Trận chiến con tin quốc tế ở Tây Phi
Miền Tây châu Phi giờ đây đang nóng lên trên các bản tin thời sự quốc tế sau khi Pháp đưa quân vào Mali ngày 11-1-2013 để bảo vệ các công dân Pháp và giúp quân đội nước này chống lại làn sóng tấn công của phiến quân Hồi giáo.
Khoảng 550 lính thủy quân lục chiến Pháp đầu tiên đã được điều từ các căn cứ hải ngoại Pháp gần đó tới thủ đô Bamako. Mới đây Pháp đã tiếp tục tăng thêm quân vào Mali, dự kiến sẽ lên tới 2.500 quân. Máy bay chiến đấu của Pháp cũng oanh kích nhiều ngày qua vào các cứ điểm của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở miền Bắc Mali. Mỹ và nhiều nước châu Âu đã hỗ trợ Pháp trong chiến dịch quân sự này. Tổ chức các nước Tây Phi ECOWAS gồm 15 thành viên cũng đã quyết định đưa lực lượng của mình tham chiến bên cạnh quân Pháp.
Từ đó, cộng đồng quốc tế bắt đầu được biết thêm nhiều điều về khu vực Tây Phi này. Gây sốc nhất là việc hệ thống khủng bố quốc tế Hồi giáo al-Qaeda đã kiểm soát được một “đất nước” riêng ở miền bắc Mali rộng bằng Afghanistan và còn lớn hơn cả Pháp. Sử dụng những phương tiện thi công hiện đại tịch thu được từ các hãng xây dựng nước ngoài đã tháo chạy, al-Qaeda cho xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố ở khu vực này, kết hợp với địa hình cực kỳ hiểm trở của vùng núi non và sa mạc. Một số chuyên gia quân sự nước ngoài nhận xét: ngay cả những binh lính đã được huấn luyện tinh nhuệ như biệt kích Pháp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn với địa hình và hệ thống phòng thủ ở đây.
Đây còn là hang ổ mà lâu nay các phần tử khủng bố al-Qaeda và các tổ chức phiến quân Hồi giáo đồng minh của nó cầm giữ con tin phương Tây để đòi tiền chuộc.
Hãng tin Anh Reuters (17-1-2013) cho biét: Các tay súng Hồi giáo đã mở một mặt trận quốc tế trong cuộc nội chiến ở Mali bằng cách bắt giữ hàng chục con tin phương Tây tại một nhà máy dầu khí ở sa mạc Algeria ngay sau khi binh lính Pháp đổ bộ xuống nước Mali láng giềng để phản công chống phiến quân Hồi giáo đang tiến về thủ đô.
Gần 24 giờ sau khi những tay súng tấn công trạm bơm khí thiên nhiên và nơi cư trú của các công nhân hồi sáng sớm 16-1-2013, một nhóm tự xưng là “Battalion of Blood” (Tiểu đoàn Máu) đã tuyên bố đang cầm giữ 41 con tin nước ngoài, gồm các công dân Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, tại Tigantourine, nằm sâu trong sa mạc Sahara. Ngoại trưởng Anh William Hague xác nhận có 1 người Anh bị giết và một số người khác đang bị giữ làm con tin. Một số nguồn tin khác cho biết có 1 người Pháp và 1 người Algeria bị giết.
Ngoại trưởng Anh Hague nói với báo chí tại Sydney (Úc) sáng 17-1-2013 rằng: “Đây là một tình hình đang phát triển nhanh chóng và nguy hiểm. Chúng tôi đã cử một đội triển khai nhanh từ Bộ Ngoại giao tới để bảo vệ tòa đại sứ và các nhân viên lãnh sự ở đó. Sự an toàn của những người có liên quan và các đồng nghiệp của họ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và chúng tôi sẽ làm việc suốt ngày đêm để giải quyết cuộc khủng hoảng này.”
Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã có một cuộc điện đàm với Tổng thống Abdelaziz Bouteflika của Algeria.
Do một cựu binh Algeria trong cuộc chiến tranh du kích ở Afghanistan cầm đầu, nhóm Hồi giáo “Tiểu đoàn Máu” đã yêu cầu Pháp ngưng ngay hành động can thiệp vào Mali và chính quyền Algeria thả hàng chục tù nhân là các phần tử Hồi giáo cực đoan. Thông qua báo chí ở nước Cộng hòa Hồi giáo Mauritania láng giềng, tổ chức này cho biết chúng có hàng chục tay súng tại căn cứ gần thành phố In Amenas sát biên giới Libya, được trang bị pháo và tên lửa chống máy bay. Chúng cho biết đã đẩy lùi một cuộc tấn công của quân đội Algeria vào tối 16-1. Trước nay người ta vẫn biết là các tổ chức Hồi giáo cực đoan và khủng bố ở châu Phi đã được bổ sung bằng những tay súng trước đây chiến đấu cho lực lượng của Tổng thống Muammar Gaddafi ở Libya, cũng như với các vũ khí lấy từ lực lượng này.
