Lính trẻ em ở châu Phi
Salif Haidara đang ngồi uống trà bên vệ đường với những hành khách xe khách mệt mỏi khác thì có một người đàn ông đội khăn xếp turban và có bộ râu quai nón dài tới hỏi có muốn trở thành các chiến binh thần thánh không?
Hai phóng viên Baba Ahmed và Krista Larson của hãng tin Mỹ AP tại Mali, một nước cộng hòa ở Tây Phi, ngày 4-10-2012 đã mở đầu phóng sự về tình trạng lính trẻ em ở Lục địa Đen bằng câu chuyện như vậy.
Cậu bé tuổi thiếu niên ốm tong teo Salif vừa rời khỏi thị trấn quê hương nghèo khổ ở vùng sa mạc của mình với bộ đồ mong manh trên người, và vừa trải qua 4 ngày đêm đi trên chiếc xe khách này. Cậu bị choáng khi nghe ông kia nói rằng cậu có thể kiếm được 15.000 quan (khoảng 30 USD) một ngày cho bản thân và 200.000 quan (400 USD) một tháng cho gia đình. Đây quả là những món tiền khổng lồ đối với một cậu bé nghèo mới bước sang tuổi 16.
Có một chiếc xe đang chờ để chở những người đồng ý gia nhập tới một trại huấn luyện trong vùng sa mạc mênh mông của Mali. Ở đó, họ sẽ trải qua 2 tuần học cách sử dụng vũ khí. Nhưng trước tiên, người đàn ông xưng tên Omar nói rõ: “Một khi nhận tiền và ăn bữa của chúng tôi, coi như các bạn đã thỏa thuận xong. Các bạn sẽ ở trong hàng ngũ cho tới khi chết hay khi cuộc chiến tranh này kết thúc.”
Các lính trẻ em ở một trại huấn luyện tại Douentza (Mali) đang đọc Kinh thánh Koran. (Nguồn ảnh: Internet)
Trên khắp miền bắc Mali, các nhóm Hồi giáo cực đoan đã trả tiền tuyển mộ được tới 1.000 trẻ em từ các làng mạc và thị trấn nông thôn đang bị nhận chìm trong cảnh nghèo đói. Phóng viên hãng tin AP đã tiến hành hàng chục cuộc phỏng vấn các cư dân địa phương, các quan chức tổ chức nhân quyền, 4 đứa trẻ và 1 quan chức của tổ chức Hồi giáo cực đoan. Họ cũng tận mắt nhìn thấy nhiều trẻ em vác những khẩu súng tự động đi tới đi lui trên những đường phố ở Timbuktu, nơi những người phương Tây không còn dám lai vãng tới nữa vì sợ bị bắt cóc.
Các cuộc phỏng vấn này đã hé lộ quy trình tuyển mộ các tay súng của các nhóm Hồi giáo cực đoan, trong đó có việc dùng tiền để chiêu mộ tân binh, đặc biệt là từ các gia đình nghèo ở nông thôn. Chúng cũng cho thấy có một thế hệ mới đang trở nên cực đoan hơn ở một đất nước Hồi giáo lâu nay thuộc loại ôn hòa. Ở Mali hiện nay, các tổ chức Hồi giáo cực đoan đang tập trung lực lượng để chiến đấu chống lại nguy cơ bị quốc tế can thiệp quân sự dưới sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc.
Hai lính trẻ em Abdullahi, 13 tuổi (bìa phải) và Hamadi, 14 tuổi (thứ hai) đang cho các phóng viên hãng tin Mỹ AP xem những bài học giáo lý Hồi giáo của mình. Ảnh chụp tại Douentza (Mali) ngày 27-9-2012. (Nguồn ảnh: Internet)
Amadou Bocar Teguete, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền quốc gia Mali, nói rằng: “Chúng ta cần can thiệp nhanh chóng để làm nản lòng những kẻ này. Trẻ em thì ngây thơ và không biết những gì chúng đang làm, để rồi sau đó chúng bị chuyển hóa thành những kẻ tội phạm trẻ.”
Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), lính trẻ em đang chiến đấu ở ít nhất là 14 nước khác trên thế giới. Nhưng Mali vốn là một nước dân chủ ổn định cho tới khi xảy ra đảo chính quân sự hồi tháng 3-2012, và các chuyên gia nói rằng việc tuyển mộ và truyền bá tôn giáo cho các lính trẻ em ở đây cho thấy một sự phát triển mới đầy nguy hiểm.
Lính trẻ em hiện được sử dụng trong tất cả các nhóm vũ trang hoạt động ở miền bắc Mali. Nhưng tổ chức Hồi giáo cực đoan, bao gồm một nhóm dân quân có tên là Ansar Dine, là một trong những lực lượng tuyển mộ tân binh ồ ạt nhất.
Cơ quan về trẻ em của LHQ UNICEF cho biết họ đã có thể xác minh được ít nhất là 175 trường hợp lính trẻ em ở miền bắc Mali trong năm nay. Cha mẹ của chúng đã nhận được từ 500.000 quan (khoảng 1.000 USD) tới 600.000 quan (1.200 USD) cho mỗi đứa trẻ đi lính cho các tổ chức vũ trang chống chính phủ. Chi nhánh của Ủy ban Nhân quyền Mali tại thành phố Timbuktu nói rằng có một số gia đình được những nhóm tuyển mộ lính trẻ em trả tới 1 triệu quan (2.000 USD) cho mỗi lính trẻ em. Trên cơ sở các phỏng vấn của mình, hãng tin AP cho biết một số gia đình được hứa hẹn sẽ có được mỗi năm 4.800 USD cho một lính trẻ em, số tiền nhiều hơn gấp 4 lần thu nhập bình quân hàng năm của mỗi người ở Mali.
Các quan chức nhân quyền của Mali cũng cho biết tổng số lính trẻ em được tuyển thực tế cao hơn con số 1.000 em mà LHQ ước tính. Đó là họ chỉ mới dựa vào con số của các thành phố lớn là Timbuktu, Gao và Kidal. Chỉ nội ở Timbuktu hiện đã có ít nhất 200 lính trẻ em đang hoạt động.
Sau khi nhóm binh lính làm đảo chính lật đổ vị tổng thống dân cử, các tổ chức Hồi giáo cực đoan đã chiếm quyền kiểm soát miền bắc nước này, và gần 500.000 người đã phải di tản. Nhiều người phải ở lại vì không có phương tiện di tản.
El Boukhari Ben Essayouti, Tổng thư ký Hiệp hội Nhân quyền Mali ở Timbuktu, nói rằng: “Các tổ chức Hồi giáo cung cấp tiền và thực phẩm cho các cha mẹ, vì thế bọn trẻ nhỏ không có sự lựa chọn nào khác. Cảnh nghèo đói và khổ cực đã đẩy những đứa trẻ về phía những tổ chức Hồi giáo cực đoan.”
Lính trẻ em 13 tuổi Abdullahi cầm một khẩu AK-47 đang đứng với một tay chỉ huy ở Douentza (Mali) ngày 27-9-2012. (Nguồn ảnh: Internet)
Việc tuyển mộ lính trẻ em cũng có thuận lợi ở chỗ miền tây châu Phi có truyền thống lâu đời là cha mẹ ở vùng nông thôn thường gửi con mình tới các thành phố xa xôi để theo học các trường Hồi giáo, đặc biệt là khi họ không có tiền trả học phí và nuôi ăn cho bọn trẻ.
Theo những quan chức chính quyền địa phương ở Mali, các lính trẻ em sống trong những trại quân sự cùng với những tay súng Hồi giáo. Thầy dạy quân sự và truyền bá giáo lý Hồi giáo cho chúng chính là những thành viên của AQIM, chi nhánh Bắc Phi của hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda. Một lính trẻ em mà phóng viên hãng tin AP tiếp xúc cũng xác nhận các thầy giáo của mình là thành viên AQIM người Algeria.
Như vậy, chuyện lính trẻ em ở châu Phi không chỉ là một vấn nạn về nhân quyền và sự an toàn cho trẻ em, mà còn là một nguy cơ về sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 5-10-2012)
Child soldiers in Africa.
The life of a childsoldier.