Thứ Bảy ngày 14 tháng 12 năm 2024

SAP khuyến nghị về nguy cơ mất cân bằng tăng trưởng bền vững tại Đông Nam Á do mất an ninh lương thực

Dân số Đông Nam Á đang trên đà tăng trưởng đã đẩy mạnh nhu cầu thực phẩm. Ngoài ra, các yếu tố bất lợi như thời tiết khắc nghiệt và các sự kiện gián đoạn chuỗi cung ứng đã tăng sức ép lên vấn đề an ninh lương thực khu vực.  Nếu không giải quyết tốt, an ninh lương thực sẽ cản trở hành trình tăng trưởng bền vững nói chung của ASEAN.

Ảnh chụp màn hình phiên tọa đàm giữa SAP Đông Nam Á, Dole Asia Holdings và Tập đoàn Lộc Trời. 

Đây là chủ đề được thảo luận tại sự kiện “Một ASEAN trên đà phát triển với nhu cầu thực phẩm cao: Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm mạnh mẽ và bền vững” (A Growing ASEAN, A Hungry Population: Building Resilient and Sustainable Food Supply Chains) do SAP, công ty phần mềm doanh nghiệp Đức, tổ chức trực tuyến. Sự kiện quy tụ nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong hệ sinh thái thực phẩm Đông Nam Á, từ nông nghiệp, sản xuất, phân phối cho tới hậu cần – với hai đại diện là Dole Asia, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và tiếp thị các sản phẩm hoa quả và snack đóng gói chất lượng cao, và Tập đoàn Lộc Trời, nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ hàng đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, với chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học, lúa gạo, cà phê.

Khoảng 1/3 tổng số thực phẩm được làm ra – tương đương 1.3 tỷ tấn –  bị hao hụt hoặc lãng phí hàng năm, theo ước tính của Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, FAO (nguồn: FAO (2011): Global Food Losses and Food Waste – Extent, causes and prevention). Ngoài ra, có tới 8-10% lượng phát thải nhà kính (greenhouse gas emissions) toàn cầu đến từ sản xuất lương thực (nguồn: UNEP (2021): UNEP Food Waste Index Report 2021).

Các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành đã chia sẻ những cơ hội dành cho Đông Nam Á, một trong những khu vực sản xuất nông nghiệp có năng suất nhất thế giới.  Những cơ hội này sẽ đến từ việc đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (high-tech agribusinesses), tăng cường hợp tác liên ngành, số hóa và tăng cường sức mạnh của các chuỗi cung ứng thực phẩm (food supply chains), cũng như các hoạt động khác xuyên suốt chuỗi giá trị (value chain) để thúc đẩy tương lai lương thực của Đông Nam Á.

Chuyển đổi cách thức sản xuất lương thực tại Đông Nam Á

Nông nghiệp và lương thực là hai động lực then chốt của nền kinh tế Đông Nam Á, đồng thời giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động trong khu vực.

Theo  bà Verena Siow, Chủ tịch & Tổng Giám đốc SAP Đông Nam Á, chủ trì cuộc tọa đàm, việc cung cấp cho các nhà sản xuất lương thực những công cụ phù hợp, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm và chống lãng phí thực phẩm là rất quan trọng đối với những thách thức an ninh lương thực trong khu vực.  Đây là lĩnh vực mà công nghệ và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng.

Bà Verena Siow nói: “Đầu tiên, chúng ta cần sử dụng thực phẩm hiệu quả hơn để giảm thiểu lãng phí. An ninh lương thực và phát triển bền vững là một thách thức về quản lý tài nguyên, do vậy công nghệ có thể trở thành tác nhân tạo nên sự thay đổi. Với chuỗi thực phẩm đa dạng trong khu vực, trải dài từ sản xuất đến bán lẻ cho tới nhà hàng, các doanh nghiệp cần được giúp đỡ để quản lý toàn bộ hoạt động của họ, dự báo nhu cầu thông qua dữ liệu lớn (big data) để cung cấp thực phẩm kịp thời, cũng như cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng.  Những biện pháp này sẽ giúp  giải quyết vấn nạn khan hiếm lương thực một cách bền vững.”

Phát biểu tại tọa đàm, ông Leonardo Rabelo, Giám đốc Tài chính của Dole Asia Holdings, đã chia sẻ những nỗ lực của công ty trong việc đổi mới các phương pháp canh tác, bảo đảm hiệu suất thu hoạch tốt hơn cho người nông dân, đồng thời đẩy mạnh các phương pháp sản xuất và chế biến bền vững để giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm trong phạm vi hoạt động rộng lớn của doanh nghiệp.

Ông Leonardo Rabelo cho biết: “Chúng tôi theo đuổi chủ nghĩa tối giản trong hành trình giảm thiểu thất thoát thực phẩm về 0. Việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp (Agtech) là rất quan trọng trong chương trình giảm thiểu chất thải công nghệ cao và chủ động của chúng tôi. Việc ứng dụng Internet Vạn vật (IoT) trong trang trại, theo dõi trên từng giai đoạn và số hóa toàn bộ quy trình sẽ là những siêu năng lực mới cho phép chúng tôi cải thiện chất lượng và giá trị sản phẩm và giảm đáng kể lượng chất thải phát sinh. Đối với những chất thải còn lại, hướng đi của chúng tôi là cố gắng tận dụng để tạo ra những sản phẩm khác, thí dụ chuối nghiền, chuối đông lạnh,…. Ở Dole, “nghệ thuật có thể” (Art of possible) và sự nhiệt huyết là kim chỉ nan của chúng tôi trong việc giảm thiểu lãng phí trái cây bằng không (zero fruit waste).”

