Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Gánh nặng nhân mãn và bi kịch tìm việc ở Ấn Độ

Chuyện nhân mãn quả là một vấn nạn triền miên của Ấn Độ, đất nước nhiều năm qua đứng thứ 2 thế giới về số dân, chỉ sau Trung Quốc. Hồi thập niên 1960, Ấn Độ từng đứng trước nguy cơ hầu hết dân chúng bị đói. Nhờ ứng dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng Xanh, Ấn Độ đã đẩy sản lượng lương thực lên, giải quyết được thảm họa đói hàng loạt hồi đó.

Chỉ có điều nguồn lực thiên nhiên thì hữu hạn. Mặc dù đã giảm được tốc độ sinh sản từ 2,13% hồi thập niên 1991-2001 xuống còn 1,79% trong thập niên 2001-2011, nhưng do số dân quá đông, tốc độ tăng dân số của nước Nam Á này vẫn kinh khủng. Theo số liệu điều tra dân số năm 2011, Ấn Độ có hơn 1,21 tỷ dân (so với 1,34 tỷ dân của Trung Quốc). Và theo các chuyên gia, trong vòng chưa tới 20 năm nữa, Ấn Độ sẽ tăng lên thành 1,6 tỷ dân, qua mặt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới. (Trung Quốc thành công trong cuộc chiến kềm hãm tốc độ tăng dân số, năm 2006 có tốc độ sinh sản chỉ 0,6%). Đây sẽ là một bi kịch cho tất cả, khi thu nhập quốc dân GDP (PPP) trên đầu người năm 2011 ước tính là 3.693 USD (đứng thứ 129 trên thế giới), trong khi của Trung Quốc tới 8.382 USD (xếp thứ 91).  

Tuy vậy, Ấn Độ có lợi thế là trong 3 hay 4 thập niên tới, nước này sẽ là một quốc gia thật trẻ, với hơn nửa dân số dưới 25 tuổi. Đó là nguồn lực lao động khổng lồ mà nếu biết sử dụng có hiệu quả sẽ trở thành động lực phát triền cho Ấn Độ.

Nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn hiện nay, tình hình kinh tế sa sút chung đang ảnh hưởng nặng tới số lao động quá đông của Ấn Độ. Thị trường lao động không thể giải quyết hết nhu cầu của người cần việc làm.

Trước nay, các nhà chính trị Ấn Độ vẫn thích khai thác tính trẻ của dân số nước này coi như nguồn động lực phát triển sẽ giúp đưa nước này thành một cường quốc kinh tế toàn cầu, trong khi các nước châu Á khác, đặc biệt là Nhật Bản, đang ngày càng lão hóa đi với đa số dân là dân bạc đầu. Họ coi Trung Quốc như một điển hình khi nhờ lực lượng lao động hùng hậu mà vừa có sức người, vừa có giá nhân công rẻ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đây sản xuất, gia công sản phẩm.

Vijay Kumar 6 năm rồi là khách hàng thường xuyên của trung tâm việc làm ở New Delhi. (Nguồn ảnh: Internet)

Vijay Kumar cầm khư khư một tấm bìa hồ sơ bằng nhựa đựng bằng tốt nghiệp trung học và chứng chỉ y tá khi tham gia vào một hàng dài người đứng xếp hàng tại một trung tâm giao dịch lao động ở ngoại ô New Delhi. Đó là công việc thường xuyên mà anh phải làm suốt 6 năm nay. Kumar là một trong hàng trăm triệu người Ấn Độ trẻ tuổi.

Những người tìm việc trẻ tuổi như Kumar đang chờ số phận mỉm cười ở khoảng 900 trung tâm việc làm của nhà nước trên khắp đất nước. Nhưng số lượng việc làm phổ thông do các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đưa ra lại quá hạn chế. Chính phủ cho biết có 6,6% người lao động của Ấn Độ đang bị thất nghiệp. Nếu tính luôn số phải làm những công việc bấp bênh, tạm bợ thì tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10,5%.

Kumar lớn lên ở bang miền đông nghèo khó Bihar. Giống như vô số người cùng trang lứa, anh phải đổ xô lên thủ đô để kiếm việc làm. “Ở Bihar không có hy vọng tìm được việc làm đâu. Người ta phải lựa chọn một trong hai: hoặc tới thủ đô, hoặc chết đói.”

