Tình thầy trò, đồng nghiệp nồng ấm đất Sài Gòn
♦ PHP: Bài viết này được anh Lê Đại Anh Kiệt, một người bạn và đồng nghiệp của tôi viết về thấy Nguyễn Hữu Hệ, một vị thầy của trường Trung học Công lập tỉnh Kiến Tường của chúng tôi trước năm 1975. Bài được đăng trên Giai phẩm Xuân Đinh Dậu 2017 của báo Người Việt (Hoa Kỳ) và được đăng trên báo Người Việt Online ngày 6-2-2017. Do địa chỉ website của báo này không thể truy cập được một cách bình thường ở Việt Nam, tôi xin phép báo Người Việt và tác giả Lê Đại Anh Kiệt cho tôi được đăng lại bài viết này ở đây để thầy trò Trung học Kiến Tường có thể đọc được. Chân thành cảm ơn và xin được giới thiệu cùng các bạn.
Người ta thường nói cuộc sống đô thị tình người lạt lẽo, con người khép kín. Thế nhưng, Sài Gòn, vùng đất bao dung cưu mang những người tứ xứ và nuôi dưỡng trong lòng đô thị những câu chuyện nghĩa tình.
Câu chuyện dưới đây như bài học mẫu mực cho đạo nghĩa thầy trò và tình đồng nghiệp. Bởi vì học trò và đồng nghiệp của ba ngôi trường cũ chung tay nuôi dưỡng, chăm sóc và tranh đấu đòi công lý cho một thầy giáo già đơn côi, mắc bệnh tâm thần, bị lừa lấy mất nhà. Những học trò nay đã là giáo viên hưu trí vẫn tương kính bạn của thầy như chính thầy mình.
Thầy Nguyễn Hữu Hệ từ miền Bắc một mình di cư vào Nam là giáo viên toán trải qua ba trường Trung Học Kiến Tường (Long An,1964-1968), Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Ðức (1969-1975), sau 1975, trường Kiểu Mẫu giải thể thầy chuyển về trường Trung Học Marie Curie cho đến lúc về hưu.
Xưa nay, thầy sống một mình trong ngôi nhà thừa kế từ mẹ nuôi ở số 19 Duy Tân, quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Từ cuối năm 2015, thầy Hệ thuê cô Thu Huyền giúp việc và cho cô cùng hai con ở chung nhà. Cô Huyền tự giới thiệu mình là cháu của thầy, ai nghe cũng ngỡ thật.
Tháng Tư vừa rồi, nghe thầy bị va quẹt xe, bị đau chân, anh Quang Tuấn và chị Thủy Anh đại diện nhóm cựu học sinh Kiểu Mẫu Thủ Ðức mang đến tặng thầy $1,900. Bình thường, thầy luôn ăn mặc tươm tất khi tiếp khách nhưng lần này thầy mặc quần đùi, áo không cài nút. Chị Thủy Anh phải cài nút áo cho thầy và vẫn nghĩ là chuyện lơ đễnh bình thường.
Ðầu Tháng Sáu, anh Bình Phương, cựu học sinh Marie Curie (định cư ở Canada) đến thăm thấy thầy có dấu hiệu hoang tưởng nên khuyên cô Huyền đưa thầy nhập viện Tâm Thần Chợ Quán. Cô Huyền cũng gọi điện báo tin cho nhóm cựu học sinh Marie Curie, nhóm này đã quyên góp giúp thầy 22 triệu đồng để điều trị.
Chị Thủy Anh cũng được tin và đến bệnh viện thăm thì biết thầy Hệ không còn nhận thức được nên báo tin cho các cựu học sinh và thầy cô trường Kiểu Mẫu. Từ Mỹ, thầy Nguyễn Ðình Loạt là đồng nghiệp với thầy Hệ ở cả hai trường Kiến Tường và Kiểu Mẫu đã email cho anh Trần Ngọc Bách, cựu học sinh Kiến Tường báo tin thầy Hệ bệnh.
Từ đây, ba nhóm cựu học sinh ba trường đã gặp nhau cùng hợp sức chăm sóc cho thầy. Anh Bách thuê người chăm sóc thầy 24/24. Chị Tuyết Nhung, cựu học sinh Marie Curie, hằng ngày lo cơm nước.
