Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Cuộc khủng hoảng những “em bé bự” ở Ý

Hành khách tại nhà ga Termini ở Rome (Ý) phải chờ đợi xe lửa do nghiệp đoàn công nhân xe lửa đình công 24 giờ để phản đối việc chính phủ cắt giảm ngân sách và công ty không ký hợp đồng lao động mới.

“Bamboccioni” trong tiếng Ý có nghĩa là “em bé bự” và “mammone” (con trai của mẹ), chúng được dùng để chỉ những người trưởng thành mà vẫn sống với cha mẹ mình. Kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây của Coldiretti, một hội nông dân quốc gia, và hãng nghiên cứu thị trường Censis cho thấy có tới 1 phần 3 số người Ý trưởng thành và tới hơn 60% số người trưởng thành còn trẻ ở Ý đang sống cùng cha mẹ. Các chuyên gia cho rằng chính cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài ở châu Âu đã làm tăng thêm cái hiện tượng văn hóa đặc thù của người Ý này.

Theo khảo sát này, trong độ tuổi 18 tới 29, tỷ lệ số người sống với cha mẹ cao tới 61%. Trong số những người không trực tiếp sống tại nhà cha mẹ, có 42% cư ngụ chỉ cách nhà cha mẹ trong vòng 30 phút đi bộ.

Không phải đơn giản là vòng tay ấm áp của những người mẹ Ý đang giữ chân các đứa con trưởng thành vẫn ở lại nhả cha mẹ. Hiện tượng “em bé bự” này trong những năm gần đây gia tăng phần lớn vì thời buổi kinh tế quá khó khăn ở châu Âu. Thu nhập giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao đang khiến nhiều thanh niên phải quay về bám víu cha mẹ mình.

Hiện tượng này tất nhiên là không mới. Giống như hầu hết các nước vùng Địa Trung Hải, Ý đặc biệt nhấn mạnh vào tình đoàn kết gia đình. Những người mẹ vẫn giữ vai trò được tôn kính trong xã hội Ý và người Ý thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi vẫn duy trì sự trung thành mạnh mẽ với vùng đất quê nhà của mình. Người Ý gọi hiện tượng này là “campanilismo”, có nghĩa là gắn kết quá mức vào các phong tục, tập quán của quê nhà mình.

Bản thân những người Ý trẻ tuổi cũng ít đi đó đi đây du lịch như các bạn đồng trang lứa ở Anh, Đức hay Áo. Vì thế, người ta hiếm khi nhìn thấy người Ý có trong những đám đông “Tây balô” du lịch ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.

Các nhà chuyên môn cho rằng: nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người trưởng thành trẻ sống với cha mẹ ở Ý tăng từ 48% vào năm 1990 lên 60% hiện nay là cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Người Ý phải đương đầu gay gắt hơn bao giờ hết với tình trạng chi phí xăng và thực phẩm tăng cao, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, tình trạng sa thải lao động tăng cao. Tình hình càng trở nên căng thẳng và bi đát hơn khi Thủ tướng Mario Monti, một nhà chính trị kỹ trị lên cầm quyền thay Thủ tướng Silvio Berlusconi bị mất tín nhiệm hồi tháng 11-2011. Chính phủ không do bầu cử mà ra này đã tiến hành chính sách khổ hạnh, thắt lưng buộc bụng để cố gắng giảm lạm phát và bội chi ngân sách quốc gia. Giống như một số nước Tây Âu khác, chính sách thắt lưng buộc bụng được coi như một liệu pháp chữa cháy để giúp đất nước khỏi rơi vào nguy cơ bị phá sản như Hy Lạp từng trải qua.

Tỷ lệ thất nghiệp bình quân ở Ý hiện là khoảng 10%. Nhưng ở trong độ tuổi 20, tỷ lệ này tăng vọt tới hơn 30%. Người ta gọi đây là một thế hệ NEET (Neither in Employment, Education, or Training, tạm dịch là “chẳng có việc làm, giáo dục hay đào tạo”). Những người này phải vật lộn với cuộc sống để tự tìm kiếm thức ăn và quần áo, phải tự tìm lấy nơi sống qua ngày.

Tình hình kinh tế quá tệ khiến cho việc tìm được một việc làm được trả lương tốt hiện nay thường tùy thuộc vào các mối quan hệ cá nhân chứ không phải chỉ dựa trên tài năng. Trong số những người đang có việc làm, phần nhiều lại chỉ có những hợp đồng ngắn hạn, khiến họ không thể vay tiền để mua hay thuê nhà ở, xe cộ.

Vì thế, theo Giáo sư Roberto D’Alimonte, một nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Luiss ở Rome, việc quy chụp những người Ý trẻ tuổi vẫn sống bám víu cha mẹ là người chây lười, ăn không ngồi rồi quả là bất công cho họ. Ông nói: “Tôi nghĩ  rằng cái thuật ngữ ‘bamboccioni’ có một nghĩa rộng tiêu cực và bất hạnh, vì thế không nên dùng nó làm gì. Sự thật là có khuynh hướng bẩm sinh mang tính văn hóa của người Ý trẻ khi thích sống gần cha mẹ mình, nhưng các nhân tố lớn nhất lại mang tính kinh tế. Nó khiến người Ý không thể rời khỏi nhà. Khi con trai tôi vừa tốt nghiệp kỹ sư, công việc đầu tiên của nó làm chỉ có mức lương tháng 800 euro, không đủ để thuê một chỗ ở tại Milan.”

Người Ý hiện nay ít có sự lựa chọn nào hơn là tiếp tục sống với cha mẹ mình, nếu không để được nuôi ăn thì cũng là để có chỗ tá túc. Đó là lý do mà có tới 1 phần 4 số người Ý ở độ tuổi 30-44 vẫn còn sống với cha mẹ mình. Trong khi đó là độ tuổi đã an phận tự lập, gia đình yên bề ở Bắc Âu và Bắc Mỹ.

Thật ra, Giáo sư D’Alimonte cho biết: hiện tượng “em bé bự” không phải chỉ có ở Ý đâu. Cuộc khủng hoảng kinh tế chung toàn cầu đã dẫn tới tình trạng tương tự ở nhiều nước khác. Ngay cả ở Mỹ, trong 4 năm qua, số người trẻ phải sống cùng cha mẹ đang tăng lên.

Chính cái cấu trúc gia đình chặt chẽ ở Ý đã có vai trò tích cực trong thời buổi khó khăn này. Báo cáo của Coldiretti và Censis vì thế có tên là “Khủng hoảng kinh tế – sống với nhau, sống tốt hơn”. Sergio Marini, Chủ tịch Hiệp hội Coldiretti, nhận xét: “Cấu trúc của gia đình Ý cho thấy là cơ sở chủ yếu trong việc cứu nhiều người khỏi tình trạng khó khăn trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Tình đoàn kết giữa các thế hệ mà trên đó gia đình Ý được hình thành đang chứng minh rằng sống cùng nhau sẽ sống tốt hơn.”

Cách đây vài năm, một vị bộ trưởng Ý đã có đề án soạn thảo một luật bắt buộc giới trẻ phải rời khỏi gia đình khi đạt tới tuổi trưởng thành. Nhưng rồi Bộ trưởng Renato Brunetta đã phải nhanh chóng xếp đề án này lên kệ. Bởi ông không thể cắt bỏ những người Ý trẻ ra khỏi cái tổ ấm an toàn của mình là nhà cha mẹ. Người ta phát hiện rằng ngay chính ông cũng được người mẹ dọn giuờng cho ngủ cho tới tận tuổi 30.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-2012)

Một cuối tuần của những “em bé bự” bamboccioni.