Cơ quan lao động ở ngoại ô Shahdara của thành phố New Delhi nằm trong góc một sảnh lớn trong một tòa nhà chính phủ. Các bức tường phủ đầy bụi. Chiếc quạt trần uể oải quay giữa cái nắng nóng Nam Á. Những người xin việc ngồi đầy các băng ghế sắt. Mọi sự chú ý của họ tập trung vào một chiếc bàn duy nhất, nơi có một viên thư ký và một chiếc máy vi tính. Ở đây chỉ cung cấp những công việc giản đơn, cấp thấp nhất, như thư ký và người chạy vặt trong văn phòng. Chẳng hề gì. Với những ứng viên đang khát việc, công việc gì cũng là công việc. Mỗi ngày có vài trăm người xin việc tới đây, có những người chờ nhiều ngày rồi, có những người mới tốt nghiệp tới đăng ký việc làm lần đầu.

Rajinder Singh, viên thư ký của văn phòng việc làm, ngao ngán: “Chúng tôi đưa ra tất cả các loại công việc mà mình có được. Vấn đề là có quá ít việc trong khi có quá nhiều người cần việc.”

Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 10 của thế giới, đang tăng trưởng nhanh, thậm chí sau những đợt suy thoái vừa qua. Các doanh nghiệp cần lao động, đặc biệt là người trẻ. Nhưng không giống như ở Mỹ hay châu Âu, nơi nhiều ứng viên có tay nghề cao đang phải giành nhau một số ít công việc, ở Ấn Độ chỉ có một số ít người ở tuổi lao động có đủ khả năng cho các công việc đòi hỏi tay nghề cao. Người ta đổ thừa phần nào là do chất lượng giáo dục kém. Hàng triệu người xin việc có bằng tốt nghiệp chuyên nghiệp, nhưng thực chất họ không có đủ năng lực cho các công việc chuyên nghiệp như các trường cấp bằng hứa hẹn. Ashish Bose, một chuyên gia về dân số hàng đầu, nói rằng: Bất cứ ai có tay nghề vững đều có thể tìm được việc làm.

Đó là bi kịch nghiệt ngã cho Kumar và những người tìm việc khác ở Ấn Độ. Anh được một nhóm thợ sơn nhà thuê làm lao động theo hình thức từng ngày. Cứ mỗi 6 tháng, Kumar lại phải tới trung tâm việc làm để đăng ký lại. “Tôi hy vọng rất cao. Mỗi ngày tôi sống bằng những hy vọng.”

Rất đông phụ nữ thất nghiệp đang tìm may mắn tại một trung tâm việc làm ở Allahabad (Ấn Độ) (Nguồn ảnh: Internet)

Ấn Độ là một xã hội phức tạp. Sự bất bình đẳng về kinh tế và khu vực kết hợp với những căng thẳng về tôn giáo và đẳng cấp xã hội càng làm cho giới trẻ tìm việc làm thêm nhiều khó khăn, bất trắc. Đây là nước có số lượng người mù chữ cao nhất thế giới, tới hơn 250 triệu người. Trong thời gian qua, nhà nước đã đầu tư rất lớn trong việc giáo dục và đào tạo tay nghề. Nhưng hiện chỉ có 15% số người đang tuổi lao động là có đủ tay nghề cần thiết để tìm được một việc làm tốt.

Dharmender Singh Rawat là một người săn việc lâu năm. Anh được đào tạo thành tài xế xe buýt, nhưng vẫn không thể tìm được việc làm. Thậm chí, anh đi đầu quân cũng bị từ chối. Anh hiểu khó khăn của mình còn ở chỗ xuất thân từ đẳng cấp xã hội thấp. Không có việc làm, Rawat giết thời giờ hàng ngày bằng cách xem tivi và nuôi những giấc mơ có nhà sang trọng và xe ôtô xịn. “Khi tôi nằm mơ, tôi là một người khác hẳn.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-11-2012)

Cảnh chen chúc trên cac1 phương tiện giao thông thường thấy ở Ấn Độ.