Ðiều kỳ lạ là bác sĩ điều trị khuyên nên đưa thầy về nhà điều trị ngoại trú sẽ tốt hơn nhưng cô Huyền cứ kiếm cớ nhà đang sửa, rồi đưa thầy Hệ hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Từ Tâm Thần Chợ Quán, sang Chợ Rẫy, Trung Tâm Phục Hồi Chức Năng quận 8 đến bệnh viện Bình Dân.
Không chỉ học trò cũ mà các đồng nghiệp cũ như thầy Bùi Quang Hân (Kiểu Mẫu Thủ Ðức, hiện là chuyên gia đào tạo học sinh giỏi, tác giả nhiều bộ sách giáo khoa Vật Lý), thầy Nguyễn Ngọc Long và thầy Nguyễn Văn Út (Marie Curie) cùng nhau lo lắng cho thầy Hệ.
Thầy Út đã vận động các cựu giáo viên Marie Curie năm triệu đồng và bỏ tiền túi hai triệu đồng giúp thầy Hệ.
Khi hình ảnh thăm viếng thầy Hệ đưa lên trang web trường Kiểu Mẫu, một cựu học sinh nhận ra và báo động là cô Thu Huyền giúp việc có nhiều tai tiếng bất hảo về tiền bạc.
Các cựu học sinh tìm hiểu thì hóa ra bằng cách nào đó cô Huyền đã làm giấy mua nhà thầy Hệ và đã bán, giao nhà cho người khác. Căn nhà trị giá 6 tỉ đồng đã “bán” cho cô Huyền 700 triệu đồng, sau đó cô Huyền bán lại 3.9 tỉ đồng ngay trong tháng. Tất cả tiền bạc giúp đỡ và cả giấy tờ tùy thân, sổ lương hưu của thầy Hệ cô ấy đều giữ.
Vì vậy, cựu học sinh và các thầy bàn nhau phải tìm chỗ ở an toàn cho thầy Hệ sau khi xuất viện. Việc bàn tính đưa thầy đến Trung Tâm Nuôi Dưỡng Người Già được đặt ra nhưng bất thành vì thầy không có người thân bảo lãnh.
Lúc đầu, mọi người dự định đưa thầy về nhà một cựu học sinh ở Hóc Môn nhưng người quản lý nhà lại không ở lại ban đêm nên không ổn. Ðêm đầu tiên sau khi xuất viện, thầy Hệ về nhà thầy Út. Do thầy Hệ không tự tiêu tiểu được, thầy Út (80 tuổi) đã tự tay chăm sóc tắm rửa lau dọn chất thải cho thầy Hệ. Tự tay thầy Út bón cơm cho bạn như người ruột thịt.
Sau đó, chị Tuyết Nhung (Marie Curie) rước thầy Hệ về nhà mình chăm sóc hai tuần. Hằng ngày thầy Út chạy xe gắn máy hơn 20 phút từ nhà mình sang nhà Tuyết Nhung để tập thể dục dưỡng sinh cho bạn. Trong suốt thời gian ấy Tuyết Nhung và Bảo Nhân đã chăm sóc thầy như cha ruột.
Vào đầu Tháng Chín, có tin nhà thầy Hệ đang mở cửa, nhóm cựu học sinh quyết định đưa thầy về lại nhà. Nhưng chỉ ở đây được ba ngày, người mua nhà đã thuê côn đồ ném thầy Hệ ra đường. May mắn là khi xảy ra tranh chấp với người mới mua nhà, chòm xóm đã cung cấp cho họ số điện thoại của anh Nguyễn Hoài Ðức, cháu ruột thầy Hệ. Hóa ra, Thu Huyền còn giấu nhẹm việc thầy Hệ có cháu và giấu thông tin thầy Hệ bị bệnh với người cháu.
Các thầy và học trò cũ tiếp tục sát cánh với gia đình anh Ðức điều trị bệnh cho thầy và làm đơn tố cáo cô Huyền, đòi trả lại nhà và các giấy tờ tùy thân cho thầy.
