Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Tản mạn về lịch sử

 

Hỗm rày, các cơ quan truyền thông “lề phải” và cộng đồng mạng ì xèo chuyện về lịch sử, cụ thể là lịch sử chống ngoại xâm ròng rã hơn 1.000 năm của dân tộc Việt.

Sự thật lịch sử là những việc đã diễn ra trong quá khứ và không thể thay đổi được nữa. Đó là một chân lý từ cổ chí kim và từ Đông sang Tây.

Người ta không thể thay đổi được lịch sử, nhưng hoàn toàn có thể sửa chữa được những hậu quả do lịch sử gây ra. Người ta quen gọi “chính danh” đó là những “tồn đọng lịch sử” hay những “bóng ma lịch sử”.

Sự thật lịch sử là những việc xảy ra trong quá khứ, bất kể người thích, kẻ không ưa. Nếu ai đó muốn “chỉnh lý” lịch sử theo ý mình thì họa chăng chỉ có thể làm sao chui được vào các bộ phim khoa học giả tưởng của Hollywood mà dùng cỗ máy thời gian (time machine) quay trở lại quá khứ hòng thay đổi những gì đã xảy ra.

Sự thật lịch sử đã diễn ra đúng với bản chất của nó vào thời điểm cụ thể nào đó. Và bất cứ sự thật lịch sử nào cũng đều phải chịu sự phán xét của hậu thế.

Cho dù là triều đại tàn ác, dã man tới chừng nào, các vua chúa ngày xưa vẫn phải chấp nhận cho các sử quan ghi lại những gì xảy ra – chỉ có điều là không được bình luận. Ghi sai là “bóp méo lịch sử”.

Tới lượt mình, hậu thế cũng phải hành xử fair-play sòng phẳng và công bằng với các nhân vật lịch sử là khi đánh giá các sự kiện lịch sử cần phải xem xét tới hoàn cảnh thực tế lúc chúng xảy ra. Làm khác đi là “xuyên tạc lịch sử”.

Có những việc hồi đó là đúng, nhưng bây giờ mà làm như vậy là trật lất. Với hoàn cảnh, não trạng và nhân sinh quan thời đại của mình, hậu thế coi những gì cha ông đã làm trong quá khứ để làm gương cho mình cái cần kế thừa, cái phải tránh lặp lại.

Nói là phải xem xét tới hoàn cảnh lúc lịch sử xảy ra không có nghĩa là dung thứ cho những cái ác, cái xấu theo chuẩn mực đã là chân lý muôn đời.

Người ta cần khép lại quá khứ đau thương để hướng tới tương lai tốt lành cho tất cả. Gọi là nhân văn cũng được, hay gọi là thức thời cũng chẳng sao. Nhưng khép lại, đóng lại (close) quá khứ và quên đi (forget) hay xóa bỏ (erase) quá khứ là hai chuyện khác nhau. Và không ai được phép quên đi quá khứ. Nhưng nhắc lại quá khứ đau thương không phải để chì chiết nhau, để tính sổ nhau mà chỉ coi đó như bài học để cố gắng tránh tái lặp trong hiện tại và tương lai.

Thật ra, ở đây tôi nói tới quá khứ theo nghĩa thường dùng – giống như lý lịch nhân thân của một con người. Theo sự hiểu biết của tôi, quá khứ và lịch sử không hoàn toàn như nhau. Lịch sử là chuyện xảy ra trong quá khứ, nhưng quá khứ không phải đều là lịch sử. Cho dù vì một lý do nào đó – chủ quan hay khách quan – người ta có thể quên đi hay xóa bỏ quá khứ, nhưng lại không thể làm như vậy với lịch sử. Trong quá khứ của tôi, một anh bạn nối khố từng uýnh tôi lên bờ xuống ruộng, nay tôi có thể quên chuyện đó đi, xóa bỏ nó đi để hai đứa tôi cùng làm bạn tốt với nhau. Nhưng cái vụ việc đáng tiếc đó vẫn hằn ghi trong một ngóc ngách tiềm thức nào đó của tôi. Trong khi đó, bạn bè chúng tôi vẫn ghi nhớ chuyện tôi và anh bạn ẩu đả nhau – đó là lịch sử mà tôi không thể làm gì với nó được. Những khi họp bạn với nhau, chúng tôi vẫn nhắc lại những chuyện xảy ra trong quá khứ, nhưng với ý nghĩa là thì tùy vào tình trạng của mới quan hệ bạn bè. Khi hai đứa hữu hảo thì chuyện quá khứ nhắc lại được coi như đùa vui, để cả hai cùng hối tiếc và rút kinh nghiệm vun đắp cho mối quan hệ hiện hữu. Lúc hai đứa cơm không lành, canh không ngọt thì chuyện xưa được lôi ra để nói rằng anh bạn chơi xấu với tôi một cách có truyền thống!

Chiêm nghiệm từ chính cuộc đời mình, tôi rút ra được bài học: muốn không bị hậu sinh phán xét, vào lúc này tôi chỉ nên làm những gì tốt mình, đẹp người. Tôi ơi, tôi cắn cỏ ngậm vành lạy chính mình rằng: tôi đừng bao giờ bị làm những gì mà mình không muốn người khác làm với mình hôm nay và mai sau!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 19-2-2013)

Cái này gọi là thăng trầm lịch sử – từ Tết Canh Thân 1980 tới Tết Quý Tị 2013.