Quân đội Ai Cập trước nguy cơ nhà nước sụp đổ
Làn sóng bạo lực chính trị ở Ai Cập giữa Tổng thống Mohammed Morsi và phong trào Anh em Hồi giáo (MB) của ông với những người dân phản đối đang leo thang nguy hiểm. Ngày 29-1-2013, Tướng Abdel-Fattah el-Sissi, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm tổng tư lệnh quân đội, đã cảnh báo rằng nhà nước Ai Cập có thế sụp đổ dưới sức nặng của tình trạng rối loạn hiện nay. Đây là lần đầu tiên quân đội chính thức lên tiếng kể từ khi cuộc khủng hoảng mới này nổ ra.
Tướng el-Sissi đã được Tổng thống Morsi bổ nhiệm hồi mùa thu 2012. Những lời cảnh báo mạnh mẽ của ông được đánh giá là nhằm thúc giục các hai bên trong tình hình chia rẽ chính trị ở Ai Cập khẩn trương hòa giải và tìm ra một giải pháp cho làn sóng chống đối và bạo động đang lan nhanh trên phần lớn đất nước Arập này trong 6 ngày qua. Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, Tướng el-Sissi cho thấy quân đội đang đứng trước tình thế khó xử, phải giữ thế cân bằng, vừa tránh đối đầu với các công dân, vừa bảo vệ được thể chế nhà nước.
Cảnh sát bắn hơi cay vào những người biểu tình chống đối Tổng thống Mohammed Morsi tại thủ đô Cairo ngày 29-1-2013.
Có ít nhất 60 người đã chết và hàng trăm người bị thương kể từ khi bạo lực chính trị bùng nổ ngày 24-1-2013. Điểm nóng nhất hiện nay là thành phố duyên hải Port Said, nơi bạo lực bùng nổ ngày 26-1 tới nay đã khiến hơn 40 người chết. Cả quân đội với xe tăng yểm trợ lẫn cảnh sát đều thất bại trong việc bảo đảm lệnh giới nghiêm do Tổng thống Morsi ban hành. Các cư dân ở ba thành phố lân cận dọc theo Kênh đào Suez đã tổ chức những cuộc tuần hành khổng lồ trên đường phố vào ngày 28 và đêm 29-1.
Trong khi đó, ngay tại thủ đô Cairo ngày 29-1, những người biểu tình đã ném đá vào cảnh sát và cảnh sát đã bắn hơi cay vào đám đông làm loạn. Tình hình càng căng thẳng hơn trong đêm 29-1.
Những người dân chống Tổng thống Morsi tại nhiều thành phố ở Ai Cập đã xung đột với cảnh sát, cắt các tuyến đường bộ và đường sắt, bao vây các cơ quan chính quyền và đồn cảnh sát.
Nguyên nhân bạo lực đẫm máu tại Port Said xuất phát từ việc một tòa án tuyên án tử hình 21 người, phần lớn là những cổ động viên bóng đá địa phương, do dính vào một vụ bạo động bóng đá đẫm máu tại thành phố này cách đây một năm.
Thật ra đây chỉ là một cái cớ mới cho những người chống Tổng thống Morsi.
Trở thành Tổng thống Ai Cập hồi tháng 6-2012 chỉ với 51,73% số phiếu bầu, ông Morsi đã chỉ hưởng được tuần trăng mật ngắn ngủi với cử tri. Lực lượng đối lập tố cáo ông Morsi và phong trào MB đã lợi dụng chiến thắng trong bầu cử để thâu tóm và độc chiếm quyền lực, loại bỏ các đối thủ chính trị và mưu toan thông qua một hiến pháp mới biến Ai Cập thành một nhà nước Hồi giáo. Họ nói rằng: sau khi đắc cử, Tổng thống Morsi tập trung vào việc thực hiện các mưu toan chính trị này mà ít quan tâm tới các vấn đề quốc kế dân sinh, vực dậy nền kinh tế và ổn định tình hình an ninh.
Giới quan sát quốc tế cho rằng bừng tỉnh dậy sau cơn phấn khích từ cái không khí của những ngày cách mạng dân chủ Mùa Xuân Arập, người dân Ai Cập giờ đây có vẻ hối hận khi đã dồn phiếu cho phong trào Hồi giáo cứng rắn MB của ông Morsi. Đó là lý do khiến Ai Cập rơi vào bất ổn suốt từ đó tới nay.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 31-1-2013)
VIDEO CLIPS
Egypt Crisis ‘Could Lead To State’s Collapse’.
Egypt’s Port Said still simmering with anger
Egypt’s Morsi declares ‘state of emergency’