạc đã giúp kết nối các tấm lòng lại với nhau và giúp giải quyết được vấn đề nhanh chóng và căn cơ.

Nhưng quan trọng nhất là cảm ơn những người Samaria nhân lành vô danh đã tận tâm chăm lo cho bà cụ qua đường gặp nạn.

Cuộc đời vốn đang trong thời kỳ đầy nhiễu nhương và bất trắc với những giá trị bị lộn tùng phèo này vẫn còn đẹp nhờ những người có tấm lòng đẹp như vậy.

Đời xấu đi bởi những kẻ chỉ đẹp sắc.

Đời đẹp hơn nhờ những người đẹp tấm lòng.

Hồi 3 giờ chiều, tôi gọi điện lần nữa cho người nhà bà cụ, Châu nói đã tìm gặp được bà – thím của mình. Tôi có dặn Châu, với những người già và bị lẫn, khi đi đâu ra ngoài, người nhà nhớ bỏ vào các túi của họ 1 hay 2 mảnh giấy ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên hệ. Bài học này hy vọng có ích cho mọi người.

Bây giờ thì tôi ngủ trưa muộn một cái đây. Xin đừng phá đám nghen. Do Not Disturb! (bắt chước tấm biển treo ngoài phòng khách sạn!)


PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-3-2013)

UPDATED:

+ 19g00 ngày 8-3-2013: Tôi vừa gọi điện cho người nhà của bà cụ Mười. Đứa cháu trai đã về quê. Người nhà đã lên chăm sóc bà tại khoa cấp cứu Chợ Rẫy. Với chấn thương của bà như vậy, bác sĩ phải giữ lại để theo dõi. Bất luận thế nào, bây giờ bà cụ đã ở bên người nhà mình. Giờ đây, tôi hy vọng hình ảnh những người Samaria mà tôi post đây sẽ giúp bạn bè, người thân của họ nhận ra họ để biết rằng những người thân của mình là những người có tấm lòng bồ tát. Tôi cũng muốn được cảm ơn họ đã cùng chung sức với tôi trong cái “mission” này.

+ 20g00 ngày 8-3-2013: Có một điều này thiệt là “tế nhị” mà tôi muốn chia sẻ với các bạn. Khi gặp chuyện cần phải cứu giúp ai đó, bạn chớ ngại ngần tính chuyện thiệt hơn hay liệu bề sẽ được thượng đế ghi công đức ra sao. Cứ làm ngay những điều mà lương tâm và con tim mình mách bảo là cần phải làm. Nhưng để tránh những rắc rối về sao, bạn phải luôn tỉnh táo và sáng suốt, không gây ra những ngộ nhận nguy hiểm. Đúng là “cây ngay không sợ chết đứng”. Có điều chẳng phải lúc nào câu đó cũng có nghĩa là người quang minh, chính trực thì không bao giờ sợ bị hiểu lầm. Trong thực tế cuộc đời, có rất nhiều “cây ngay không bị chết đứng” là vì chúng đã bị thợ cưa đốn hạ đang nằm dưới đất. Trong chuyện bà cụ Mười mà tôi kể hôm nay, khi thấy tôi thường gọi điện thăm hỏi và lo lắng cho bà cụ, có người nhà đã hỏi tôi: “Có phải chú là người quẹt bả té không sao mà lo lắng quá vậy?” Cũng may là tôi lo lắng cho bà cụ thiệt nên gọi hỏi thăm thì mới biết mình đang bị người nhà bà cụ nghi ngờ như vậy để mà giải thích. Chớ nếu tôi coi như xong chuyện rồi, có lẽ tôi đang là “đối tượng tình nghi” của họ!

+ Tin mới lúc 20g45ph ngày 8-3-2013: Bác sĩ ở Chợ Rẫy đã kiểm tra và cho biết bà cụ Mười không bị tụ máu trong đầu. Bác sĩ giữ lại để điều trị bên mắt bà bị té bầm. Người nhà cho biết lúc sáng sau khi bà khám xong thì kêu đói nên họ chạy đi mua cháo, khi quay về thì bà đã đi mất. Gia đình huy động hơn 10 người từ Cần Đước lên tìm kiếm bà nhưng không ai nghĩ bà đi xa tới như vậy. Họ nói mình đã coi như bà Mưởi bị lạc mất rồi. Cầu mong mọi sự tốt lành cho bà.

+ Trưa nay (9-3-2013) tôi gọi điện và được chồng của bà Mười (đang chăm sóc vợ ở bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết bà đang nằm tại Khoa Chấn thương sọ não, nhưng chỉ nhẹ thôi. Sáng sớm nay, tôi cũng đã giúp người thân của bà liên hệ với Công an P9,Q5 để nhận lại tư trang của bà (gồm nhẫn và đôi bông tai) mà hôm qua tại phòng Cấp cứu Bệnh viện Đức Khang, Trung tá Tràng lập biên bản tạm giữ giùm nạn nhân.