Số hóa trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

Nhu cầu thực phẩm nói chung đang trên đà tăng trưởng, cùng với sự gia tăng dân số và tầng lớp trung lưu. Chính vì vậy, các quốc gia cần phải xem xét nhiều biện pháp để bảo đảm an ninh lương thực trong nước và thúc đẩy nông nghiệp địa phương, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào xuất nhập khẩu lương thực.

Những hỗ trợ về công nghệ và tài chính cho nông dân và các doanh nghiệp thực phẩm là vô cùng cần thiết để tăng sản lượng và có dữ liệu đầy đủ hơn về tình trạng sức khỏe hoa màu, đặc biệt là đối với các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) – nơi sản xuất gần một nửa sản lượng lúa gạo của Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ về việc Lộc Trời đã tiên phong trong việc triển khai tiêu chuẩn lúa gạo bền vững đầu tiên trên thế giới cùng với nông dân khắp ĐBSCL, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và đưa các loại gạo được chứng nhận Nền tảng Lúa gạo Bền vững (Sustainable Rice Platform, SRP) đến thị trường trong nước và thế giới.

Ông Nguyễn Duy Thuận cho biết: “Lộc Trời đang liên kết với hơn 200.000 nông dân, hướng đến 1 triệu nông dân vào năm 2024, với công suất xay xát hàng năm lên đến 6 triệu tấn. Với nền tảng là tri thức nông nghiệp, Lộc Trời đang phát triển các giống cây trồng mới và xây dựng các quy trình, phương pháp canh tác tiết kiệm tài nguyên, đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như drone, ứng dụng bệnh viện trực tuyến để tư vấn chữa bệnh cho cây trồng trên cây lúa và cây ăn trái. Chúng tôi tham gia chương trình SATForRice (Vệ tinh cho cây lúa) của Chính phủ Hà Lan, dùng AI để tiến hành phân tích bằng quang phổ, tương tác về thổ nhưỡng, qua đó biết trước được sản lượng cũng như nguy cơ dịch bệnh của năm sau. Chúng tôi cũng cùng bà con nông dân xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc qua QR Code để nâng cao trị giá sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.”

Lộc Trời vừa trải qua hành trình chuyển đổi số với việc chính thức vận hành hệ thống SAP S/4HANA vào năm 2020, giúp chuẩn hóa tất cả các quy trình theo thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực lập kế hoạch và tự động theo dõi tất cả các hoạt động kinh doanh, đồng thời tối ưu hóa khả năng cạnh tranh và hội nhập trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Việt, Tổng Giám đốc SAP Việt Nam, cho biết: “Người tiêu dùng ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng quan tâm tới chất lượng cũng như nguồn gốc thực phẩm mà họ tiêu thụ. Họ có xu thế tin tưởng và thân thiện hơn với những sản phẩm được sản xuất từ những công ty có chính sách tốt với môi trường. Ở góc độ vĩ mô, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những cam kết và giảm phát thải nhà kính lên đến 9% từ nay đến năm 2030, hay giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Với chủ trương như vậy, chắc chắn các bộ ngành sẽ có những hướng dẫn để cam kết đó sớm đi sâu vào cuộc sống hàng ngày của người dân. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng chạy đua để có thể đồng hành cũng người tiêu dùng về mục tiêu bảo vệ môi trường.”

Ông Nguyễn Hồng Việt nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, chuỗi cung ứng số là giải pháp để chuyển đổi hoạt động doanh nghiệp theo hướng bền vững ngay cả khi môi trường kinh doanh thay đổi. Chuỗi cung ứng số mang đến sự linh hoạt và cái nhìn sâu sắc hơn về toàn bộ các quy trình doanh nghiệp. Tất cả chúng ta đều phải đưa ra những quyết định tốt hơn cho cộng đồng, cho tương lai, và giải pháp số là chìa khóa để hiện thức hóa các mục tiêu phát triển bền vững này.”

Tính minh bạch –  mắt xích yếu trong chuỗi giá trị thực phẩm

Trong bối cảnh các doanh nghiệp thực phẩm Đông Nam Á đang “quốc tế hóa” hoạt động của mình, việc tạo ra một chuỗi giá trị thực phẩm linh hoạt và bền bỉ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm trong tương lai. Những yếu tố quyết định bao gồm sự tích hợp và cộng tác nhiều hơn giữa các đối tác, cùng với chuỗi cung ứng số cung cấp những thông tin kịp thời, chính xác trong các hoạt động của đối tác cũng như của chính họ.

Để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn (circular economy), SAP vừa ra mắt giải pháp Thiết kế và Sản xuất có trách nhiệm SAP (SAP Responsible Design and Production), một giải pháp thiết kế sản phẩm bền vững, giúp các doanh nghiệp đo lường và quản lý dữ liệu một cách hiệu quả. Giải pháp này giúp các doanh nghiệp có cái nhìn cụ thể và rõ ràng hơn về dòng chảy nguyên liệu xuyên suốt quá trình hoạt động của họ, bao gồm theo dõi và tuân thủ các quy định về môi trường, đặc biệt là những quy định liên quan đến nhựa và bao bì sản phẩm.

VIDEO: Khám phá làm thế nào doanh nghiệp bạn có thể áp dụng chuỗi cung ứng bền vững để trở nên thân thiện với môi trường

Nguồn: Southeast Asia’s sustainable growth hangs in balance if future food security and food wastage left unaddressed

MEDIAONLINE

Nguồn do SAP cung cấp.