Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Những tín hiệu lạc quan cho bi kịch AIDS toàn cầu


Ngày bệnh AIDS Thế giới – World AIDS Day (1-12) năm 2012 này đã được tố chức trên toàn cầu để tiếp tục cảnh báo loài người nâng cao hơn nữa ý thức về căn bệnh dịch thế kỷ này. Và năm nay, thế giới đã thấy được rõ hơn ánh sáng ở cuối đường hầm, có được những tín hiệu lạc quan hơn về cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Theo số liệu của Liên hiệp quốc, khoảng 34 triệu người trên thế giới đang sống với virus HIV. Nội trong năm ngoái có thêm 2,5 triệu người nhiễm mới và 1,7 triệu người chết vì HIV/AIDS. Ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) vừa đưa ra lời báo động về tình trạng lây nhiễm HIV trong thiếu niên và giới trẻ với 1.000 trường hợp nhiễm mới mỗi tháng. Nhưng các chuyên gia đều cùng nhận định rằng thế giới đang tiến gần tới chỗ ngoặt về dịch bệnh AIDS. Những tiến bộ trong nghiên cứu và điều trị HIV/AIDS đã khiến nhiều nhà chuyên môn cảm thấy hy vọng hơn trước đây.

Những báo cáo chung trên quy mô toàn cầu cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan có căn bản. Khu vực có lẽ đạt tiến bộ nhất là giảm được số lượng nhiễm HIV mới nơi trẻ em. Một nửa trong số lượng người nhiễm HIV mới giảm được trên toàn cầu trong 2 năm qua là ở trẻ mới sinh. Việc mở rộng số người đước điều trị bằng liệu pháp kháng virus antiretroviral therapy (ARV) là nhân tố số 1 trong việc giảm số người chết vì HIV/AIDS. Trong 24 tháng qua, số người nhiễm HIV được điều trị ARV để kéo dài sự sống trên toàn cầu tăng tới 63%. Bất chấp những khó khăn về kinh tế, các nước đã đầu tư nhiều hơn vào cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS. Năm 2011, ngân sách cho AIDS đạt 16,8 tỷ USD và nhu cầu vào năm 2015 vào khoảng 22-24 tỷ USD.

Nhân dịp này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi toàn cầu cùng nỗ lực hướng tới việc cải thiện việc điều trị và ngăn ngừa sự lây lan của virus HIV. “Chúng ta đã đạt tới điểm rõ ràng không còn trẻ em nào sinh ra bị nhiễm HIV. Khi những đứa trẻ này lớn lên, chúng sẽ ít có nguy cơ bị nhiễm HIV hơn cha mẹ chúng ngày nay.”

Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu AIDS thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, cho biết: “Ngay bây giờ, chúng ta đã có được các công cụ và nguồn tài chính để có được một ảnh hưởng lớn đối với việc làm xoay chuyển đường biểu diễn của đại dịch AIDS.” Một trong các công cụ đó là liệu pháp điều trị người bệnh thật sớm ngay khi họ bị nhiễm virus HIV, trước khi phát triển thành bệnh AIDS.

Châu Phi vẫn là điểm nóng về HIV/AIDS. Nhưng năm nay, người ta ghi nhận đã có nhiều tiến bộ hơn trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS ở lục địa Đen này. Trong những năm gần đây, số người chết vì HIV/AIDS và số người nhiễm mới đã giảm đi, trong khi định kiến xã hội đối với HIV/AIDS cũng đã có thay đổi.

Kenya là nước đầu tiên trên thế giới có sáng kiến lập Tòa án Bình đẳng (Equity Tribunal) – một cơ chế chống phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS. Bây giờ, đây là một trong những biện pháp hữu hiệu mà các nước châu Phi tiến hành để chấm dứt việc loại bỏ những người nhiễm HIV/AIDS ra khỏi cộng đồng xã hội. Kết hợp với hàng loạt biện pháp khác, châu Phi đã làm xoay chuyển tình thế HIV/AIDS. Theo báo cáo Đại dịch toàn cầu 2012 của cơ quan phòng chống AIDS của LHQ UNAIDS, số người chết vì HIV/AIDS ở châu Phi đã giảm 32% trong 6 năm qua. Ở khu vực châu Phi Hạ Sahara, vùng bị nhiễm HIV nặng nhất, ước tính trong năm 2011 có 1,8 triệu người bị nhiễm mới, so với 2,4 triệu người hồi năm 2001. Hiện có 25 quốc gia đã kéo giảm được số người nhiễm HIV mới hơn 50%.

Ý thức cộng đồng cộng với trách nhiệm quốc gia đã được nâng cao ở châu Phi. Ngày càng có thêm nhiều người chịu sử dụng bao cao sư và kim tiêm một lần. Các chính phủ cũng mở rộng số người nhiễm HIV được điều trị ARV và áp dụng các biện pháp ngăn ngừa sản phụ lây HIV cho thai nhi (PMTCT) tới tận làng xã. Ở Kenya, dịch vụ PMTCT đã giúp giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh nhiễm HIV xuống 60%.

