Thứ Tư ngày 06 tháng 11 năm 2024

Mỹ phải tăng tốc rút quân khỏi Afghanistan

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là sang năm 2013, năm đệm cho kế hoạch triệt thoái hết quân của Mỹ và NATO ở Afghanistan vào tháng 12-2014.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ sớm phải quyết định phải rút thêm bao nhiêu quân khỏi chiến trường Nam Á – nơi hồi tháng 10-2001 Mỹ đã đưa quân vào đánh đổ chế độ cầm quyền Hồi giáo cực đoan Taliban để trả đũa cho vụ Mỹ bị tấn công ngày 11-9-2001, rồi bị sa lầy luôn tới nay. Hiện nay Mỹ có khoảng 66.000- 68.000 quân trong tổng số lực lượng quốc tế đông khoảng 102.000 người đang đóng ở Afghanistan.

Ông Obama đang chịu áp lực từ cả trong lẫn ngoài nước để phải tăng tốc độ rút quân. Hồi cuối tháng 11-2012 với tỷ lệ phiếu 62-33, Thượng viện Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Obama gia tăng quy mô rút quân Mỹ khỏi Afghanistan trước khi kết thúc mùa hè 2013 – thời điểm mà quân đội Afghanistan dự định sẽ nắm giữ toàn bộ nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên toàn đất nước. Hồi tuần trước, Tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan cũng cho biết ông muốn tiến trình rút quân nước ngoài được đẩy nhanh hơn. “Chúng tôi đang làm việc để làm cho sự chuyển giao an ninh này diễn ra sớm hơn. Chúng tôi muốn tất cả các lực lượng nước ngoài rút khỏi các làng mạc và vào đóng trong các căn cứ của họ để các lực lượng Afghanistan có thể đảm đương nhiệm vụ an ninh.”

Lính Mỹ tuần tra ở Afghanistan.

Trong thời gian gần đây, các lực lượng Afghanistan ngày càng tăng cường các hoạt động tự bảo vệ đất nước mình. Bình quân mỗi ngày ở miền nam nước này, họ thực hiện 400-500 cuộc tuần tra không có sự hiện diện của quân NATO. Tất nhiên, điều này đang làm cho số thương vong của quân NATO giảm nhưng của lực lượng bản địa tăng. Tướng Mohammad Zahir Azimi, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết, mỗi tháng hiện có hơn 300 cảnh sát và binh lính Afghanistan bị thiệt mạng.

Hiện nay quân đội Afghanistan có khoảng 350.000 quân và đảm trách nhiệm vụ bảo vệ an ninh ở các khu vực có khoảng 76% số dân Afghanistan sinh sống (nước này có 30 triệu dân). Tuy nhiên mới chỉ có 1 trong tổng số 23 lữ đoàn của Afghanistan có thể hoạt động không cần sự trợ giúp của quân NATO.

Mỹ đang cấu trúc lại lực lượng từ các đơn vị chiến đấu lớn thành các toán nhỏ, chừng 18 người để phối trí vào các đơn vị Afghanistan, nhưng chỉ làm nhiệm vụ cố vấn chiến thuật, chỉ huy và chiến lược chứ không trực tiếp chiến đấu. Kế hoạch của Mỹ ở miền nam và đông Afghanistan là thành lập 400 toán như vậy. Cùng lúc đó, 8 trong 14 lữ đoàn Mỹ ở Afghanistan sẽ giảm quy mô từ 3.500 quân/lữ đoàn xuống còn 1.400-1.900 quân và chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ các toán hoạt động. Chỉ nội việc thay đổi vai trò này cũng giúp giảm 13.000 – 17.000 quân NATO ở Afghanistan.

Lực lượng đặc biệt Mỹ đang huấn luyện cho biệt kích Afghanistan ở tỉnh Wardak.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng tuyên bố sẽ rút khoảng 3.800 quân Anh trong năm 2013, chỉ để lại 5.000 quân trong năm 2014.

Vào đầu tháng 1-2013, Tổng thống Mỹ Obama sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Karzai của Afghanistan tại Washington. Đây là cuộc gặp then chốt sẽ quyết định vai trò quân sự của Mỹ ở nước Nam Á này sau tháng 12-2014, khi sứ mạng chiến đấu của quân nước ngoài chấm dứt và hầu như tất cả quân NATO sẽ rút khỏi Afghanistan. Sau cuộc họp này, Tổng thống Obama sẽ đưa ra quyết định về số lượng quân Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan trong năm 2013.

Binh lính Quân đội Quốc gia Afghanistan đang huấn luyện.

Ngày 23-12-2012, Taliban đưa ra một thông cáo từ cuộc gặp hiếm hoi giữa các đại diện Taliban và chính phủ Kabul vừa diễn ra ở Pháp. Theo đó, Taliban sẽ không yêu cầu chế độ cầm quyền độc đảng phái và sẽ bảo đảm các quyền của phụ nữ. Có nghĩa là khi trở lại nắm chính quyền lần nữa ở Afghanistan, phong trào Hồi giáo Taliban sẽ không để phạm sai lầm như khi cầm quyền ở nước Nam Á này từ tháng 9-1996 tới tháng 12-2001 bị cộng đồng quốc tế lên án bởi việc áp dụng luật Hồi giáo Sharia quá hà khắc. Taliban hứa sẽ chia sẻ quyền lực với những đảng phái khác ở Afghanistan. Tuy nhiên, người ta vẫn hiểu rằng Taliban sẽ cầm quyền bằng luật Hồi giáo và Taliban bây giờ không “thuần tôn giáo” như trước mà có những mối quan hệ phức tạp với những tổ chức Hồi giáo cực đoan và khủng bố Hồi giáo quốc tế như al-Qaeda. Bởi vậy, tương lai của Afghanistan sau khi lực lượng quốc tế rút hết vào cuối năm 2014 vẫn sẽ là một ẩn số mà ngay từ bây giờ Mỹ đang phải tìm cách để có được những đáp án an toàn.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-12-2012)