Ba nhóm cựu học sinh của ba ngôi trường khác nhau đã quần tụ thành một nhóm. Những thầy đồng nghiệp của thầy Hệ trở thành thầy của cả ba nhóm cựu học sinh. Họ tự giác chia sẻ công việc dưới sự bảo ban của các thầy, những việc quan trọng đều xin ý kiến các thầy.
Anh Trần Ngọc Bách và Nguyễn Thanh Phong (Kiến Tường) chuyên trách đưa đón thầy Bùi Quang Hân và Nguyễn Văn Út, Nguyễn Ngọc Long trong mỗi lần hội họp. Chị Tuyết Nhung (Marie Curie) dù là giám đốc doanh nghiệp tư nhân, hào phóng đảm nhận hầu hết các chi phí cho thầy Hệ nhưng nhất nhất mọi việc đều trao đổi với các anh Bách, Phong hoặc anh chị Quang Tuấn, Thủy Anh (Kiểu Mẫu) như một người em út trong nhà.
Ngay với các cựu học sinh đang định cư ở nước ngoài như Bình Phương, Phú (Marie Curie) cũng thường xuyên liên thông với Bách, Phong. Chỉ cần một người có thông tin là cả nhóm đều biết tin. Do uy tín và tình cảm của thầy Hệ sâu đậm với nhiều thế hệ cựu học sinh nên điều đáng ngại nhất là việc lợi dụng danh nghĩa và hoàn cảnh thầy Hệ để trục lợi.
Thực tế đã xảy ra. Một thanh niên tự xưng là công an viết giấy cam kết sẽ trả lại nhà trong vòng một tháng. Nhưng trước sự nhạy cảm của các cựu học sinh, họ đã giăng bẫy và báo tin cho công an quận 10 để bắt khi người này kèn cựa ra giá số tiền 15 triệu đồng.
Chuyện ông thầy bị lừa chiếm nhà rõ mười mươi nhưng với nền tư pháp Việt Nam sự vụ cứ đong đưa từ công an quận này sang quận khác mà không ai xử lý. Các cựu học sinh lại họp nhau tìm cách.
Trực tiếp tham dự hai cuộc họp của nhóm cựu học sinh, tôi bàng hoàng xúc động thấy mình như lạc trở về không gian của lớp học thời trung học 40 năm về trước. Từng anh chị, trong đó nhiều người đã là thầy giáo về hưu như Quang Tuấn, Thủy Anh (Kiểu Mẫu), Hòa, Bách, Phong (Kiến Tường) lần lượt trình bày với các thầy phần việc của mình và các đề xuất. Phần các thầy cũng hiền hòa khoan ái nhưng không thiếu trang nghiêm mực thước răn dạy dù đó là học trò của bạn mình.
Tôi như ngấm mãi lời dạy của thầy Bùi Quang Hân nói với cả ba nhóm trong cuộc họp ngày 18 Tháng Chín, 2016: “Ở đây có các em là cựu học sinh thế hệ 1963-1964 đến nay đã hơn 50 năm vẫn giữ tình cảm với thầy Hệ như thế thật đáng quý. Trên đời này hiếm có người hạnh phúc như thầy Hệ. Thay mặt bạn mình, thầy cám ơn các em. Với thầy Hệ chúng ta có ba việc cần lo là điều trị phục hồi sức khỏe, có chỗ trú ngụ an toàn, và đòi lại tài sản. Hai việc trước đã ổn, việc pháp lý thầy không rành tùy các em trù liệu. Nhưng thầy nhắc nhở việc thông tin chia sẻ chuyện thầy Hệ, phải chọn đúng người, đúng chỗ, thái độ cho đúng. Trên mạng, có một vài em bàn chuyện này như đàm tiếu chuyện tò mò là không nên, có em lại ‘like.’ Có gì vui mà ‘like’ chứ!”
Lời nói ngắn nhưng là tầm nhìn, tấm lòng của nhà mô phạm. Thầy Hân không chỉ chăm sóc bảo vệ sức khỏe, tài sản mà còn giữ gìn cho bạn cả giá trị tinh thần, danh dự, uy tín của người thầy.
LÊ ĐẠI ANH KIỆT
Bài đăng trên Giai Phẩm Xuân Người Việt Đinh Dậu