Đáng tiếc là Nam Phi vẫn tiếp tục là một mảng tối trên bản đồ AIDS châu Phi. Hơn 30 năm sau khi phát hiện virus HIV và gần 20 năm sau khi chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, đất nước miền nam châu Phi này vẫn là nơi có nhiều người nhiễm HIV nhất. Theo AVERT, một tổ chức nhân đạo về HIV/AIDS quốc tế, có ít nhất 5,6 triệu người Nam Phi (chiếm hơn 11% số dân) hiện đang sống với virus HIV hay đã phát triển thành bệnh AIDS. Ở hai tỉnh Mpumulanga và KwaZulu-Natal có tới 16% số dân cư bị nhiễm HIV. Chỉ nội năm 2009, khoảng 310.000 người Nam Phi đã chết vì AIDS. Gần 18% số người trong độ tuổi 15 tới 49 bị nhiễm HIV. Gần 1 phần 3 số phụ nữ độ tuổi 25-29 và hơn 1 phần 4 số đàn ông độ tuổi 30-34 đang sống với virus HIV. Có khoảng 20% số trường hợp lây nhiễm HIV mới là từ gái mại dâm và 10% là từ quan hệ đồng tính. Ít nhất 330.000 trẻ em dưới 15 tuổi bị nhiễm HIV (tăng gấp đôi kể từ năm 2000). Có khoảng 1,9 triệu trẻ mồ côi vì AIDS. Năm 2009 có khoảng 30% phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV.

Nam Phi đã phải trả giá cho sự thờ ơ, xem thường thảm họa HIV/AIDS, ngay từ nhà cầm quyền cũng vậy. Tổng thống Thabo Mbeki (cầm quyền từ 1999 tới 2008) và Bộ trưởng Y tế Manto Tshabalala-Msimang, từng “nổi tiếng thế giới” khi bày ra bài thuốc chống nhiễm HIV bằng củ cải đường và tỏi. Kể từ khi ông Jacob Zuma được bầu làm tổng thống vào năm 2009, Nam Phi mới bắt đầu đẩy mạnh cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS. Hồi tháng 11-2012, chính phủ Nam Phi cho biết có tới 80% số người cần điều trị AIDS đã được tiếp cận với thuốc kháng virus ARV. Tuy nhiên do số lượng người bệnh quá đông, Nam Phi ước tính phải cần thêm tới 5,3 tỷ USD mỗi năm để duy trì việc điều trị này.

Nhưng cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS toàn cầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số người nhiễm HIV được điều trị vẫn chưa cao. Theo tổ chức ONE, trong số 15 triệu người cần điều trị ARV, có tới 6,6 triệu người chưa có điều kiện tiếp cận. Bình quân hiện nay cứ có 1 người được điều trị thì có 2 người bị nhiễm mới. Chỉ có khoảng 8 triệu người nhiễm HIV ở các nước đang phát triển đang nhận được sự điều trị. Mục tiêu của LHQ là tới năm 2015 có 15 triệu người nhiễm HIV được điều trị. Các chuyên gia nói rằng việc xét nghiệm và giáo dục cộng đồng cũng là nhu cầu sống còn. Cơ quan CDC Mỹ khuyến cáo rằng quy trình xét nghiệm HIV nên đơn giản và phổ biến như thử nghiệm cholesterol.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-12-2012)

 

NGÀY WORLD AIDS DAY 2012 TRÊN THẾ GIỚI

Nam danh ca Ricky Martin người Puerto Rica khai mạc ngày World AIDS Day tại New York City ngày 30-11-2012. Hẳn bạn còn nhớ Martin là tác giả và ca sĩ của bài hát “La Copa de la Vida” (The Cup of Life) viết cho FIFA World Cup 1998 ở Pháp với tiếng reo “Gô gô gô À lề à lế à lê” vang khắp thành thị xóm làng.

Những người Đài Loan mặc áo thun đỏ tạo hình thành số 2012 để ghi dấu ngày World AIDS Day tại một nhà ga xe lửa ở Taipei ngày 1-12-2012. Bộ Y tế Đài Loan tổ chức sự kiện này để kêu gọi cộng đồng quan tâm tới việc phòng chống HIV/AIDS.

Thắp nến thành hình ruy-băng đỏ hưởng ứng Ngày AIDS Thế giới 2012 tại Manila (Philippines). Các quan chức y tế và chính phủ nói rằng việc phân biệt đối xử đối với người đồng tính và người nhiễm HIV đã làm gia tăng sự lây nhiễm căn bệnh thế kỷ này ở quần đảo Philippines.

Những người tình nguyện tay trong tay trên cầu bộ hành Pont des Arts ở thủ đô Paris (Pháp) ngày 1-12-2012 để kết thành một chuỗi người nhân ngày World AIDS Day.

Ngày World AIDS Day tại Asuncion (Paraguay).

Các sinh viên điều dưỡng Ấn Độ thắp nến vào ngày World AIDS Day tại Amritsar ngày 1-12-2012. Theo cơ quan UNAIDS, khoảng 2,5 triệu người Ấn Độ đang mang virus HIV/AIDS.

Tuần hành nhân ngày World AIDS Day (1-12-2012) tại San Salvador (El Salvador).

Ngày World AIDS Day (1-12-2012) tại Sofia (Bungaria).

Ngày World AIDS Day (1-12-2012) tại Paris (Pháp).

Ngày World AIDS Day (1-12-2012) tại Paris (Pháp).

Người dân Libya hiến máu nhân ngày Ngày World AIDS Day (1-12-2012) tại Tripoli.

Nhà hoạt động chuyển đổi giới tính Ấn Độ Laxmi Narayan Tripathi (trái) trong sự kiện All-India Run tại New Delhi ngày 2-12-2012. Hơn 1.000 người đã tham gia để kêu gọi công chúng quan tâm tới việc phòng chống HIV/AIDS.

Một mô hình ruy-băng đỏ dài 100 feet (30,5 mét) đắp trên cát tại bãi biển Chandrabhaga ở Konark (Ấn Độ) ngày 30-11-2012.

Nguồn ảnh: Internet (www.advocate.com)

VIDEO: World AIDS Day 2012: Getting to Zero.

VIDEO: World AIDS Day message 2012 from UNAIDS Executive Director

VIDEO: A video by Meanlow Studio in Kuala Lumpur, Malaysia.

VIDEO: World AIDS Day 2012 in the White House: Toward an AIDS-free Generation