Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Tản mạn từ con đường phượng đỏ

 + Photo: Hàng cây phượng đỏ chạy dọc theo Quốc lộ 80 ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).

Hôm rồi có dịp về thăm gia đình ông anh ở An Giang, sau khi qua phà Vàm Cống, xe qua cầu Si Mô Na một lúc trên đoạn Quốc lộ 80 chạy qua huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), tôi choáng ngợp vì sắc đỏ hoa phượng rực cả một đoạn đường dài mấy cây số. Quốc lộ chạy cặp theo theo một con kênh, và trên bờ kênh, người ta trồng một hàng phượng đỏ. Nhiều cây mới trồng còn phải có nạng chống cho thấy địa phương có cả một kế hoạch duy trì và phát triển cây phượng.

Hoa phượng ở Việt Nam bao đời nay gắn liền với thời học trò, với nhà trường. Có thể nói đó là loài hoa học trò. Mỗi năm, cứ thấy hoa phượng bắt đầu nở là người ta biết mùa hè đã về. Xưa nay đã có biết bao bài thơ, văn, bài hát, phim ảnh rực màu hoa phượng đỏ.

Điều làm chạnh lòng những người từng một thời hoa phượng đỏ như tôi là giờ đây hiếm còn cây phượng trên sân trường. Phượng vẫn còn đó, nhưng là ở… ngoài đường, ở những nơi không gắn với thầy trò. Đành rằng hoa phượng trổ ở đâu cũng vẫn là hoa phượng, nhưng chỉ ở trong sân trường nó mới là loài hoa học trò. Đó là một loại giá trị tích tụ từ biết bao thế hệ thầy trò từng thả bước trên sân trường dưới những tàng hoa phượng đỏ.

Tôi vẫn day dứt, trăn trở một điều: vì sao đã khôi phục lại được cái câu slogan “Tiên học lễ, hậu học văn” mà các nhà trường lại bỏ quên những cây phượng đỏ trên sân trường? Những sân trường bị bêtông hóa hay những ngôi trường bí rị trong thành phố không có chỗ thở đừng nói chi sân chơi thì chẳng nói làm gì, chỉ tiếc là ngay cả những ngôi trường có mặt bằng rộng rãi vẫn không có chỗ cho cây phượng dung thân. Hình như bây giờ nhà trường luôn phải căng mình với cuộc chạy đua thành tích học tập, thi cử cùng với chỉ tiêu doanh thu mà chẳng đoái hoài gì tới việc tạo đất sống nuôi những tâm hồn học trò. Hình như người ta nghĩ rằng học trò tới trường chỉ là để được trang bị kiến thức, để đạt được những trình độ học vấn. Hình như chính nhà trường cũng xác định mình chủ yếu là nơi dạy học trò thành tài. Trong khi đó, từ nguyên thủy, nhà trường là môi trường giáo dục đào tạo giới trẻ vừa thành tài, vừa thành nhân. Nhân tài không thể được hiểu đơn thuần là “người có tài”, mà phải là người vừa có tài, vừa biết làm người. Vì thế, theo thiển ý của tôi, đào tạo được những con người (thành nhân) còn quan trọng hơn việc trang bị kiến thức. Tri thức được trao vào tay những kẻ không được đào luyện con người đích thực sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm cho cả cộng đồng xã hội tương lai. Việc học là một quá trình lâu dài, cả đời người; nhưng việc uốn nắn, mài giũa một con người thành con người thật sự thì chỉ có thể làm được trong giai đoạn đầu của cuộc đời. Chẳng ai có thể uốn cây thành kiểng khi nó đã trưởng thành. Liệu tôi có cực đoan không nhỉ?

PHP

(Saigon 7-7-2012)