Mỏ khí thiên nhiên Amenas ở giữa sa mạc Algeria này ngày 16-1-2013 đã xảy ra vụ phiến quân Hồi giáo tấn công bắt giữ 41 con tin.
Trong khi chính quyền Algeria từ chối thương lượng với nhóm bắt giữ con tin, Mỹ và các chính phủ phương Tây khác đã lên án cuộc tấn công mà họ gọi là “tấn công khủng bố” này. Trạm bơm này, hiện đã đóng cửa, sản xuất 10% sản lượng khí thiên nhiên của Algaria mà phần lớn được bơm tới châu Âu.
Trong một thông báo trên báo chí Mauritania, nhóm bắt giữ con tin cho thấy các con tin đang gặp nguy hiểm. Chúng tuyên bố: “Chính phủ Algaria và chính phủ Pháp và các nước của các con tin phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu các yêu cầu của chúng tôi không được thỏa mãn và họ phải ngừng cuộc đàn áp bạo tàn chống lại người dân chúng tơi ở Mali.” Nhóm này còn cho biết chúng đã gài chất nổ chung quanh căn cứ và đe dọa là bất cứ âm mưu giải cứu con tin nào cũng sẽ có “kết cục bi thảm”.
Đây là một trong rất ít vụ bắt cóc con tin số lượng lớn. Trước nay, những vụ bắt cóc con tin số lượng nhỏ vẫn thường xuyên xảy ra ở khu vực Sahara, chủ yếu là để đòi tiền chuộc mạng chứ không vì mục đích chính trị. Các nhóm Hồi giáo cực đoan lợi dụng tình hình khu vực không biên giới và vô luật pháp này coi bắt cóc đòi tiền chuộc và buôn lậu là cách để chúng kiếm tiền duy trì hoạt động.
Bộ trưởng Nội vụ Daho Ould Kablia của Algeria cho biết: cuộc tấn công bắt con tin này được chỉ huy bởi Mokhtar Belmokhtar, kẻ từng đánh nhau với lực lượng Liên Xô ở Afghanistan hồi thập niên 1980 và gần đây thành lập tổ chức riêng ở Sahara sau khi bất đồng với những thủ lĩnh al-Qaeda địa phương khác. Tình báo Pháp gọi hắn là “The Uncatchable” (Kẻ không thể tóm được), còn dân địa phương gọi hắn là “Mister Marlboro” do hắn kinh doanh thuốc lá lậu.
Mokhtar Belmokhtar, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo cực đoan vừa bắt cóc 41 con tin ở Algeria.
Cho tới trưa 17-1-2013, người ta vẫn chưa rõ quốc tịch của tất cả 41 con tin vừa bị bắt giữ. Nhóm bắt giữ nói có 7 người Mỹ. Công ty năng lượng Na Uy Statoil liên doanh với hãng BP của Anh và công ty quốc doanh Sonatrach khai thác mỏ khí thiên nhiên này cho biết có 9 nhân viên người Na Uy và 3 nhân viên bản xứ bị bắt giữ. Một số nguồn tin nói rằng có 7 người Nhật Bản đang làm việc cho hãng kỹ thuật JGC Corp, 1 người Pháp, 1 người Áo, 1 người Ailen và một số người Anh bị cầm giữ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố: “Tôi muốn bảo đảm với nhân dân Mỹ rằng nước Mỹ sẽ làm tất cả các bước cần thiết và thích đáng cần phải có để giải quyết tình hình này.” Ông cũng cho biết Mỹ đang xem xét các vấn đề pháp lý và những vấn đề khác trước khi cung cấp thêm sự trợ lực cho Pháp trong chiến dịch quân sự ở Mali. Pháp nhấn mạnh đây không phải chỉ là hành động giúp chính quyền Mali chống phiến quân Hồi giáo mà còn là một cuộc chiến chống hệ thống khủng bố quốc tế al-Qaeda ở châu Phi.
Trong khi nhiều nước phương Tây đang hay sẽ tham gia cùng Pháp mở cuộc chiến quốc tế chống chú nghĩa khủng bố ở Tây Phi, những nước phương Tây này và một số nước khác cũng đã bị lôi vào một cuộc khủng hoảng con tin quốc tế ở chính khu vực nóng này.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 17-1-2013)
– Ảnh trên title:Người dân Algeria đọc thông tin trên báo về vụ tấn công bắt cóc con tin. (AP/Ouahab Hebbat)
VIDEO CLIPS
Algeria hostage-taking ‘well-planned’
Algeria hostage crisis: who is Mokthar Belmokhtar?